Đề xuất quy định tích hợp chương trình giáo dục nước ngoài vào giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông tại Hà Nội

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Nguyễn Anh Hào
07/10/2024 16:45 PM

Nội dung đề xuất quy định tích hợp chương trình giáo dục nước ngoài vào giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông tại Hà Nội đang được lấy ý kiến tại dự thảo Nghị định.

Đề xuất quy định tích hợp chương trình giáo dục nước ngoài vào giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông tại Hà Nội

Đề xuất quy định tích hợp chương trình giáo dục nước ngoài vào giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông tại Hà Nội

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang dự thảo Nghị định quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục, chương trình giáo dục, việc cấp văn bằng, chứng chỉ thực hiện liên kết giáo dục, giảng dạy Chương trình giáo dục tích hợp.

Đề xuất quy định tích hợp chương trình giáo dục nước ngoài vào giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông

Cụ thể, tại dự thảo Nghị định đang đề xuất các quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục, chương trình giáo dục, việc cấp văn bằng, chứng chỉ thực hiện liên kết giáo dục, giảng dạy Chương trình giáo dục tích hợp.

Áp dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của Thành phố Hà Nội và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông tư thục của Thành phố Hà Nội thực hiện Chương trình giáo dục tích hợp theo quy định tại Chương III dự thảo Nghị định.

Theo dự thảo Nghị định, chương trình giáo dục tích hợp là chương trình giáo dục của Việt Nam được tích hợp với chương trình giáo dục của nước ngoài, bảo đảm mục tiêu của chương trình giáo dục của Việt Nam và không trùng lặp về nội dung, kiến thức.

Trong đó, dự thảo Nghị định đã đề xuất quy định cụ thể về tích hợp chương trình giáo dục nước ngoài vào giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông tại Hà Nội như sau:

* Nguyên tắc tích hợp chương trình giáo dục

- Bảo đảm tính khoa học, hợp lý, khả thi và phù hợp điều kiện thực hiện tại Việt Nam.

- Nội dung, thời lượng Chương trình giáo dục tích hợp phải phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi học sinh, thuần phong mỹ tục và truyền thống của Việt Nam; không có định kiến xã hội về giới, sắc tộc, tôn giáo, địa vị xã hội.

- Chương trình giáo dục tích hợp phải có định hướng về phương pháp, hình thức giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục, làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường.

(Điều 15 dự thảo Nghị định)

* Tích hợp chương trình giáo dục mầm non

(1) Chương trình giáo dục tích hợp được xây dựng trên cơ sở chương trình giáo dục mầm non của Việt Nam, bổ sung các mặt phát triển hoặc lĩnh vực phát triển (sau đây gọi chung là lĩnh vực phát triển), nội dung, hoạt động giáo dục của chương trình giáo dục mầm non của nước ngoài mà chương trình giáo dục mầm non của Việt Nam không có; tích hợp các lĩnh vực phát triển có trong cả hai chương trình để bảo đảm mục tiêu của chương trình giáo dục của Việt Nam và chương trình giáo dục của nước ngoài.

(2) Việc tích hợp chương trình được thực hiện theo lĩnh vực phát triển hoặc nhóm lĩnh vực phát triển của trẻ em trên cơ sở lấy nội dung, hoạt động giáo dục của lĩnh vực phát triển của một trong hai chương trình, bổ sung nội dung, hoạt động giáo dục của lĩnh vực phát triển của chương trình còn lại mà chương trình kia không có để bảo đảm mục tiêu của lĩnh vực phát triển của cả hai chương trình.

(3) Văn bản, tài liệu thuyết minh việc tích hợp chương trình giáo dục mầm non gồm:

- Kế hoạch giáo dục, trong đó nêu rõ tên các lĩnh vực phát triển, hoạt động giáo dục; thời lượng, ngôn ngữ giảng dạy;

- Bản so sánh các lĩnh vực phát triển, nội dung và các hoạt động giáo dục của hai chương trình giáo dục được dùng để tích hợp.

