Quỹ bảo hiểm xã hội: Hàng trăm tỉ đồng có thể mất trắng

16/06/2014 14:38 PM

Sự việc kéo dài từ năm 2009 đến nay, khi bên vay từ nguồn tiền bảo hiểm xã hội không còn khả năng thanh toán lãi và gốc đúng hạn. Bảo hiểm xã hội VN nhìn nhận khả năng trả nợ của bên vay là rất thấp...


Theo các thỏa thuận và các thư bảo lãnh của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn VN, trong hơn một năm (tháng 4-2008 đến tháng 8-2009), Bảo hiểm xã hội VN ký 14 hợp đồng cho Công ty Cho thuê tài chính II (ALC II) vay vốn với tổng số tiền 1.010 tỉ đồng.

Cho vay sai đối tượng

* Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hộiTRƯƠNG THỊ MAI:

Không nên lấy tiền của người lao động để chi quản lý

Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội không tán thành việc đưa ra một mức cụ thể, sẽ rất cứng và đề nghị phải lấy từ nguồn tiền sinh lời (để chi cho quản lý bộ máy), không lấy từ tiền đóng góp của người lao động vì đây là quỹ an sinh. Hằng năm (hoặc ba năm), Chính phủ báo cáo và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét quyết định cụ thể; còn nếu ấn định một mức không quá 3% và giao lại cho Bảo hiểm xã hội vận hành thì giám sát việc này không chặt chẽ lắm.

Tôi cũng có mong muốn dùng ngân sách để trả lương cho những người trong bộ máy bảo hiểm xã hội để họ thực hiện chính sách trụ cột số 1 của Nhà nước là chính sách an sinh. Còn quỹ này là quỹ của người lao động. Tuy nhiên, ngân sách nhà nước còn khó khăn trong khi chi cho bộ máy này cũng rất lớn. Trong điều kiện hiện nay thì lấy từ khoản tiền sinh lời để chi cho quản lý là hợp lý.

V.V.THÀNH - Q.THANH ghi

Theo Bảo hiểm xã hội VN, thời gian đầu ALC II thực hiện đúng các quy định của hợp đồng về việc trả lãi, nhưng từ giữa năm 2009 đến nay, ALC II không còn khả năng thanh toán lãi và nợ gốc đúng hạn. Đến cuối tháng 5-2014, ALC II mới chỉ trả được 237,7 tỉ đồng.

Giải trình nguyên nhân sự việc trên với các cơ quan chức năng và đại biểu Quốc hội, Bảo hiểm xã hội VN cho biết tại thời điểm cho ALC II vay, cơ quan này dựa vào cam kết trong các thỏa thuận và các thư bảo lãnh của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Trong khi đó, đối chiếu với các quy định thì lúc bấy giờ Bảo hiểm xã hội VN chỉ được phép cho các ngân hàng thương mại của Nhà nước vay vốn. ALC II không thuộc đối tượng này nhưng vẫn được vay hơn 1.000 tỉ đồng. Trả lời vấn đề này, Bảo hiểm xã hội VN nói vì nghiệp vụ chuyên môn của một số cán bộ được giao thực hiện công tác đầu tư quỹ vào thời điểm cho vay còn hạn chế, trách nhiệm trong công việc chưa cao; không thường xuyên cập nhật các chế độ, chính sách, nhất là những thông tin liên quan trực tiếp đến tình hình hoạt động và tài chính của các đối tượng vay vốn từ quỹ bảo hiểm xã hội.

Số tiền hàng trăm tỉ đồng nợ sẽ giải quyết như thế nào? Bảo hiểm xã hội VN nhìn nhận “khả năng trả nợ của ALC II là rất thấp”. Cụ thể, sau khi sự việc xảy ra, Bảo hiểm xã hội VN nhiều lần làm việc trực tiếp với lãnh đạo Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn VN cũng như ALC II nhằm yêu cầu thực hiện đúng cam kết trong các hợp đồng và thư bảo lãnh. Kết quả từ tháng 11-2010 đến nay, ALC II còn nợ 772,3 tỉ đồng. Gần đây nhất, vào giữa tháng 5-2014 chỉ thu được 1 tỉ đồng. Bảo hiểm xã hội VN cho biết Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn cam kết trong quý 2-2014 sẽ trả tiếp cho Bảo hiểm xã hội VN 5 tỉ đồng nữa.

