Triển khai Nghị định thư về xuất khẩu khỉ nuôi từ Việt Nam sang Trung Quốc (Hình từ Internet)
Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch và sức khỏe đối với khỉ nuôi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc (viết tắt là Nghị định thư) đã được ký giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc (TCHQ Trung Quốc) và có hiệu lực từ ngày 06/6/2024.
Để triển khai thực hiện Nghị định thư, tại Công văn 6652/BNN-TY ngày 09/9/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp và các doanh nghiệp có liên quan tại địa phương chủ động, phối hợp với Cục Thú y và các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức triển khai những nội dung sau:
(1) Đối với các địa phương
- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của địa phương và các doanh nghiệp có hoạt động nuôi khỉ trên địa bàn tổ chức nghiên cứu kỹ lưỡng, đầy đủ các nội dung của Nghị định thư (được gửi kèm theo công văn này) và các quy định của Việt Nam để có kế hoạch cụ thể, tổ chức sản xuất, xuất khẩu sang Trung Quốc.
- Đối với công tác quản lý nuôi khỉ
+ Tổ chức xây dựng, trình cấp có thẩm quyền của địa phương phê duyệt, tổ chức thực hiện quy hoạch hang trại nuôi khỉ phù hợp với quy định pháp luật về chăn nuôi, CITES, thú y, bảo vệ môi trường, phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương và không gây ảnh hưởng đến đời sống cư dân tại vùng nuôi khỉ.
+ Rà soát, đánh giá thực trạng các cơ sở nuôi khi hiện có tại địa phương, bảo đảm phù hợp với quy định hiện hành, đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu; lập danh sách các cơ sở đáp ứng yêu cầu gửi Bộ Nông nghiệp và PTNT (Cục Thú y) để hỗ trợ, hướng dẫn tổ chức sản xuất phục vụ xuất khẩu.
- Đối với công tác phòng, chống dịch bệnh trên khỉ
+ Chỉ đạo, hướng dẫn và yêu cầu các cơ sở nuôi khỉ tuân thủ đầy đủ các quy trình, biện pháp vệ sinh thú y và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo không để phát sinh dịch bệnh trên đàn khỉ nuôi, đặc biệt là đối với các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có ảnh hưởng đến thương mại theo khuyến cáo của Tổ chức Thú y thế giới (OIE/WOAH), yêu cầu của Trung Quốc và hướng dẫn của Cục Thú y.
+ Xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí, nguồn lực triển khai giám sát để chứng minh trong vùng nuôi khỉ, cơ sở nuôi khỉ không có các loại dịch bệnh theo yêu cầu tại Nghị định thư (bao gồm các bệnh Ebola Hemorrhagic, bệnh Marburg, không có ca bệnh lâm sàng Cercopithecine Herpesvirus loại I (vi-rút B), Lao, Salmonella và Bệnh lỵ trực khuẩn (Shigellosis).
- Phòng, chống nhập lậu, vận chuyển trái phép, hợp thức hóa nguồn gốc khỉ từ nước ngoài vào Việt Nam; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý nuôi khỉ, phòng, chống dịch bệnh, giám sát dịch bệnh trên khỉ, quản lý thông tin, dữ liệu phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
(2) Đối với doanh nghiệp, người nuôi và xuất khẩu khỉ
- Tổ chức nghiên cứu kỹ lưỡng, đầy đủ các nội dung của Nghị định thư và các quy định của Việt Nam để có kế hoạch cụ thể, tổ chức sản xuất, phát triển bền vững, có trách nhiệm và thực hiện đầy đủ các quy định, yêu cầu tại Nghị định thư để được chấp thuận xuất khẩu khi sang Trung Quốc
- Chủ động rà soát, đầu tư nâng cấp các điều kiện của cơ sở nuôi, cơ sở cách ly, quản lý, vận chuyển,... bảo đảm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
- Phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Trung ương, địa phương tổ chức triển khai giám sát dịch bệnh theo yêu cầu tại Nghị định thư.
- Áp dụng các biện pháp quản lý, theo dõi hàng ngày, kiểm tra lâm sàng từng cá thể và lấy mẫu xét nghiệm để chứng minh khỉ khỏe mạnh, không có dấu hiệu mắc bệnh truyền nhiễm và không dương tính với các loại dịch bệnh theo yêu cầu tại Nghị định thư.
- Xây dựng hệ thống quản lý thông tin, dữ liệu, tài liệu, bảo đảm truy xuất nguồn gốc khỉ và dịch bệnh trên khỉ.
- Có văn bản gửi Cục Thú y đề nghị hướng dẫn, hỗ trợ các thủ tục xuất khẩu khỉ sang Trung Quốc.
- Chuẩn bị hồ sơ, thông tin, dữ liệu để đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu theo yêu cầu của Trung Quốc và hướng dẫn của Cục Thú y.