Chủ tịch UBND TPHCM, ông Lê Hoàng Quân vừa thông qua Đề án thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ theo đầu phương tiện đối với xe mô tô trên địa bàn TP, giao Sở Giao thông Vận tải (GTVT) phối hợp Sở Tài chính hoàn chỉnh Đề án trong tháng 10 để trình HĐND TP kỳ họp cuối năm 2014.
Đề án cần bổ sung: Các giải pháp vận động, tuyên truyền để người dân thực hiện nghiêm; Tổ dân phố chịu trách nhiệm thu tại từng hộ gia đình; Nguồn thu của quận, huyện sẽ sử dụng để đầu tư cho giao thông, bảo trì đường bộ tại quận, huyện.
Các phương tiện lưu thông khó khăn trên đường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM vào giờ cao điểm Ảnh: Tấn Thạnh
Ngoài ra, đề xuất cơ chế kiểm tra, giám sát nguồn thu, hạch toán nguồn thu và mối quan hệ giữa Quỹ Bảo trì đường bộ với quận, huyện, phường, xã, thị trấn đồng thời phải bảo đảm tính công bằng và không để xảy ra tiêu cực trong quá trình thu phí.
Như vậy, mức phí theo Đề án này đã giảm so với đề xuất trước đó. Cụ thể, xe máy dung tích dưới 100 cm3 sẽ chịu mức thu 50.000 đồng/năm (trước là 60.000 đồng/năm), xe từ 100-175 cm3 chịu mức phí 120.000 đồng/năm (trước là 150.000 đồng/năm).
Những xe có dung tích trên 175 cm3 sẽ thu 150.000 đồng/năm. Với những xe 4 bánh có gắn động cơ một xylanh thì mức phí đề xuất là 2,16 triệu đồng/năm.
UBND phường, xã là đơn vị trực tiếp chịu trách nhiệm thu phí bảo trì đường bộ, việc thu phí bắt đầu từ ngày 1-1-2015.
Sở GTVT ước tính nếu chỉ thu được 60% trong tổng số 5,4 triệu xe máy (đã đăng ký tại TP) thì bình quân mỗi năm, TP thu phí bảo trì đường bộ đạt khoảng 373,8 tỉ đồng. Sở GTVT cũng đề xuất phương án không truy thu phí từ ngày 1-1-2013 đến nay để khuyến khích người dân.
T.Hồng
Theo Người lao động