Thuế và việc giải bài toán công bằng

18/08/2014 08:18 AM

Mới đây, Khi trả lời thắc mắc của người dân vì sao chưa đánh thuế thu nhập cá nhân đối với lãi tiền gửi ngân hàng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giải thích đó là nhằm khuyến khích người dân tiết kiệm chi tiêu, gửi tiết kiệm, từ đó phục vụ đầu tư phát triển đất nước.

Ở một khía cạnh nào đó, lời giải thích của ông Dũng có thể xem là hợp lý, bởi với nguồn vốn huy động được từ công chúng, ngân hàng có thể dùng vào việc cho vay doanh nghiệp để phục vụ sản xuất kinh doanh. Việc không đánh thuế thu nhập lãi tiền gửi như thế sẽ khuyến khích người dân gửi tài sản tích góp vào ngân hàng. Và nền kinh tế sẽ hưởng lợi nếu nguồn vốn này được đưa đến những khu vực hoạt động hiệu quả.

Thế nhưng, điều đó chỉ đặt trong điều kiện lý tưởng khi ngân hàng hoạt động tốt và minh bạch. Hiện tại, hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn còn bất ổn, đang trên con đường tái cấu trúc nên sẽ chưa thể phát huy tối đa hiệu quả của nguồn vốn huy động từ dân cư.

Hơn nữa, việc tập trung quá nhiều vốn vào hệ thống ngân hàng chưa hẳn là tốt vì Việt Nam vẫn đang là nước có tỉ lệ cấp tín dụng của ngân hàng so với GDP thuộc hàng cao nhất thế giới, có thể tiềm ẩn những bất ổn về vĩ mô.

Tính hiệu quả của các doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào vốn vay ngân hàng cũng là điều nên xem xét. Theo nghiên cứu của Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Thanh, Viện Chiến lược Ngân hàng Nhà nước, số liệu năm 2010 đã chỉ ra rằng doanh nghiệp nào vay vốn ngân hàng ít thì có lợi nhuận cao hơn doanh nghiệp vay vốn ngân hàng nhiều. Từ nghiên cứu của mình, bà Thanh đã rút ra kết luận việc phát triển thị trường vốn sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, giúp họ có lợi nhuận cao hơn khi không phải phụ thuộc quá nhiều vào vốn vay ngân hàng.

Thị trường chứng khoán là một trong những thị trường vốn quan trọng đó. Thế nhưng, thị trường này cũng đang xuất hiện những tranh cãi về việc đảm bảo công bằng về thuế cho nhà đầu tư chứng khoán. Mức thuế thu nhập từ cổ tức bằng tiền mà cổ đông hiện phải chịu là 5%, trong khi về bản chất, việc một nhà đầu tư đầu tư vào doanh nghiệp có thể được xem là hình thức tài trợ tài chính cho doanh nghiệp, giống như gửi tiền vào ngân hàng. Một bên phải chịu thuế thu nhập, một bên lại không chịu thuế, dường như còn thiếu một sự công bằng?

Trong bối cảnh đang thiếu vắng các công cụ phái sinh để thúc đẩy thị trường chứng khoán, có lẽ việc đi những bước nhỏ như giải quyết bất hợp lý về thuế là điều mà các nhà làm chính sách nên cân nhắc tới.

Một ví dụ khác liên quan đến tính công bằng của thuế là vấn đề ưu đãi thuế cho doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, ngoài ưu đãi về đất đai, thuế và tín dụng cũng là yếu tố tạo sự thiếu công bằng giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. Theo đó, khi vào Việt Nam, khối FDI được miễn giảm thuế trong thời gian dài, còn doanh nghiệp nội địa thì không. Họ còn có thể dễ dàng vay vốn từ các ngân hàng trong nước với lãi suất ưu đãi, trong khi không ít doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vẫn phải vay với mức lãi suất cao hơn so với lãi suất công bố.

Vì thế, bà Lan cho rằng: “Việt Nam cần điều chỉnh lại chính sách, rút bớt những ưu đãi quá mức đối với đầu tư nước ngoài, tạo mặt bằng cạnh tranh bình đẳng cho doanh nghiệp trong nước, đồng thời xử lý nghiêm hành vi xấu của một số doanh nghiệp nước ngoài như chuyển giá để trốn thuế”.

Cũng liên quan đến vấn đề thuế, cụ thể là thuế thu nhập doanh nghiệp, theo Tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, thuế thu nhập doanh nghiệp bình quân trước đây là 23-27%, nay giảm còn 23%. Tuy nhiên, mức này vẫn cao hơn trung bình 16% của thế giới. Do đó, Việt Nam cần xem xét điều chỉnh mức thuế này về khoảng 20%, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa nên ở mức 18% để bảo đảm hài hòa lợi ích và tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển

Theo Nhịp cầu đầu tư

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,517

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]