Theo dự thảo, xe ô tô vận tải khách du lịch có biển hiệu “XE VẬN TẢI KHÁCH DU LỊCH” theo mẫu quy định.
Xe ô tô vận tải khách du lịch phải đảm bảo nội thất và tiện nghi như sau: Xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi phải có các trang thiết bị gồm: điều hòa nhiệt độ, thùng chứa đồ uống, dụng cụ y tế sơ cấp cứu, túi thuốc dự phòng, bình chữa cháy, dụng cụ thoát hiểm, tên và số điện thoại của chủ phương tiện tại vị trí phía sau ghế của người lái xe; xe ô tô từ 9 chỗ ngồi đến dưới 24 chỗ, ngoài các quy định trên còn phải trang bị thêm: rèm cửa chống nắng, bảng hướng dẫn an toàn, thùng đựng rác; xe ô tô từ 24 chỗ ngồi trở lên (trừ ô tô chuyên dụng caravan hoặc ô tô hai tầng), ngoài các quy định trên còn phải trang bị thêm micro, ti vi; có nơi cất giữ hành lý cho khách du lịch; có công cụ hỗ trợ người cao tuổi, người khuyết tật theo quy định.
Dự thảo cũng nêu rõ, xe ô tô vận tải khách du lịch có niên hạn sử dụng không quá 15 năm; xe ô tô chuyển đổi công năng không được hoạt động kinh doanh vận tải khách du lịch.
Ngoài việc thực hiện đúng các quy định trên, xe ô tô vận tải khách du lịch còn phải đáp ứng các quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ do Bộ Giao thông vận tải ban hành.
Quy trình cấp biển hiệu cho xe ô tô vận tải khách du lịch
Dự thảo nêu rõ, đơn vị kinh doanh vận tải khách du lịch gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện 1 bộ hồ sơ đề nghị cấp mới (hoặc cấp lại) biển hiệu xe ô tô vận tải khách du lịch đến Sở Giao thông vận tải nơi đơn vị kinh doanh đặt trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh. Đối với hồ sơ cấp lại, đơn vị kinh doanh vận tải khách du lịch được đề nghị cấp lại biển hiệu hết hạn trước tối đa 30 ngày so với thời hạn của biển hiệu đang lưu hành.
Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đúng theo quy định, Sở Giao thông vận tải nơi tiếp nhận hồ sơ có văn bản gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nơi đơn vị kinh doanh đặt trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh để lấy ý kiến xác nhận xe ô tô đạt tiêu chuẩn vận tải khách du lịch trên cơ sở đề nghị của đơn vị kinh doanh vận tải.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch được xin ý kiến phải có văn bản trả lời. Hết thời hạn trên coi như Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đồng ý cấp biển hiệu xe ô tô vận tải khách du lịch theo đề nghị của đơn vị kinh doanh vận tải.
Trong thời hạn tối đa là 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản trả lời của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Giao thông vận tải tổ chức cấp biển hiệu xe ô tô vận tải khách du lịch. Việc trả kết quả cấp biển hiệu được thực hiện tại trụ sở cơ quan hoặc qua đường bưu điện. Trường hợp từ chối cấp phải thông báo bằng văn bản cho đơn vị kinh doanh và nêu rõ lý do.
Đối với các trường hợp xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách du lịch không thực hiện các quy định liên quan đến lắp đặt và cung cấp, truyền dẫn thông tin từ thiết bị giám sát hành trình, chỉ được cấp lại biển hiệu sau khi hết thời hạn thu hồi và đã khắc phục được vi phạm.
Theo dự thảo, trong thời gian sử dụng, nếu biển hiệu bị mất hoặc hỏng không sử dụng được, đơn vị kinh doanh vận tải khách du lịch gửi Giấy đề nghị cấp biển hiệu xe vận tải khách du lịch theo mẫu quy định. Thời hạn biển hiệu cấp đổi tính theo thời hạn còn lại của biển hiệu đã bị mất hoặc hỏng.
Dự thảo nêu rõ, ngoài việc thực hiện quản lý biển hiệu theo quy định tại Thông tư này còn phải thực hiện theo các quy định chung về quản lý, sử dụng phù hiệu, biển hiệu và thủ tục xác nhận về tình trạng của xe ô tô tham gia kinh doanh vận tải theo quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ do Bộ Giao thông vận tải ban hành.
Bộ Giao thông vận tải đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên website của Bộ.
Tuệ Văn