Hướng dẫn triển khai các nhiệm vụ trọng tâm về phát triển đô thị thông minh

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
24/10/2024 15:15 PM

Bài viết sau có nội dung về việc triển khai các nhiệm vụ trọng tâm về phát triển đô thị thông minh được quy định trong Công văn 5722/BXD-PTĐT năm 2024.

Hướng dẫn triển khai các nhiệm vụ trọng tâm về phát triển đô thị thông minh

Hướng dẫn triển khai các nhiệm vụ trọng tâm về phát triển đô thị thông minh (Hình từ Internet)

Ngày 08/10/2024, Bộ Xây dựng ban hành Công văn 5722/BXD-PTĐT triển khai các nhiệm vụ trọng tâm về phát triển đô thị thông minh.

Hướng dẫn triển khai các nhiệm vụ trọng tâm về phát triển đô thị thông minh 

Theo đó, để tiếp tục triển khai có hiệu quả và nâng cao tiến độ thực hiện Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 định hướng đến năm 2030, Bộ Xây dựng đề nghị các Bộ, ban, ngành Trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh thực hiện một số nội dung được quy định cụ thể tại Công văn 5722/BXD-PTĐT năm 2024 như sau:

(1) Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về phát triển đô thị thông minh bền vững; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực hướng tới phát triển đô thị thông minh bền vững.

(2) Chủ động rà soát các vấn đề trọng tâm, trọng điểm của địa phương để thực hiện công tác phát triển đô thị thông minh bền vững năm 2024-2025. Thực hiện phát triển đô thị thông minh một cách tổng thể, có quan hệ chặt chẽ với nhau, có sự ưu tiên đầu tư đảm bảo hiệu quả của nguồn lực. Huy động xã hội hóa các nội dung về đầu tư xây dựng các dự án, hạng mục phát triển đô thị thông minh để giảm bớt áp lực cho ngân sách Nhà nước và huy động sự tham gia tích cực của tất cả các cấp, các ngành, chính quyền, doanh nghiệp và người dân..., người dân phải được tham gia ngay từ đầu trong quá trình quy hoạch, thiết kế, xây dựng Đề án đô thị thông minh bền vững.

(3) Tăng cường chú trọng công tác quy hoạch đô thị thông minh, lồng ghép nội dung phát triển đô thị thông minh bền vững vào trong các đồ án quy hoạch xây dựng và các chương trình, đề án, dự án phát triển đô thị; gắn kết chặt chẽ quá trình chuyển đổi số với phát triển đô thị thông minh bền vững.

(4) Đẩy mạnh áp dụng hệ thống thông tin địa lý GIS để quản lý và thực hiện quy hoạch. Tăng cường phối hợp, liên thông, đa ngành để phát triển hạ tầng dữ liệu không gian đô thị, các dữ liệu về đất đai, môi trường, đô thị, xây dựng và các dữ liệu khác trên nền GIS, để phục vụ nhiều nhiệm vụ khác nhau như xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, cải cách hành chính, trung tâm điều hành Thành phố thông minh…

Xây dựng kho dữ liệu dùng chung và nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu cấp tỉnh phục vụ cho cả chuyển đổi số và phát triển đô thị thông minh. Thu hút, bồi dưỡng các chuyên gia phân tích dữ liệu để khai thác dữ liệu được chia sẻ hiệu quả.

(5) Địa phương chủ động xây dựng kế hoạch phát triển đô thị thông minh theo lộ trình ưu tiên, tránh dàn trải, thiếu kết nối, phù hợp với điều kiện đặc thù của từng địa phương, hướng đến phục vụ người dân, dựa trên nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Tiến hành dân từng bước, tổ chức thí điểm điển hình, rút kinh nghiệm trước khi nhân rộng. Bảo đảm hài hòa giữa yêu cầu phát triển dài hạn của đô thị với nhu cầu bức thiết của người dân; đảm bảo hiệu quả đầu tư ngắn hạn và dài hạn, không phát triển tự phát, tràn lan, theo phong trào.

Đề nghị các Bộ, ban, ngành Trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh thực hiện, triển khai có hiệu quả Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030.

Xem thêm Công văn 5722/BXD-PTĐT ban hành ngày 08/10/2024.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 234

Bài viết về

lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]