(Điều 18 dự thảo Nghị định)

* Tích hợp chương trình giáo dục phổ thông

(1) Chương trình giáo dục tích hợp được xây dựng trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông của Việt Nam, bổ sung các môn học, hoạt động giáo dục (sau đây gọi chung là môn học) của chương trình giáo dục phổ thông của nước ngoài mà chương trình giáo dục phổ thông của Việt Nam không có; tích hợp các môn học có trong cả hai chương trình để bảo đảm mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông của Việt Nam và chương trình giáo dục phổ thông của nước ngoài.

(2) Việc tích hợp chương trình được thực hiện theo môn học hoặc nhóm môn học trên cơ sở lấy chương trình môn học hoặc nhóm môn học của một trong hai chương trình, bổ sung những nội dung của môn học hoặc nhóm môn học của chương trình còn lại mà chương trình kia không có để bảo đảm mục tiêu của môn học hoặc nhóm môn học của cả hai chương trình.

(3) Văn bản, tài liệu thuyết minh việc tích hợp chương trình giáo dục phổ thông gồm:

- Kế hoạch giáo dục, trong đó nêu rõ tên các môn học, nhóm môn học; thời lượng, ngôn ngữ giảng dạy;

- Bản so sánh chương trình môn học hoặc nhóm môn học của hai chương trình giáo dục được dùng để tích hợp.

(Điều 19 dự thảo Nghị định)

* Cấp văn bằng, chứng chỉ

(1) Văn bằng, chứng chỉ cấp cho người học theo Chương trình giáo dục tích hợp được thực hiện theo nguyên tắc:

 - Văn bằng, chứng chỉ do Việt Nam cấp phải tuân thủ quy định pháp luật của Việt Nam;

- Văn bằng, chứng chỉ do nước ngoài cấp phải tuân thủ quy định pháp luật của nước nơi đặt trụ sở chính của cơ sở giáo dục nước ngoài có liên kết giáo dục;

 - Trường hợp đồng thời cấp văn bằng của Việt Nam và văn bằng của nước ngoài thì thực hiện theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 21 dự thảo Nghị định.

(2) Người học hoàn thành Chương trình giáo dục tích hợp cấp trung học phổ thông được cấp văn bằng tốt nghiệp của Việt Nam và văn bằng (bao gồm cả chứng chỉ/giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục) của nước ngoài.

(3) Mẫu văn bằng tốt nghiệp của Việt Nam thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Mẫu văn bằng, chứng chỉ/chứng nhận của nước ngoài theo Đề án thực hiện liên kết giáo dục với nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục của Việt Nam có liên kết giáo dục.

(4) Trong quá trình thực hiện liên kết giáo dục, các bên liên kết có trách nhiệm đánh giá, xác nhận, báo cáo Phòng Giáo dục và Đào tạo hoặc Sở Giáo dục và Đào tạo cấp chứng chỉ/giấy chứng nhận hoàn thành một phần, một số phần hoặc toàn bộ Chương trình giáo dục tích hợp cho người học có nhu cầu xác nhận để chuyển sang học ở cơ sở giáo dục khác ở trong nước hoặc nước ngoài.

(5) Chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài sử dụng trong quá trình liên kết giáo dục phải được công nhận hợp pháp ở nước sở tại và có giá trị sử dụng phổ biến trên thế giới hoặc được công nhận tương đương với các bậc của Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

(6) Cơ sở giáo dục của Việt Nam chịu trách nhiệm lập, lưu giữ hồ sơ quản lý văn bằng, chứng chỉ trong liên kết giáo dục, thực hiện việc công khai thông tin xác thực văn bằng, chứng chỉ theo quy định.

(Điều 21 dự thảo Nghị định)

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 45

Bài viết về

lĩnh vực Giáo dục

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]