Bão số 4 đi vào đâu? Tin bão số 4 2024 mới nhất và Công điện 98 ứng phó với áp thấp nhiệt đới sắp mạnh lên thành bão số 4

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
19/09/2024 06:05 AM

Theo dự báo, bão số 4 năm 2024 vào đâu? Công điện 98 ứng phó với áp thấp nhiệt đới sắp mạnh lên thành bão số 4 của Thủ tướng chỉ đạo những nội dung gì?

Bão số 4 năm 2024 vào đâu?

Theo TIN BÃO KHẨN CẤP ngày 19/9/2024:

Sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão, cơn bão số 04 năm 2024.

Tại Cồn Cỏ (Quảng Trị) đã có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7.

Hồi 04 giờ, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,3 độ Vĩ Bắc; 109,8 độ Kinh Đông, cách Đà Nẵng 210km về phía Đông Bắc, cách Quảng Trị khoảng 260km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/h), giật cấp 10; di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ khoảng 20km/h.

Văn bản chỉ đạo mới nhất về ứng phó bão số 4 2024

Thủ tướng có Công điện 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.

Tiếp theo Công điện 97/CĐ-TTg ngày 17/9/2024, để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, nhất là nguy cơ mưa lớn, ngập lụt đô thị và vùng thấp trũng, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét ở khu vực miền núi, sườn dốc để đảm bảo an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản của Nhân dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố nêu trên tổ chức theo dõi chặt chẽ tình hình, cập nhật liên tục thông tin diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bão và mưa lũ; chỉ đạo triển khai kịp thời, quyết liệt, có hiệu quả công tác ứng phó phù hợp với diễn biến thực tế trên địa bàn, quán triệt phương châm "bốn tại chỗ", chủ động xử lý các tình huống xấu nhất có thể xảy ra, trong đó tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm sau:

- Rà soát, hướng dẫn, kêu gọi tàu thuyền không đi vào, thoát ra khỏi vùng nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn; triển khai ngay các biện pháp bảo đảm an toàn cho tàu thuyền, phương tiện tại nơi neo đậu tránh trú và các hoạt động sản xuất trên biển, ven biển, nhất là trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, khu du lịch, dịch vụ ven biển.

- Triển khai phương án ứng phó với áp thấp nhiệt đới, mưa bão, ngập lụt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản của Nhân dân.

- Triển khai các biện pháp để hạn chế thiệt hại về nhà ở, kho tàng, trụ sở, trường học, cơ sở y tế, sản xuất kinh doanh, đê điều, hồ đập, công trình xây dựng, nhất là công trình giao thông, đê kè đang thi công dở dang; khẩn trương hoàn thành việc cắt tỉa, chằng chống cây xanh đô thị, nhà cửa, trụ sở, nạo vét, khơi thông cống rãnh, hệ thống tiêu thoát nước.

- Vận hành, điều tiết các hồ đập thủy điện, thủy lợi trên địa bàn khoa học, phù hợp với tình hình thực tiễn, đảm bảo an toàn tuyệt đối các công trình, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du, không để xảy ra tình trạng lũ chồng lũ.

- Chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện, nhất là tại các khu vực dự kiến chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, mưa lũ, địa bàn trọng điểm để sẵn sàng triển khai ứng phó áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lũ, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

- Chủ động triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra để nhanh chóng ổn định lại đời sống cho người dân, khẩn trương khôi phục sản xuất kinh doanh; kịp thời lương thực, thực phẩm, nước uống, nhu yếu phẩm cho các hộ dân bị ảnh hưởng của thiên tai, nhất là các hộ dân tại các khu vực bị cô lập; tuyệt đối không để ai bị đói, bị rét, không có nơi ở, thiếu nước uống.

2. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo cơ quan dự báo khí tượng thủy văn tổ chức theo dõi chặt chẽ tình hình, dự báo, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bão cho cơ quan chức năng và người dân biết để chủ động triển khai có hiệu quả công tác ứng phó theo quy định.

3. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức trực ban 24/7, theo dõi chặt chẽ tình hình, chủ động chỉ đạo, đôn đốc các địa phương triển khai công tác ứng phó phù hợp với diễn biến thiên tai thực tế, kịp thời báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng chỉ đạo những vấn đề vượt thẩm quyền.

4. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đối với tàu thuyền vận tải hoạt động trên biển, trên sông; đảm bảo an toàn hoạt động giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không; triển khai các biện pháp phòng, chống bão, lũ bảo đảm an toàn cho người, phương tiện và các dự án quan trọng quốc gia, công trình hạ tầng giao thông trọng điểm đang thi công tại khu vực.

5. Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp chặt chẽ với các địa phương nêu trên chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn, vận hành hợp lý, khoa học các hồ đập thủy điện, thủy lợi để bảo đảm an toàn công trình, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du.

6. Bộ trưởng các Bộ: Quốc phòng, Công an chỉ đạo các lực lượng cứu hộ, cứu nạn ứng trực thường xuyên, sẵn sàng cứu dân, tài sản và các yêu cầu khẩn cấp khác.

7. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan truyền thông tăng thời lượng phát sóng, đưa tin để người dân nắm được thông tin đầy đủ, chính xác về diễn biến áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lũ và chỉ đạo của các cơ quan có thẩm quyền, qua đó kịp thời triển khai các hoạt động ứng phó phù hợp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tính mạng và tài sản.

