Bản kiến nghị nêu ngày 29/4/2014, các luật sư Bùi Quang
Nghiêm, Lưu Văn Tám, Vũ Xuân Nam, Hoàng Đôn Hùng đã có bản kiến nghị gửi Quốc Hội
đề nghị giám sát vụ án Nguyễn Đức kiên và vụ án Huỳnh Thị Huyền Như.
Trong đó, các luật sư đề nghị Ủy Ban thường vụ Quốc Hội xem xét và có ý kiến về
tính hợp pháp của công văn giải thích luật của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
trong vụ bầu Kiên, đồng thời đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc Hội chính thức có giải
thích về điều 106 Luật các Tổ chức tín dụng (Luật các TCTD) năm 2010. Nay 10 luật
sư trong vụ án lại tiếp tục có kiến nghị gửi Ủy ban thường vụ Quốc Hội.
'Tôi không thiếu tiền để phải chiếm đoạt tiền của nhà khác trong bất kỳ trường hợp nào' - bầu Kiên nói trước tòa.
Công văn của NHNN là căn cứ buộc tội
Điều 106 Luật các TCTD năm 2010 (có hiệu lực từ 1/1/2011) quy định “Ngân hàng
thương mại được quyền ủy thác, nhận ủy thác, đại lý trong lĩnh vực liên quan đến
hoạt động ngân hàng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước”.
Ngày 17/5/2012, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có công văn số 350/NHNN-TTGSNH do
Phó chánh thanh tra giám sát Đặng Văn Thảo ký trả lời cơ quan điều tra: Ngân
hàng ACB được thực hiện nghiệp vụ ủy thác nhưng việc ủy thác cho cá nhân khi
chưa có hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước là vi phạm Điều 106 Luật các TCTD, tuy
nhiên, chưa có chế tài xử lý với hoạt động ủy thác khi chưa có hướng dẫn của
Ngân hàng Nhà nước.
Trên cơ sở công văn 350 trên, Kết luận điều tra và Cáo trạng xác định ông Nguyễn
Đức Kiên cùng các cá nhân nguyên thường trực Hội đồng quản trị ACB đã phạm tội
cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng khi ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào
Vietinbank, sau đó bị Huyền Như chiếm đoạt 718 tỷ.
Ai có quyền giải thích luật?
Trả lời câu hỏi của luật sư liệu ông Đặng Văn Thảo có được ủy quyền của Thống đốc
để đại diện cho NHNN ký công văn 350 hay không, ông Thảo cho rằng mình được Thống
đốc ủy quyền hợp lệ ký các văn bản theo chức năng nhiệm vụ. Luật sư hỏi chức
năng nhiệm vụ của Thanh tra NHNN được quy định như thế nào, ông Thảo không trả
lời cụ thể câu hỏi này.
Theo các luật sư, Thanh tra NHNN chỉ có chức năng phát hiện và xử lý vi phạm,
không hề có chức năng hướng dẫn, giải thích văn bản pháp luật. Như vậy, liệu
ông Thảo ký văn bản này có đúng thẩm quyền?
Đại diện NHNN tại phiên tòa |
Luật các TCTD năm 2010, có hiệu lực từ 01/01/2011, điều 106 quy định hoạt động ủy
thác của các ngân hàng thương mại thực hiện “theo quy định của Ngân hàng Nhà nước”
đã được Ngân hàng Nhà nước giải thích là ngân hàng thương mại thực hiện ủy thác
khi chưa có hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước là vi phạm Luật các TCTD. Điều này
có nghĩa cụm từ “theo quy định của Ngân hàng Nhà nước” được hiểu là “chỉ được
thực hiện sau khi có hướng dẫn”. Như vậy, công văn 350 thực chất là công văn giải
thích luật, một việc thuộc thẩm quyền của Ủy ban thường vụ Quốc Hội theo quy định
của điều 85 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đáng lưu ý, Công văn 350 trả lời Cơ quan điều tra được đóng dấu mật cũng không
được gửi cho các ngân hàng thương mại.
Không có hướng dẫn thì ngừng kinh doanh?
Luật các TCTD có hiệu lực từ 1/1/2011, ngày 08/3/2012, Ngân hàng Nhà nước mới
có Thông tư số 04 hướng dẫn về nghiệp vụ ủy thác, dù Luật ban hành các văn bản
quy phạm pháp luật quy định nếu Luật cần có văn bản hướng dẫn thì văn bản đó phải
được ban hành và có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật.
Trước khi ban hành Thông tư 04, Ngân hàng Nhà nước cũng không hề có bất cứ văn
bản nào cảnh báo, nhắc nhở các ngân hàng thương mại về hoạt động ủy thác.
Theo các luật sư, nếu cách hiểu pháp luật đúng như Ngân hàng Nhà nước nêu trong
công văn 350, đời sống của nhân dân, hoạt động của doanh nghiệp phải dừng lại
khi hàng loạt luật chưa có văn bản hướng dẫn, chậm hướng dẫn. Hiện tình trạng
chậm ban hành hướng dẫn luật đã ở mức phổ biến ở nhiều Bộ, ngành.
Trên thực tế, một số luật sư cho biết, công văn 350 chỉ là ý kiến của Ngân hàng
Nhà nước sau khi xảy ra vụ án Huyền Như. Các luật sư có thể chứng minh có rất
nhiều quy định khác trong ngành ngân hàng có nội dung tương tự thì Ngân hàng
Nhà nước không áp dụng nguyên tắc như công văn 350.
Giải thích luật để tránh oan sai?
Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên, nội dung công văn 350 được
Hội đồng xét xử, Viện kiểm sát, các luật sư hỏi rất nhiều. Ngân hàng Nhà nước từ
chối trả lời hoặc trả lời không rõ ràng.
Phiên tòa chưa kết thúc, Hội đồng xét xử chưa quyết định, nhưng có thể thấy rõ
công văn 350 đã là căn cứ để Cơ quan điều tra, Viện kiệm sát kết luận hành vi
vi phạm của các cá nhân trong vụ án và sẽ tiếp tục được Tòa sử dụng để đưa ra
quyết định về tội danh, hình phạt với các cá nhân bị truy tố.
Các luật sư nêu nếu không khẩn cấp xem xét tính hợp pháp của công văn 350, xem
xét thẩm quyền giải thích luật của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; nếu Ủy Ban thường
vụ Quốc Hội không có ngay giải thích chính chức về điều 106 Luật các TCTD, sẽ
có nguy cơ xảy ra oan sai trong vụ án này.
Bản kiến nghị nhấn mạnh, trong bối cảnh đang thực hiện Hiến pháp mới năm 2013,
trong đó có quy định mọi người có quyền tự do kinh doanh các ngành nghề mà pháp
luật không cấm, đây không chỉ là vấn đề của một vụ án, là cách hiểu một điều luật
cụ thể, việc thừa nhận và áp dụng công văn 350 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
sẽ làm ảnh hưởng đến toàn bộ môi trường đầu tư, kinh doanh, thể hiện cách thức
và quan điểm áp dụng pháp luật của Nhà nước.
Các luật sư đã ký bản kiến nghị gồm Bùi Quang Nghiêm, Lưu Văn Tám, Nguyễn Minh
Tâm, Vũ Xuân Nam, Phùng Anh Tuấn, Dương Quốc Thành, Phạm Danh Tín, Kiều Vũ Thụy
Uyên, Hoàng Đôn Hùng, Vũ Ngọc Chi.
Hoàng Tú
Theo VTC News