Kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn đến năm 2025 của tập đoàn VNPT (Hình ảnh từ Internet)
Ngày 23/9/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1019/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035; Kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển đến năm 2025 của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam.
Cụ thể, tại Quyết định 1019/QĐ-TTg ngày 23/9/2204 thì Kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn đến năm 2025 của tập đoàn VNPT như sau:
* Chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn đến năm 2025:
Đối với VNPT: Tổng doanh thu là 287.933 tỷ đồng; Tổng lợi nhuận là 30.873 tỷ đồng; Tổng giá trị nộp ngân sách là 26.064 tỷ đồng;
Đối với Công ty mẹ VNPT: Tổng doanh thu là 207.140 tỷ đồng; - Tổng lợi nhuận là 22.147 tỷ đồng; Tổng giá trị nộp ngân sách là 18.504 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư là 40.824 tỷ đồng.
* Nhiệm vụ Kế hoạch 5 năm
Nâng cao hiệu quả ứng dụng khoa học công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào các hoạt động sản xuất kinh doanh. Phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh sản phẩm dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin (CNTT), đóng góp tích cực và quan trọng vào chương trình chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ theo các lĩnh vực phát triển cơ bản sau:
- Hạ tầng số
+ Đến năm 2025, mạng băng rộng cố định FTTx đạt 10 triệu thuê bao, cung cấp tốc độ trung bình 200Mb/s cho người dùng, tốc độ trung bình 1Gb/s cho tổ chức, doanh nghiệp; vùng phủ 4G/5G sẽ đạt 98% dân cư, tốc độ tải xuống trung bình 40Mb/s đối với mạng 4G, 100Mb/s đối với mạng 5G; năng lực hạ tầng đáp ứng trên 60 triệu kết nối cho IoT và 5G.
+ Phát triển hệ sinh thái dịch vụ điện toán đám mây của VNPT trở thành thương hiệu mạnh cho các dịch vụ điện toán đám mây trong nước và khu vực, đến năm 2025 là nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây hàng đầu cho khối Chính phủ/chính quyền; trở thành nhà cung cấp đa nền tảng hàng đầu Việt Nam.
Phát triển, nâng cao năng lực, chất lượng các nền tảng công nghệ số của VNPT trong các lĩnh vực: IoT, AI, Big data, Blockchain, an toàn thông tin.
+ Phát triển thêm tuyến cáp quang biển quốc tế phù hợp nhu cầu thực tế của khách hàng và thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh.
- Chính phủ số
+ Khẳng định uy tín và vị thế của VNPT bằng việc tham gia thúc đẩy, hỗ trợ Chính phủ, bộ ngành địa phương phát triển Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số và nền kinh tế số. Triển khai chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh toàn diện cho các địa phương trong cả nước.
Triển khai hệ sinh thái dịch vụ chỉnh quyền số đáp ứng nhu cầu Chính phủ số 4 cấp từ trung ương tới địa phương tạo đòn bẩy phát triển kinh tế, an sinh xã hội.
- Kinh tế số
+ Thực hiện chuyển đổi số doanh nghiệp thông qua cung ứng chuỗi sản phẩm dịch vụ chuyển đổi số theo mô hình XaaS (Anything as a service) đóng góp quan trọng vào mục tiêu hình thành các doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam. Phát triển hệ sinh thái sản phẩm dịch vụ, doanh nghiệp số trọng tâm là các sản phẩm dịch vụ quản trị doanh nghiệp, gia tăng trải nghiệm khách hàng và các giải pháp công nghệ thông tin chuyên ngành giúp chuyển đổi mô hình kinh doanh của doanh nghiệp trên môi trường số.
+ Đẩy mạnh phát triển các nền tảng số với mô hình kinh doanh hưởng dữ liệu giúp chuyển đổi số mạnh mẽ việc tổ chức kinh doanh của VNPT đối với khách hàng, tích tụ tài nguyên và ứng dụng công nghệ gia tăng hiệu quả kinh tế. Triển khai mô hình nền tảng VNPT (VNPT as a platform) là nền tảng số kết nối sản phẩm dịch vụ số của VNPT và các nhà cung cấp dịch vụ số tới khách hàng tổ chức, doanh nghiệp theo mô hình tự động toàn trình.
+ Chuyển đổi số các ngành kinh tế trọng điểm đóng góp vào tăng trưởng tài chính số, y tế số, giáo dục số, nông nghiệp số,... phục vụ toàn diện nhu cầu của Chính phủ, tổ chức, doanh nghiệp và người dân thông qua hệ sinh thái sản phẩm dịch vụ toàn diện, đổi mới phương thức tiếp cận và mô hình kinh doanh. Từng bước chuyển đổi số các ngành sản xuất công nghiệp, tiêu dùng, bán lẻ, hậu cần vận tải, nâng cao vai trò chuyển đổi số của VNPT trong nền kinh tế quốc gia.
+ Liên kết chuỗi giá trị số của nền kinh tế thông qua định hướng triển khai trở thành nhà tích hợp dịch vụ lớn (SI) của Việt Nam. Triển khai dịch vụ tích hợp cho tổ chức, doanh nghiệp trong 4 lĩnh vực: Lĩnh vực công; lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm - BFSI (Banking, Finance Services and Insurance); lĩnh vực sản xuất; lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời phát huy lợi thế của VNPT triển khai các dịch vụ chuyên gia, dịch vụ quản lý trong các lĩnh vực mạng lưới, an toàn bảo mật, điện toán đám mây.
+ Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong chính hoạt động của VNPT, phát huy vai trò dẫn dắt công cuộc chuyển đổi số quốc gia, đáp ứng nhu cầu của các bộ, ngành, địa phương trong quá trình chuyển đổi số.
+ Đầu tư, phát triển các nền tảng, sản phẩm CNTT/số sẵn sàng cung cấp tại thị trường nước ngoài: Trên cơ sở triển khai, cung cấp thành công tại thị trường trong nước, VNPT thực hiện phát triển các nền tảng số và sản phẩm CNTT/số có khả năng đáp ứng nhu cầu và đủ khả năng cạnh tranh tại thị trường nước ngoài, phục vụ cho hoạt động xuất khẩu.
- Xã hội số
+ Tăng cường kết nối và trải nghiệm số của người dân thông qua gia tăng tiêu dùng dữ liệu di động, gói gộp và hội tụ xuyên suốt trên tất cả các mảng kinh doanh cố định, di động và truyền hình trả tiền.
+ Thúc đẩy thương mại điện tử trong việc gia tăng tương tác trực tuyến của người dân, tăng tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt và ứng dụng công nghệ 4.0 chuyển đổi mô hình cung cấp dịch vụ. Chú trọng phát triển các dịch vụ thiết yếu và liên kết hệ sinh thái dịch vụ của VNPT trong chuyển đổi số chính quyền, doanh nghiệp, y tế, giáo dục, nông nghiệp.
Xem thêm Quyết định 1019/QĐ-TTg có hiệu lực kể từ ngày 23/9/2024.