Theo Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, ngoài số nợ gốc nói trên còn phần nợ lãi gần 265 tỉ đồng cũng chưa được ALC II trả. Ủy ban này đề nghị Chính phủ chỉ đạo giải quyết xử lý thu hồi nợ quá hạn đối với khoản vay của ALC II.

Bảo hiểm xã hội VN nhìn nhận việc chưa thu hồi được số tiền nói trên làm ảnh hưởng nhất định đến an toàn và khả năng tăng trưởng của quỹ, nhưng vẫn khẳng định không thể có khả năng làm vỡ quỹ.

Ai chịu trách nhiệm? Bảo hiểm xã hội VN cho biết trước hết là các cá nhân có liên quan trực tiếp đến việc tham mưu, đề xuất để lãnh đạo Bảo hiểm xã hội VN cho ALC II vay. Tiếp đến là trách nhiệm của người đứng đầu Bảo hiểm xã hội VN đã ký cho ALC II vay tiền.

Sau khi sự việc vỡ lở, Bảo hiểm xã hội VN đã tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân liên quan đến vụ việc. Theo đó, về mặt Đảng: cảnh cáo nguyên tổng giám đốc Nguyễn Huy Ban, khiển trách nguyên tổng giám đốc

Lê Bạch Hồng, cảnh cáo một nguyên trưởng ban nghiệp vụ (cả ba trường hợp này đều do Ủy ban Kiểm tra trung ương ra quyết định kỷ luật), khiển trách một chuyên viên. Trong khi đó, về mặt chính quyền: Thủ tướng có quyết định khiển trách nguyên tổng giám đốc Lê Bạch Hồng và một phó tổng giám đốc có liên quan.

Chi quản lý bộ máy tăng khá nhanh

Lâu nay, chi phí quản lý bảo hiểm xã hội bắt buộc hằng năm được trích từ tiền sinh lời của hoạt động đầu tư quỹ. Hay nói cách khác, đây là tiền của người lao động được trích ra để “nuôi” bộ máy quản lý này. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội qua giám sát khẳng định việc chi tiêu là đúng quy định nhưng từ năm 2007, tỉ lệ chi phí tăng khá nhanh. Cụ thể: 847 tỉ đồng (năm 2007), 1.076 tỉ đồng (2008), 1.346 tỉ đồng (2009), 1.903 tỉ đồng (2010), 2.758 tỉ đồng (năm 2011) và 3.421 tỉ đồng (năm 2012).

Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2013 chi quản lý bộ máy bảo hiểm xã hội ước hơn 3.718 tỉ đồng, tiếp tục tăng 1,42% so với thực chi của năm trước. Tính toán của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho thấy so với tỉ lệ lãi đầu tư từ nguồn kết dư quỹ bảo hiểm xã hội thì chi phí quản lý bộ máy năm 2013 chiếm gần 17% tiền sinh lời và 3,51% so với tổng số thu bảo hiểm xã hội.

Trong khi đó, dự án Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) - được Quốc hội thảo luận tại phiên họp chiều nay (16-6) - đề xuất thay đổi quy định mức chi phí quản lý bảo hiểm xã hội dựa trên tổng số thu, tối đa không quá 3%. Khi trao đổi vấn đề này, chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN Đặng Ngọc Tùng từng đặt vấn đề dựa vào cơ sở nào mà chi quản lý 3% tiền đóng bảo hiểm xã hội của người lao động. Các ngân hàng thương mại nhận tiền gửi tiết kiệm của dân, họ đâu lấy của dân 3%. Với lý do đó, ông Tùng chưa đồng tình với mức 3% này. Theo ông Tùng, đáng ra ngân sách nhà nước phải chi trả cho bộ máy quản lý, toàn bộ số tiền người lao động đóng chỉ để chi trả lại tất cả cho người lao động.

Theo quan điểm của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, quỹ bảo hiểm xã hội là do người lao động và người sử dụng lao động đóng góp nên chi phí phải lấy từ khoản tiền sinh lời của hoạt động đầu tư quỹ. Ủy ban này đề nghị Bảo hiểm xã hội VN đẩy nhanh quá trình cải cách bộ máy, cải cách thủ tục hành chính... nhằm đảm bảo sử dụng chi phí hợp lý.

Nhóm PV CT-XH

Theo Tuổi Trẻ

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,267

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]