Quốc hội thông qua Luật Đầu tư công

18/06/2014 16:45 PM

Sáng 18/6, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư công với 88,35% tổng số đại biểu “bấm nút” đồng ý.

Luật Đầu tư công bao gồm 6 Chương, 108 Điều, có hiệu lực từ ngày 1/1/2015.

Đây là một trong những dự án Luật quan trọng, liên quan đến việc xác lập thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà Chính phủ và Quốc hội (QH) đã đề cập sự cần thiết từ những kỳ họp trước.

Trước khi thông qua vào sáng nay, QH đã 2 lần thảo luận về Luật Đầu công để ra được bản dự thảo cuối cùng.

Theo dự án Luật, lĩnh vực đầu tư công gồm: Đầu tư các chương trình, dự án kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội; đầu tư phục vụ hoạt động của các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội; đầu tư và hỗ trợ hoạt động cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích; đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo hình thức đối tác công-tư.

Luật Đầu tư công quy định việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; quản lý Nhà nước về đầu tư công; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công.

Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động đầu tư công, quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.

Dự án đầu tư công được phân loại thành dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, nhóm B và nhóm C dựa trên mức độ quan trọng và quy mô.

Trong đó, dự án quan trọng quốc gia là dự án đầu tư độc lập hoặc cụm công trình liên kết chặt chẽ với nhau thuộc một trong các tiêu chí: Sử dụng vốn đầu tư công từ 10.000 tỷ đồng trở lên; ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường (bao gồm nhà máy điện hạt nhân; sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo vệ cảnh quan, khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học từ 50ha trở lên; rừng phòng hộ đầu nguồn từ 50ha trở lên; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, chắn sóng, lấn biển, bảo vệ môi trường từ 500ha trở lên; rừng sản xuất từ 1.000ha trở lên);

Sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên với quy mô từ 500ha trở lên; di dân tái định cư từ 20.000 người trở lên ở miền núi, từ 50.000 người trở lên ở các vùng khác; dự án đòi hỏi phải áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được QH quyết định.

QH là cơ quan quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư công quan trọng của quốc gia.

Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A; dự án sử dụng vốn ngân sách Trung ương của Cơ quan Trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và của tổ chức chính trị-xã hội, các cơ quan, tổ chức khác quản lý, dự án khẩn cấp sử dụng vốn ngân sách Trung ương; chương trình đầu tư sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, trừ các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu theo quy định trên; dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài theo quy định của Chính phủ.

Người đứng đầu các bộ, cơ quan Trung ương quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B và nhóm C sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước; vốn công trái quốc gia, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước; vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách Nhà nước do cơ quan mình quản lý; dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài do cơ quan mình quản lý.

HĐND các cấp quyết định chủ trương đầu tư chương trình đầu tư bằng toàn bộ vốn cân đối ngân sách địa phương, vốn trái phiếu chính quyền địa phương, vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách địa phương và các khoản vốn vay khác của ngân sách địa phương để đầu tư; dự án nhóm B và dự án trọng điểm nhóm C thuộc cấp mình quản lý. UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án thuộc cấp mình quản lý.

Luật cũng quy định 12 hành vi bị cấm trong đầu tư công, trong đó có việc quyết định chủ trương đầu tư không phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, được duyệt không đúng thẩm quyền, không đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, không cân đối được nguồn vốn đầu tư; Quyết định đầu tư chương trình, dự án khi chưa được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư hoặc không đúng với chủ trương đầu tư đã được cấp có thẩm quyền quyết định; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt, vụ lợi, tham nhũng trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; Đưa, nhận, môi giới hối lộ; Sử dụng vốn đầu tư công không đúng mục đích, không đúng đối tượng, vượt tiêu chuẩn, định mức theo quy định của pháp luật…

Nếu việc thực hiện dự án đầu tư công gây ra thất thoát, thiệt hại cho lợi ích chung, thì các trường hợp vi phạm sẽ bị kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đồng thời phải bồi thường thiệt hại tùy theo tính chất, mức độ vi phạm theo quy định của pháp luật.

Luật quy định rõ trình tự, các nội dung phải thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động đầu tư công; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thực hiện việc công khai các nội dung đầu tư công theo quy định của pháp luật.

Luật cũng đặt ra yêu cầu tính toán cụ thể hiệu quả đầu tư về kinh tế-xã hội của chương trình, dự án khi thực hiện dự án đầu tư công đối với các cơ quan, tổ chức và cá nhân.

                                             Thành Chung

Theo Báo điện tử Chính phủ

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,989

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]