Quy định chung đối với Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
14/09/2024 12:30 PM

Nội dung bài viết trình bày quy định chung đối với Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại theo quy định pháp luật hiện hành

Quy định chung đối với Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại

Quy định chung đối với Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại (Hình ảnh từ Internet)

1. Quy định chung đối với Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại

- Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại (Chương trình) bao gồm các hoạt động xúc tiến thương mại được thực hiện theo các tiêu chí

+ Xúc tiến thương mại cho sản phẩm, ngành hàng có tiềm năng xuất khẩu của vùng kinh tế, của quốc gia, phát triển thị trường xuất khẩu;

+ Nâng cao hiệu quả nhập khẩu, phục vụ phát triển sản xuất trong nước và xuất khẩu;

+ Phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược ngoại thương theo từng thời kỳ;

+ Chương trình được Thủ tướng Chính phủ ban hành, có cơ chế phối hợp của bộ, ngành; Bộ Công Thương là cơ quan chủ trì, đầu mối;

+ Xúc tiến thương mại xuất khẩu, nhập khẩu liên kết giữa các bộ, ngành; liên kết giữa các ngành hàng hoặc giữa các địa phương;

+ Triển khai thông qua các đề án thực hiện Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại do cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 10 Nghị định 28/2018/NĐ-CP quyết định và được ngân sách nhà nước hỗ trợ;

+ Đơn vị chủ trì đề án phải là các tổ chức có uy tín, mang tính đại diện và phải có năng lực tổ chức.

- Mục tiêu của Chương trình

+ Góp Phần nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp;

+ Hỗ trợ phát triển hạ tầng thương mại, logistics phục vụ hoạt động ngoại thương;

+ Ứng phó kịp thời, hiệu quả với những phản ứng, biến đổi của thị trường xuất khẩu, nhập khẩu.

- Các đơn vị chủ trì đề án của Chương trình gồm (đơn vị chủ trì):

+ Tổ chức xúc tiến thương mại thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ;

+ Tổ chức xúc tiến thương mại khác: Hiệp hội ngành hàng, hiệp hội doanh nghiệp có phạm vi hoạt động cả nước; liên minh hợp tác xã Việt Nam; hội nông dân Việt Nam; tổ chức xúc tiến thương mại của chính quyền địa phương; tổ chức xúc tiến thương mại do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập.

- Đơn vị tham gia và hưởng lợi từ Chương trình là các doanh nghiệp thuộc mọi thành Phần kinh tế, các hợp tác xã, các tổ chức xúc tiến thương mại Việt Nam được thành lập theo quy định của pháp luật hiện hành. Đơn vị tham gia và hưởng lợi được hỗ trợ từ Chương trình, thực hiện theo các quy định của Nghị định này và có trách nhiệm trong việc thực hiện hiệu quả các đề án xúc tiến thương mại mà đơn vị tham gia.

- Các đề án thực hiện Chương trình phải đáp ứng các yêu cầu sau:

+ Phù hợp với nhu cầu thực tiễn của cộng đồng doanh nghiệp;

+ Phù hợp với định hướng chiến lược xuất nhập khẩu và chiến lược phát triển ngành hàng được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

+ Phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển các vùng kinh tế, địa phương;

+ Phù hợp với quy định tại Điều 9, Điều 15 Nghị định 28/2018/NĐ-CP;

+ Đảm bảo tính khả thi về: Phương thức triển khai; thời gian, tiến độ triển khai; nguồn nhân lực, tài chính;

+ Đối với các đề án mà quá trình thực hiện kéo dài trên 01 năm, đơn vị chủ trì phải xây dựng nội dung và kinh phí, thực hiện quyết toán theo từng năm.

(Theo Điều 8 Nghị định 28/2018/NĐ-CP)

2. Quy trình xây dựng đề án thực hiện Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại

Theo Điều 10 Nghị định 28/2018/NĐ-CP (sửa đổi bởi Điều 2 Nghị định 14/2024/NĐ-CP) quy định quy trình xây dựng đề án thực hiện Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại như sau:

- Trước ngày 30/5 của năm trước năm kế hoạch, đơn vị chủ trì thực hiện gửi 02 hồ sơ đề xuất đề án thực hiện Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại đến Bộ Công Thương.

- Hồ sơ đề xuất đề án thực hiện Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại của đơn vị chủ trì bao gồm:

+ Văn bản đề xuất đề án thực hiện Chương trình;

+ Đề án chi tiết thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại;

+ Bản sao không cần chứng thực quyết định thành lập hoặc Điều lệ (hoặc văn bản có giá trị tương đương), báo cáo tình hình hoạt động xúc tiến thương mại của đơn vị chủ trì trong năm gần nhất.

- Đơn vị chủ trì được lựa chọn một trong các cách thức gửi hồ sơ sau:

+ Gửi qua dịch vụ bưu chính;

+ Nộp trực tiếp tại Bộ Công Thương.

- Các trường hợp không xem xét hồ sơ đề xuất của đơn vị chủ trì:

+ Đơn vị chủ trì không đáp ứng nội dung quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị định 28/2018/NĐ-CP;

+ Nội dung đề án không thuộc các hoạt động quy định tại Điều 15 Nghị định 28/2018/NĐ-CP;

+ Hồ sơ không đầy đủ theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định 28/2018/NĐ-CP;

+ Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

- Trường hợp không xem xét hồ sơ đề xuất theo quy định tại khoản 4 Điều 10 Nghị định 28/2018/NĐ-CP, trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Bộ Công Thương thông báo bằng văn bản cho đơn vị chủ trì về việc không xem xét hồ sơ và nêu rõ lý do.

- Phê duyệt đề án thực hiện Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại

+ Trong vòng 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của Bộ Tài chính thông báo dự toán chi ngân sách cho Chương trình, Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định phê duyệt đề án và kinh phí được hỗ trợ theo nguyên tắc tổng kinh phí hỗ trợ để thực hiện các đề án không vượt quá tổng dự toán được giao;

+ Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày ban hành quyết định phê duyệt đề án, Bộ Công Thương công bố đến các đơn vị chủ trì và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, đồng thời thông báo về các đề án không được phê duyệt.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 508

Bài viết về

lĩnh vực Thương mại

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]