Giảm thủ tục hành chính, nhưng thời gian không giảm!

30/09/2014 08:29 AM

Đó là ý kiến được nêu ra tại Hội thảo lấy ý kiến tổ chức, cá nhân về quy định, thủ tục hành chính của ngành Công Thương diễn ra tại Hà Nội ngày 29-9.

Bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, Đề án 30 của Chính phủ là cắt giảm 30% TTHC nhưng việc cắt giảm TTHC mới chỉ dừng ở việc cắt giảm về số học. Ví dụ, trước đây chúng ta có 10 TTHC nhưng nay chúng ta cắt giảm được 3 TTHC.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp nói đến việc cắt giảm các “giấy phép con” thì lập tức các loại “giấy phép cháu” ra đời. “Chúng ta đã nhiều lần tiến hành rà soát TTHC xem còn gì “chồng chéo” nhưng kỳ thực cho đến nay rất nhiều cơ quan, bộ ngành cùng đứng ra giải quyết việc cắt giảm TTHC nhưng các loại giấy phép con vẫn tiếp tục ban hành. Đây là nỗi khổ cho doanh nghiệp”, bà Hương nói.

Thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp kêu TTHC rườm rà, còn gây phiền hà cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp quan tâm nhất là vấn đề thời gian. Trước đây 10 TTHC mất 2 ngày làm thủ tục hồ sơ nhưng đến khi còn 7 TTHC thì doanh nghiệp vẫn mất bằng ấy thời gian. Như vậy, việc đơn giản hóa TTHC chưa đem lại lợi ích thực sự cho doanh nghiệp.

“Cần phải xem xét quá trình giải quyết bộ hồ sơ đã đảm bảo cắt giảm về mặt thủ tục, thời gian cho doanh nghiệp hay không, hay là cắt giảm được những thủ tục đó nhưng vẫn yêu cầu thêm các văn bản rườm rà, vẫn còn “nhũng nhiễu” cho doanh nghiệp”, vị đại diện của VCCI nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo bà Hương, việc ban hành các văn bản pháp luật, áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động cải cách TTHC, việc giải quyết hồ sơ chứng từ vẫn là do con người thực hiện. Do vậy, vấn đề quan trọng nhất vẫn là việc thực hiện của cán bộ công chức.

Về việc thực hiện đơn giản hóa TTHC theo Đề án 30 của Chính phủ (Đề án đơn giản hóa TTHC trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007-2010) tại Bộ Công Thương, ông Phạm Đình Thưởng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết đã đạt được trên 90%, còn lại 10% chưa được xử lý do thủ tục nằm ở cấp văn bản cao hơn (văn bản cấp Luật đang được Bộ Tư pháp chủ trì, xử lý).

Phan Thu

Theo Hải Quan Online

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,266

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]