Chế độ tiền lương của vận động viên thể thao thành tích cao không còn phù hợp (Hình từ Internet)
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh An Giang gửi tới trước kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, nội dung kiến nghị như sau:
Hiện nay, chưa có chính sách về chế độ đãi ngộ cho vận động viên thể thao thành tích cao, nên các tỉnh, thành phố gặp khó khăn về cơ sở pháp lý để xây dựng chính sách chế độ đãi ngộ cho vận động viên thể thao thành tích cao. Nhằm khích lệ tinh thần của các vận động viên thể thao thành tích cao thực hiện nhiệm vụ quốc gia thi đấu các giải thể thao khu vực, châu lục và thế giới, đồng thời tạo cơ sở pháp lý để các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện, tỉnh An Giang kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp các Bộ, ngành liên quan điều chỉnh mức chi tại Thông tư liên tịch 200/2011/TTLT-BTC-BVHTTDL.
Tại Công văn 3445/BVHTTDL-VP ngày 13/8/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, hiện nay, một số chính sách cho vận động viên, huấn luyện viên thể thao thành tích cao đã được quan tâm và thể chế hóa thông qua các văn bản quy phạm pháp luật sau:
- Luật Thể dục, thể thao 2006 và được sửa đổi bổ sung năm 2018 (Điều 32. Quyền và nghĩa vụ của vận động viên thể thao thành tích cao và Điều 33. Quyền và nghĩa vụ của huấn luyện viên thể thao thành tích cao);
- Nghị định 152/2018/NĐ-CP quy định một số chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao trong thời gian tập trung tập huấn và thi đấu, gồm: Tiền lương, thưởng, tiền hỗ trợ tập huấn, thi đấu; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên khi ốm đau, thai sản, khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu...;
- Nghị định 36/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số Điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Thể dục, thể thao, trong đó có các quy định về bảo đảm học văn hóa, chính trị; ưu đãi về đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; ưu đãi về học nghề và giải quyết việc làm với vận động viên thể thao;
- Thông tư 03/2010/TT-BGDĐT ban hành Quy chế tuyển sinh Đại học, Cao đẳng chính quy. Điều 8. Đối tượng xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển “Thí sinh tham gia đội tuyển quốc gia thi đấu tại các giải quốc tế chính thức được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác nhận đã hoàn thành nhiệm vụ, bao gồm: Giải vô địch thế giới, Cúp thế giới, Thế vận hội Olympic, Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD), Giải vô địch châu Á, Cúp châu Á, Giải vô địch Đông Nam Á, Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games), Cúp Đông Nam Á; thời gian đoạt giải không quá 4 năm tính tới thời điểm xét tuyển thẳng”;
- Thông tư 86/2020/TT-BTC quy định chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao.
Bên cạnh đó, trên cơ sở các quy định của Trung ương, một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân về chế độ đặc thù đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.
Các cơ chế, chính sách sau khi được ban hành đã phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện tài năng và đãi ngộ đối với vận động viên, huấn luyện viên thể thao. Tuy nhiên, một số chính sách đến thời điểm hiện nay đã không còn phù hợp với tình hình thực tế, nhất là chính sách liên quan đến chế độ tiền lương. Trong thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục tập trung rà soát, tham mưu sửa đổi, bổ sung một số chế độ đối với vận động viên, huấn luyện viên bảo đảm phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi thẩm quyền, căn cứ các quy định tại Nghị định 152/2018/NĐ-CP , Nghị định 36/2019/NĐ-CP và điều kiện thực tiễn để xây dựng trình HĐND ban hành Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân về chế độ, chính sách đối với vận động viên, huấn luyện viên thuộc quản lý của địa phương.