Đề xuất quy định mới về người khai hải quan

25/08/2014 14:00 PM

Tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan, Bộ Tài chính đã đề xuất những quy định mới về người khai hải quan.

Bộ Tài chính cho biết, theo quy định tại điều 5 Nghị định số 154/2005/NĐ-CP thì người khai hải quan gồm: Chủ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; tổ chức được chủ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu ủy thác; người được ủy quyền hợp pháp (áp dụng trong trường hợp hàng hóa, vật phẩm xuất khẩu, nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại); người điều khiển phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh; đại lý làm thủ tục hải quan; doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế.

Còn theo quy định tại khoản 14 Điều 4 Luật hải quan 2014thì người khai hải quan bao gồm: Chủ hàng hoá; chủ phương tiện vận tải; người điều khiển phương tiện vận tải; đại lý làm thủ tục hải quan, người khác được chủ hàng hoá, chủ phương tiện vận tải uỷ quyền thực hiện thủ tục hải quan. Luật hải quan không có quy định phân biệt loại hình hàng hóa nhằm mục đích thương mại, không nhằm mục đích thương mại.

Theo Bộ Tài chính, trong quá trình thực hiện những quy định trên phát sinh một số vướng mắc: Đối với trường hợp chủ hàng hóa là tổ chức, cá nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam, Nghị định số 154/2005/NĐ-CP chưa quy định đối tượng này là người khai hải quan. Trong cam kết gia nhập WTO, Việt Nam cho phép thương nhân không có hiện diện tại Việt Nam được quyền xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa. Đồng thời trong hoạt động thương mại quốc tế có phát sinh các điều kiện mua bán hàng hóa như EXW, FCA, DDU, DDP… và có liên quan đến trách nhiệm của người mua, người bán nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam về việc thực hiện thủ tục hải quan để xuất khẩu hàng hóa. Ví dụ: doanh nghiệp Việt nam nhập khẩu theo điều kiện DDP hoặc hình thức door to door (vận chuyển tận nơi), doanh nghiệp nước ngoài phải chịu trách nhiệm chuyên chở hàng hóa đến Việt Nam, làm thủ tục hải quan, nộp thuế và giao hàng cho người nhập khẩu Việt Nam.

Tham khảo kinh nghiệm của các nước thì trong trường hợp này, chủ hàng nước ngoài phải thông qua đại lý khai thuế tại Việt Nam để thực hiện thủ tục hải quan và thủ tục với các cơ quan liên quan để thông quan hàng hóa. Việc quy định phải sử dụng đại lý trong trường hợp này đảm bảo yêu cầu quản lý của cơ quan hải quan như thu thuế, yêu cầu cung cấp hồ sơ, hàng hóa để kiểm tra…

Trên cơ sở thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế, tại dự thảo Nghị định quy định về người khai hải quan bao gồm cả thương nhân nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam, cụ thể: Trường hợp chủ hàng hóa là thương nhân nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam thì phải thực hiện thủ tục hải quan thông qua đại lý làm thủ tục hải quan hoặc người ủy quyền theo quy định của pháp luật.

Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp

Bộ Tài chính cho biết, đối với trường hợp doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh quốc tế, theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Luật bưu chính thì “Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính quốc tế được thay mặt người sử dụng dịch vụ bưu chính thực hiện các thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu bưu gửi khi là đại diện hợp pháp của người sử dụng dịch vụ bưu chính.

Theo quy định nêu trên có thể hiểu là phải có văn bản ủy quyền thì doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính mới là người đại diện hợp pháp.

Theo quy định hiện hành tại Nghị định số 154/2005/NĐ-CP thì người khai hải quan bao gồm doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh quốc tế (không cần ủy quyền của chủ hàng hóa).

Qua quá trình thực hiện cho thấy, việc quy định như hiện hành tại Nghị định số 154/2005/NĐ-CP tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp cung ứng và người sử dụng dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh quốc tế. Tuy nhiên, quy định như hiện hành sẽ phát sinh vướng mắc đối với trường hợp chủ hàng hóa (người sử dụng dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh) không có yêu cầu doanh nghiệp cung ứng dịch vụ thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Thực tế hiện nay, các hãng chuyển phát nhanh thường phân loại đối tượng để thực hiện thủ tục hải quan: Những lô hàng là chứng từ, tài liệu hoặc có trị giá thấp, không thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành thì các hãng chuyển phát nhận thực hiện thủ tục ngay, không cần liên hệ với khách hàng xem có đồng ý hay không. Trường hợp lô hàng trị giá cao hoặc hàng hóa của tổ chức, doanh nghiệp thì các hãng chuyển phát nhanh liên hệ trước, nếu khách hàng đồng ý thì mới thực hiện thủ tục hải quan. Nếu khách hàng không đồng ý thì doanh nghiệp chuyển phát nhanh không làm thủ tục thay cho khách hàng.

Do vậy, để khắc phục bất cập trên, dự thảo quy định: Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế trừ trường hợp chủ hàng có yêu cầu khác là người khai hải quan.

Bên cạnh đó, theo Bộ Tài chính, Luật Hải quan 2005 và Luật Hải quan sửa đổi quy định người khai hải quan là người được chủ hàng hóa ủy quyền. Tuy nhiên, tại Nghị định 154 quy định ủy quyền khai trong trường hợp hàng hóa phi mậu dịch và trong thực tế phát sinh một số trường hợp phải hướng dẫn bằng văn bản như Công ty ủy quyền cho Chi nhánh đứng tên trên tờ khai hải quan và thực hiện thủ tục hải quan, do vậy, cần bổ sung quy định cho phù hợp thực tế và thông lệ quốc tế.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Tuệ Văn

Theo Báo điện tử Chính phủ

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,858

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]