Các hoạt động được hỗ trợ từ Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
13/09/2024 22:15 PM

Bài viết sau có nội dung về các hoạt động được hỗ trợ từ Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại được quy định trong Nghị định 28/2018/NĐ-CP.

Các hoạt động được hỗ trợ từ Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại

Các hoạt động được hỗ trợ từ Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại (Hình từ Internet)

1. Các hoạt động được hỗ trợ từ Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại

Theo quy định tại Điều 15 Nghị định 28/2018/NĐ-CP thì các hoạt động được hỗ trợ từ Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại bao gồm:

- Kết nối giao thương, tham gia hệ thống phân phối ở nước ngoài và tại Việt Nam

+ Tổ chức hội chợ, triển lãm quốc tế ở nước ngoài và tại Việt Nam đối với các sản phẩm xuất khẩu; tổ chức hội chợ, triển lãm tại Việt Nam đối với các sản phẩm, nguyên liệu, thiết bị nhập khẩu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu, sản phẩm công nghệ, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh mà trong nước sản xuất;

+ Hỗ trợ xây dựng khu vực trưng bày, giới thiệu hàng hóa xuất khẩu trên cổng thông tin điện tử, mạng thương mại điện tử, mạng internet, mạng viễn thông;

+ Tổ chức đoàn khảo sát thị trường, giao dịch với tổ chức, doanh nghiệp ở nước ngoài;

+ Tổ chức đoàn doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam tham gia hội chợ, triển lãm, khảo sát thị trường và giao dịch với doanh nghiệp Việt Nam;

+ Tổ chức hội nghị quốc tế tại Việt Nam về ngành hàng xuất khẩu.

- Hỗ trợ phát triển, vận hành hạ tầng thương mại, logistics phục vụ hoạt động ngoại thương

+ Tổ chức, tham gia hội nghị, hội chợ, triển lãm ở nước ngoài về logistics;

+ Mời đoàn doanh nghiệp vào Việt Nam trao đổi về cơ hội đầu tư, hợp tác về phát triển dịch vụ logistics;

+ Tổ chức diễn đàn logistics Việt Nam, tổ chức hội chợ triển lãm quốc tế về logistics tại Việt Nam.

- Hoạt động hỗ trợ nghiên cứu, phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa

+ Xây dựng và phát hành thông tin, cơ sở dữ liệu về sản phẩm, ngành hàng, thị trường; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận, áp dụng và tuân thủ các quy định tiêu chuẩn, Điều kiện của các tổ chức nhập khẩu, cam kết quốc tế về sản phẩm xuất khẩu, nhập khẩu;

+ Tổ chức và tham gia các Chương trình khảo sát, tìm hiểu thông tin về sản phẩm, ngành hàng, thị trường;

+ Hội nghị, hội thảo, tọa đàm, diễn đàn trong nước và nước ngoài cung cấp thông tin về phát triển sản phẩm, ngành hàng, thị trường;

+ Đào tạo, tập huấn, phổ biến kiến thức nâng cao năng lực thiết kế, phát triển sản phẩm xuất khẩu cho các doanh nghiệp và các nhà thiết kế;

+ Tổ chức hoạt động tư vấn, thuê chuyên gia tư vấn, hỗ trợ thực hiện thiết kế, phát triển sản phẩm;

+ Tổ chức hoạt động kết nối giữa doanh nghiệp với các nhà thiết kế;

+ Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thiết kế phát triển sản phẩm;

+ Tổ chức tuyên truyền quảng bá.

- Đào tạo, nâng cao năng lực xúc tiến thương mại, phát triển thị trường

+ Đào tạo, tập huấn, tư vấn, nâng cao năng lực (trực tiếp và trực tuyến) theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 Nghị định 28/2018/NĐ-CP;

+ Xây dựng và phát hành các ấn phẩm, tài liệu đào tạo, tập huấn, tư vấn, nâng cao năng lực xúc tiến thương mại, phát triển thị trường.

-. Các hoạt động xúc tiến thương mại khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

2. Nguyên tắc hỗ trợ đối với các đề án xúc tiến thương mại trong Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại

Nguyên tắc hỗ trợ đối với các đề án xúc tiến thương mại trong Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 9 Nghị định 28/2018/NĐ-CP bao gồm:

- Nhà nước hỗ trợ một Phần kinh phí thực hiện đề án tham gia Chương trình;

- Kinh phí hỗ trợ thực hiện Chương trình được giao trong dự toán chi ngân sách hàng năm của Bộ Công Thương;

- Các đơn vị chủ trì được tiếp nhận kinh phí hỗ trợ từ nhà nước để thực hiện các đề án xúc tiến thương mại trong khuôn khổ Chương trình; có trách nhiệm đảm bảo sử dụng hiệu quả, đúng Mục đích nguồn kinh phí hỗ trợ và thanh, quyết toán kinh phí theo quy định hiện hành;

- Hỗ trợ đơn vị tham gia thông qua đơn vị chủ trì thực hiện của Chương trình;

- Các đơn vị chủ trì có trách nhiệm huy động Phần kinh phí ngoài Phần kinh phí đã được nhà nước hỗ trợ để triển khai Chương trình.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 681

Bài viết về

lĩnh vực Thương mại

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]