VCCI đề xuất sửa nghị định về cá tra

20/08/2014 08:37 AM

Cơ chế đăng ký xuất khẩu tạo ra chi phí quá lớn cho doanh nghiệp.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản trao đổi với Bộ Tư pháp về việc phối hợp kiểm tra, xử lý thông tin về thi hành pháp luật đối với Nghị định số 36/2014 về nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra (nghị định về cá tra). Theo đó VCCI đề xuất sửa đổi nghị định về cá tra và tạm dừng việc soạn thảo thông tư hướng dẫn nghị định này.

VCCI cho biết, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), các doanh nghiệp (DN) lo ngại hàng hóa của họ không thể xuất khẩu do các vướng mắc có thể phát sinh khi đăng ký xuất khẩu.

Cụ thể về loại hợp đồng phải đăng ký trong thực tế, DN ký với phía đối tác rất nhiều loại hợp đồng nhưng hiện chưa có quy định hướng dẫn cụ thể loại hợp đồng phải đăng ký. Số lượng hợp đồng xuất khẩu rất nhiều, mỗi hợp đồng đăng ký còn kèm theo rất nhiều giấy tờ liên quan. Nếu thực hiện đăng ký có thể dẫn tới nguy cơ bị chậm giải quyết hồ sơ, cuối cùng làm chậm việc giao hàng của DN. Hơn nữa việc đăng ký hợp đồng xuất khẩu có thể làm lộ bí mật kinh doanh của DN, đặc biệt là về đối tác, giá xuất khẩu…

VCCI cho rằng cần cân nhắc lại tính cần thiết của cả hệ thống đăng ký hợp đồng xuất khẩu này vì chi phí bỏ ra quá lớn mà mục tiêu chính lại không thể đạt được. Và có thể sẽ phải xem xét sửa đổi nghị định để bỏ cơ chế đăng ký xuất khẩu này, thay thế bằng một cơ chế khác cho phép kiểm soát được số lượng thả nuôi như quota sản lượng nuôi.

Ngoài ra quy định: “Đến 31-12-2015, các cơ sở nuôi cá tra thương phẩm phải áp dụng và được chứng nhận thực hành nuôi trồng thủy sản tốt theo VietGAP hoặc chứng chỉ quốc tế phù hợp quy định của pháp luật Việt Nam” cũng còn nhiều ý kiến trái chiều. Hiện nay Việt Nam chưa quy định chứng chỉ quốc tế nào là phù hợp. Nếu theo VietGAP thì thị trường xuất khẩu lại đòi hỏi các tiêu chuẩn khác nhau mà không phải VietGAP thì sẽ gây ra bất hợp lý làm khó cho DN.

Về tỉ lệ mạ băng tối đa (10%) và hàm lượng nước tối đa (83%), VCCI cho rằng không phù hợp vì đó chỉ là vấn đề về chất lượng sản phẩm, không phải là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, mức mạ băng đối với mỗi loại sản phẩm là khác nhau nên việc áp dụng một tỉ lệ mạ băng và hàm lượng nước chung cho tất cả mặt hàng từ cá tra là không phù hợp…

T.HẰNG

Theo Pháp luật TP

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,693

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]