Nên ủng hộ lương thực, thực phẩm gì cho đồng bào vùng lũ lụt?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
13/09/2024 09:45 AM

Cứu trợ cho người dân vùng lũ trong lúc nguy cấp là điều rất cần thiết. Theo đó, bài viết dưới đây sẽ gợi ý những đồ ăn nên ủng hộ cho đồng bào vùng lũ lụt.

Nên ủng hộ lương thực, thực phẩm gì cho đồng bào vùng lũ lụt? (Hình từ internet)

1. Nên ủng hộ lương thực, thực phẩm gì cho đồng bào vùng lũ lụt?

Theo Công văn 2316/ATTP-NĐTT năm 2024, có nêu rõ đối với những khu vực bị ngập lụt, sạt lở gây chia cắt, có phương án đảm bảo cung cấp lương thực, thực phẩm, nước uống đảm bảo an toàn. Khuyến khích người dân sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, ăn ngay như: lương khô, mỳ gói, nước uống đóng chai…

Đồng thời, Sở Y tế, Ban quản lý an toàn thực phẩm, Chi cục an toàn thực phẩm các tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc bị ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 3 phối hợp với các cơ quan chức năng của Trung ương và địa phương kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm các loại lương thực, thực phẩm, nước uống do các tổ chức, cá nhân hỗ trợ đồng bào vùng lũ lụt nhằm đảm bảo không để các sản phẩm bị hỏng, mốc, dập vỡ, hết hạn sử dụng… đến tay người dân.

Như vậy, theo quy định nêu trên, khuyến khích người dân vùng lũ lụt sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, ăn ngay. 

Do đó, khuyến khích tổ chức, cá nhân quyên góp, ủng hộ lương thực, thực phẩm cho đồng bào vùng lũ là những món ăn ngay, không cần qua chế biến và dễ bảo quản vì các khu vực này đa số đều mất điện, mất nước, không thể chế biến đồ ăn. 

Ví dụ: Bánh chưng, lương khô, mỳ gói, cơm nắm, nước uống đóng chai…

Lưu ý, trước khi vận chuyển thực phẩm nên được đóng gói kín như hút chân không để thực phẩm được bảo quản tốt nhất.

2. Cá nhân có thể quyên góp ủng hộ đồng bào vùng lũ bằng những hình thức nào?

Theo Hướng dẫn 38/HD-MTTW-BTT năm 2020, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn hình thức ủng hộ và tiếp nhận nguồn đóng góp cho đồng bào vùng lũ lụt bằng những cách như sau:

(1) Ủng hộ bằng hình thức chuyển khoản: Qua số tài khoản của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

* Tài khoản tại Kho bạc

Tên Tài khoản: Văn phòng Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Số Tài khoản: 3713.0.1058784.00000

Mã đơn vị quan hệ ngân sách: 1058784

Tại Sở giao dịch Kho bạc Nhà nước

* Tài khoản tại ngân hàng

** Tài khoản tại Vietinbank

- Tài khoản VND

Tên tài khoản: Ban Vận động cứu trợ Trung ương

Số tài khoản: CT1111

Tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Chi nhánh TP Hà Nội

- Tài khoản USD

Tên tài khoản: Ban Vận động cứu trợ Trung ương

Số tài khoản: 110630051111

Tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Chi nhánh TP Hà Nội

** Tài khoản tại Vietcombank

- Tài khoản VND

Tên Tài khoản: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Ban Cứu trợ Trung ương

Số Tài khoản: 0011.00.1932418

Tại Sở giao dịch Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam.

- Tài khoản USD

Tên Tài khoản: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Ban Cứu trợ Trung ương

Số Tài khoản: 001.1.37.193253.8

Tại Sở giao dịch Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam.

SW Code: BFTVVNVX

(2) Tiếp nhận ủng hộ bằng tiền mặt

Phòng Kế hoạch-Tài chính (phòng 109, phòng 111) Văn phòng Cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam số 46 Tràng Thi – Hà Nội.

