Có được tác động vào thời tiết để giảm lượng mưa nhằm giảm thiểu thiên tai?
Theo khoản 20 Điều 3 Luật Khí tượng thủy văn 2015 đã nêu khái niệm về tác động vào thời tiết như sau:
Tác động vào thời tiết là tác động của con người lên các quá trình vật lý và hoá học của khí quyển thông qua các giải pháp khoa học và công nghệ nhằm ngăn ngừa hay giảm nhẹ thiên tai hoặc tạo ra một dạng thời tiết thuận lợi trong một khu vực cụ thể, trong khoảng thời gian xác định để phục vụ các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia.
Căn cứ vào Điều 42 Luật Khí tượng thủy văn 2015 đã có quy định như sau:
Các trường hợp được tác động vào thời tiết
1. Tác động nhằm gây mưa hoặc tăng lượng mưa.
2. Tác động nhằm giảm cường độ mưa hoặc để không xảy ra mưa.
3. Tác động nhằm phá hoặc giảm cường độ mưa đá.
4. Tác động nhằm phá hoặc giảm cường độ sương mù.
Theo đó, trong 04 trường hợp được quy định cho phép thực hiện tác động vào thời tiết, có trường hợp tác động nhằm giảm cường độ mưa hoặc để không xảy ra mưa. Như vậy, các cơ quan chức năng sẽ được phép tác động vào thời tiết để giảm lượng mưa nhằm hạn chế thiệt hại thiên tai.
Tại Điều 41 Luật Khí tượng thủy văn 2015 đã quy định 04 nguyên tắc thực hiện tác động vào thời tiết như sau:
(1) Tác động vào thời tiết chỉ được thực hiện tại khu vực cụ thể có điều kiện tự nhiên và cơ sở hạ tầng phù hợp, trong khoảng thời gian xác định.
(2) Tác động vào thời tiết không được làm cản trở hoặc gây tác động có hại đối với hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia.
(3) Cơ quan, tổ chức thực hiện tác động vào thời tiết phải có giải pháp bảo đảm an toàn, giảm thiểu tác động tiêu cực từ hoạt động tác động vào thời tiết.
(4) Tác động vào thời tiết chỉ được thực hiện theo kế hoạch đã được phê duyệt; phải thông báo công khai cho cộng đồng dân cư trong khu vực biết.
Theo Điều 43 Luật Khí tượng thủy văn 2015 thì các cơ quan, tổ chức thực hiện tác động thời tiết bao gồm:
(1) Tổ chức sự nghiệp công lập về khí tượng thủy văn.
(2) Tổ chức khoa học và công nghệ, tổ chức kinh tế của Việt Nam có đủ năng lực, trình độ khoa học và công nghệ, đội ngũ kỹ thuật viên phù hợp với hoạt động tác động vào thời tiết.
(3) Cơ quan, tổ chức nước ngoài liên danh, liên kết với tổ chức quy định tại (1) và (2).
- Cơ quan, tổ chức có nhu cầu tác động vào thời tiết xây dựng kế hoạch gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt theo thẩm quyền hoặc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Kế hoạch tác động vào thời tiết phải bao gồm các nội dung cơ bản sau đây:
+ Mục đích tác động vào thời tiết quy định tại Điều 42 Luật Khí tượng thủy văn 2015;
+ Khu vực dự kiến thực hiện tác động vào thời tiết;
+ Thời gian dự kiến thực hiện tác động vào thời tiết;
+ Giải pháp thực hiện tác động vào thời tiết;
+ Cơ quan, tổ chức dự kiến thực hiện tác động vào thời tiết;
+ Phương án bảo đảm an toàn, giảm thiểu tác động tiêu cực từ hoạt động tác động vào thời tiết.
- Cơ quan, tổ chức đề nghị tác động vào thời tiết có trách nhiệm lấy ý kiến của cộng đồng dân cư khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp về kế hoạch tác động vào thời tiết.
- Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định kế hoạch tác động vào thời tiết.
- Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch tác động vào thời tiết đối với trường hợp quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 42 của Luật Khí tượng thủy văn 2015.
- Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt kế hoạch tác động vào thời tiết đối với trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 42 của Luật Khí tượng thủy văn 2015.
- Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan có liên quan giám sát việc thực hiện tác động vào thời tiết.
- Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết các khoản 1, 2 và 3 Điều 44 Luật Khí tượng thủy văn 2015.
(Điều 44 Luật Khí tượng thủy văn 2015)