8. Giao Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương có liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc công điện này.

9. Văn phòng Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao theo dõi, đôn đốc các Bộ, địa phương thực hiện nghiêm túc Công điện này; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng phụ trách những vấn đề đột xuất, phát sinh.

Công điện 97 ứng phó với áp thấp nhiệt đới sắp mạnh lên thành bão số 4

Ngày 17/9/2024, Thủ tướng Chính phủ có Công điện 97/CĐ-TTg về chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo cơ quan dự báo khí tượng thủy văn tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ, dự báo, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về diễn biến của áp thấp nhiệt đới cho cơ quan chức năng và người dân biết để chủ động triển khai công tác ứng phó theo quy định.

Đồng thời, Bộ trưởng các Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố nêu trên theo chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức theo dõi, cập nhật thường xuyên, liên tục thông tin diễn biến áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lũ để chủ động chỉ đạo triển khai công tác ứng phó phù hợp với diễn biến thiên tai có thể ảnh hưởng đến phạm vi quản lý của ngành, địa phương, trong đó:

- Tập trung triển khai ngay các biện pháp bảo đảm an toàn cho tàu thuyền, phương tiện và các hoạt động trên biển, ven biển.

- Rà soát, hoàn thiện kịch bản ứng phó với áp thấp nhiệt đới, bão, ngập lụt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, tập trung bảo đảm an toàn tính mạng hạn chế thiệt hại về tài sản của Nhân dân, vận hành khoa học, an toàn hồ đập thủy điện, thủy lợi.

- Chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện, nhất là tại các địa phương dự kiến chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, mưa lũ, địa bàn trọng điểm để sẵn sàng triển khai ứng phó áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lũ, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Công điện 6851 ứng phó với áp thấp nhiệt đới sắp mạnh lên thành bão số 4 của Bộ NN&PTNT

Ngày 16/9/2024, Bộ NN&PTNT có Công điện 6851/CĐ-BNN-ĐĐ ngày 16/9/2024 về việc ứng phó với áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông.

Công điện 6851 ứng phó với áp thấp nhiệt đới sắp mạnh lên thành bão số 4

Công điện 6851 ứng phó với áp thấp nhiệt đới sắp mạnh lên thành bão số 4

Theo bản tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, một áp thấp nhiệt đới đang hoạt động trên vùng biển phía Đông đảo Lu Dông (Philippin), hồi 10h00 ngày 16/9/2024, ATNĐ có toạ độ 17,1 độ Vĩ Bắc, 124,4 độ Kinh Đông với sức gió cấp 6-7, giật cấp 9; dự báo trong 24 giờ tới, ATNĐ di chuyển theo hướng Tây với vận tốc 15-20km/h, cường độ cấp 7, giật cấp 9 và có khả năng mạnh lên thành bão.

Để chủ động ứng phó với diễn biến của áp thấp nhiệt đới, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các Bộ, ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận:

- Theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới; quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm. Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới: Từ vĩ tuyến 15,0-19,0, phía Đông kinh tuyến 118,0 (vùng nguy hiểm được điều chỉnh trong các bản tin dự báo).

- Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

- Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, hệ thống Đài thông tin duyên hải và các cơ quan thông tin đại chúng từ Trung ương đến địa phương tăng cường các biện pháp thông tin về diễn biến của áp thấp nhiệt đới đến các cấp chính quyền, chủ các phương tiện hoạt động trên biển và người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó.

- Trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai).

Các loại thiên tai được dự báo, cảnh báo và truyền tin

Theo Điều 3 Quyết định 18/2021/QĐ-TTg các loại thiên tai được dự báo, cảnh báo và truyền tin

1. Bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực vùng biển phía Tây kinh tuyến 120° Đông, phía Bắc vĩ tuyến 05° Bắc và phía Nam vĩ tuyến 23° Bắc (sau đây gọi là Biển Đông, Phụ lục I Quyết định 18/2021/QĐ-TTg) và trên đất liền lãnh thổ Việt Nam; bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động ngoài khu vực biển Đông, nhưng có khả năng di chuyển vào khu vực Biển Đông trong khoảng 24 đến 48 giờ tới.

2. Mưa lớn xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam; lũ trên các sông thuộc lãnh thổ Việt Nam và các sông liên quốc gia liên quan (Phụ lục II Quyết định 18/2021/QĐ-TTg); ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy trên lãnh thổ Việt Nam.

3. Nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đất, sụt lún đất do hạn hán trên lãnh thổ Việt Nam.

4. Gió mạnh trên Biển Đông; sương mù trên Biển Đông và trên đất liền Việt Nam.

5. Nước dâng trên vùng biển ven bờ và đảo của Việt Nam.

6. Lốc, sét, mưa đá, rét hại, sương muối trên lãnh thổ Việt Nam.

7. Cháy rừng do tự nhiên trên lãnh thổ Việt Nam.

8. Động đất có độ lớn (M) bằng hoặc lớn hơn 3,5 (theo thang Richter hoặc tương đương) ảnh hưởng đến Việt Nam.

9. Động đất có độ lớn trên 6,5 (theo thang Richter hoặc tương đương) xảy ra trên biển có khả năng gây ra sóng thần ảnh hưởng đến Việt Nam.

10. Sóng thần xảy ra do động đất ở vùng biển xa, có khả năng ảnh hưởng đến Việt Nam.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 12,973

Bài viết về

Phòng chống lụt bão

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]