(3) Ủng hộ qua chương trình vận động quyên góp của địa phương

Người dân địa phương không bị ảnh hưởng do lũ lụt có thể ủng hộ qua chương trình vận động quyên góp của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Cứu trợ các tỉnh, thành phố báo cáo với cấp ủy phối hợp với chính quyền tổ chức.

Số tiền vận động quyên góp được chuyển về Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Ban Cứu trợ Trung ương) để cân đối phân bổ cho các địa phương bị thiệt hại.

(4) Ủng hộ bằng hiện vật

Trường hợp các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân ủng hộ bằng hàng (chưa sử dụng) thì phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc Hội Chữ thập đỏ các cấp để phân bổ và chuyển trực tiếp các địa phương bị thiệt hại do lũ lụt.

3. Tiền quyên góp ủng hộ vùng lũ lụt sẽ được chi vào những nội dung gì?

Theo Điều 11 Nghị định 93/2021/NĐ-CP nội dung chi từ nguồn đóng góp tự nguyện được quy định như sau: 

- Nguồn đóng góp tự nguyện không có điều kiện, địa chỉ cụ thể được chi theo các nội dung sau:

+ Hỗ trợ cho người bị thương nặng, gia đình có người mất tích do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; chi phí mai táng cho gia đình có người chết do thiên tai, dịch bệnh, sự cố;

+ Hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc chữa bệnh và nhu yếu phẩm thiết yếu khác cho người dân, hộ gia đình bị khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố;

+ Hỗ trợ hộ gia đình sửa chữa, xây dựng lại nhà ở bị đổ, sập, trôi, cháy hoàn toàn, sửa chữa nhà ở bị hư hỏng nặng; hộ phải di dời nhà ở khẩn cấp do nguy cơ từ thiên tai, sự cố để ổn định đời sống của người dân;

+ Hỗ trợ di chuyển người dân ra khỏi vùng xảy ra thiên tai, dịch bệnh, sự cố;

+ Dựng các lán trại tạm thời cho người dân do phải di dời hoặc bị mất nhà ở;

+ Vệ sinh môi trường, phòng chống bệnh truyền nhiễm ở khu vực bị tác động bởi thiên tai, dịch bệnh, sự cố;

+ Hỗ trợ mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, hàng hóa cần thiết để phòng, chống dịch bệnh;

+ Hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, vật tư, trang thiết bị, nhiên liệu thiết yếu; công cụ, phương tiện sản xuất bị mất, hư hỏng nặng do thiên tai, sự cố gây ra để phục hồi sản xuất và hỗ trợ cải tạo diện tích đất sản xuất nông nông nghiệp bị xói mòn, bồi lấp;

+ Hỗ trợ sửa chữa, khôi phục công trình phòng, chống thiên tai, giao thông, thông tin, thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, điện lực, trường học, cơ sở y tế và công trình hạ tầng thiết yếu khác bị thiệt hại;

+ Hỗ trợ tiền ăn và chi phí phục vụ sinh hoạt cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai, sự cố; các đối tượng phải áp dụng biện pháp cách ly y tế trong thời gian cách ly y tế; người dân gặp khó khăn do phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các khoản hỗ trợ khác do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.

- Sau khi đã ưu tiên sử dụng theo các nội dung chi quy định nêu trên mà kinh phí vận động đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh còn dư, Ủy ban nhân dân thống nhất với Ban Vận động cùng cấp để quyết định thực hiện các chính sách an sinh xã hội tại các địa phương vùng bị thiên tai, dịch bệnh đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và mục tiêu của cuộc vận động.

- Trường hợp khoản đóng góp tự nguyện có địa chỉ cụ thể theo cam kết để sửa chữa, khôi phục, nâng cấp, xây dựng mới công trình hạ tầng thiết yếu và các nội dung khác thì tổ chức, cá nhân đóng góp có trách nhiệm thống nhất với chính quyền địa phương về thiết kế, quy mô, chất lượng, tiến độ sửa chữa, xây dựng công trình và phù hợp với các quy hoạch liên quan theo quy định hiện hành.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,290

Bài viết về

lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]