Xuất nhập khẩu: Gỡ đầu này tắc đầu kia

26/09/2014 08:36 AM

Thủ tục quản lý xuất nhập khẩu chỉ cần giảm một ngày sẽ tiết kiệm được số tiền trung bình là 1,6 tỉ USD.

Việc đơn giản hóa thủ tục của cơ quan quản lý đã tháo gỡ được nhiều vướng mắc cho doanh nghiệp (DN) nhưng lại lòi ra những quy định mới, vô tình tạo những nút thắt mới. Đó là phản ánh của nhiều DN tại hội thảo triển khai Nghị quyết 19 của Chính phủ (về việc đơn giản hóa thủ tục quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu) do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC), Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức vào ngày 25-9 tại TP.HCM.

Ở luồng xanh nhưng “xung phong” sang luồng đỏ

Ông Lê Minh, đại diện Công ty Xuất khẩu Minh Phú, cho biết việc triển khai thông quan điện tử đang hoạt động rất tốt nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc cho DN. DN được xếp vào luồng xanh tức là được miễn kiểm tra hồ sơ trên giấy và miễn kiểm tra thực tế hàng hóa. Lô hàng được cơ quan hải quan chấp nhận thông quan thì sẽ chuyển sang in tờ khai trên hệ thống của mình để đi lấy hàng. Nghe có vẻ đơn giản nhưng trong thực tế DN mất nhiều thời gian làm thủ tục không khác gì DN ở luồng đỏ. Rốt cuộc DN vẫn phải đến cơ quan hải quan đăng ký, rồi đến cơ quan thuế xác nhận mới lấy được hàng.

“Khôi hài hơn là hiện nay có nhiều DN cho biết họ đang muốn “xung phong” sang luồng đỏ chứ không cần ở luồng xanh. Họ cho rằng được xếp ở luồng xanh thì sướng trước nhưng lại khổ sau. Khi hàng xuất khẩu rồi, quay lại làm thủ tục hoàn thuế mới trớ trêu là phải có giấy tờ kiểm tra thực tế hàng hóa của cơ quan hải quan. Mà DN luồng xanh thì đâu cần giấy tờ này. Vậy là muốn có đủ giấy tờ thủ tục hoàn thuế lại phải đi xin cơ quan hải quan xác nhận, tốn thêm cả đống thời gian” - ông Phạm Thanh Bình, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan, Tổng cục Hải quan, dẫn chứng.

Các bộ, ngành cần có sự kết nối để đơn giản hóa thủ tục hơn nữa, tạo điều kiện thuận lợi cho DN xuất nhập khẩu. Trong ảnh: Chế biến hạt điều xuất khẩu. Ảnh: QUANG HUY

Đại diện một công ty chuyên xuất nhập khẩu nông sản cho hay Bộ NN&PTNT đang có những chính sách cởi mở về thủ tục quản lý nhưng vô tình lại đóng một số cửa làm khó DN. Chẳng hạn, khi xuất khẩu nhiều mặt hàng thực vật sẽ không phải kiểm dịch. Nhưng ở đầu nhập khẩu thì lại khác. Hàng hóa nhập về phải được cơ quan chuyên ngành ở nước ta kiểm dịch thực vật mới được bán ra thị trường. Đáng nói là cơ quan quản lý nước ta yêu cầu DN nhập khẩu phải có giấy xác nhận kiểm dịch thực vật của nước xuất khẩu, trong khi ở nước họ cũng đang tạo điều kiện miễn kiểm dịch hàng hóa xuất khẩu. Vậy là DN phải mất nhiều thời gian làm thủ tục, nhiều trường hợp không làm được hoặc tổn thất hàng thực vật do để kho lâu nhanh hư hỏng.

Cần quy định rõ trách nhiệm từng bộ

Bà Đặng Bình An, chuyên gia tư vấn Dự án quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (USAID GIG), cho biết danh mục quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu quá nhiều và chưa quy định rõ. Cùng một mặt hàng nhưng có nhiều bộ quản lý. Ví dụ cùng một yêu cầu kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng mỗi bộ đưa ra một mẫu khác nhau. Mỗi bộ quy định và thực hiện khác nhau về tiêu chí kiểm tra và quản lý các mặt hàng. Chẳng hạn, mặt hàng sữa ba bộ Y tế, Công Thương, Nông nghiệp quản.

Hiện nay các bộ đều không có văn bản hướng dẫn kiểm tra hàng hóa, dẫn đến có chuyện DN nhập hai chiếc cà vạt cũng phải kiểm tra hóa chất formaldehyde. Khi kiểm tra phải lấy một cà vạt cắt ra kiểm, mất 2,6 triệu đồng tiền phí. Hay một DN nhập khẩu đồ gỗ nhập về mặt hàng ghế có hai mảnh gỗ nhỏ để lót tay cũng phải đưa đi kiểm tra. Thậm chí có DN muốn hủy hàng cũng phải kiểm tra dư lượng hóa chất.

Ông Phạm Thanh Bình, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan, Tổng cục Hải quan, cho rằng cần quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc xác định mặt hàng, cách thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành, tránh chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm. Cần kết nối thông tin giữa các bộ ngành, đơn vị cung ứng dịch vụ, cơ quan hải quan để quản lý thống nhất chất lượng và tạo điều kiện thuận lợi cho DN.

“Một kiến nghị nữa là chính các cán bộ cơ quan quản lý nhà nước cần cập nhật những văn bản chính sách pháp luật mới để quản lý, kiểm tra và hướng dẫn cho DN chính xác. Hiện nay vẫn có cán bộ quản lý trích văn bản hướng dẫn lỗi thời (đã được thay thế bằng văn bản mới) để trả lời vướng mắc chính sách cho DN. Trên website các bộ, ngành cần cập nhật thường xuyên những văn bản pháp luật chỉnh sửa, ban hành mới để DN có thể tìm xem, thực hiện theo. Đồng thời cập nhật dự thảo luật để DN góp ý kiến” - ông Bình nói.

QUANG HUY

Theo Pháp luật TP

Tốn 21 ngày

Theo khảo sát của Dự án quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (USAID GIG), 21 ngày là thời gian để DN ở Việt Nam làm thủ tục xuất khẩu. So với các nước ASEAN thì DN Việt Nam tốn nhiều thời gian nhất. Trong khi đó Singapore chỉ mất sáu ngày, Malaysia 11 ngày, mức trung bình của các nước ASEAN cũng chỉ 14 ngày.

Thời gian làm thủ tục nhập khẩu của Việt Nam cũng mất 21 ngày, đứng thứ hai sau Indonesia 23 ngày. Số lượng cho chứng từ xuất nhập khẩu cũng đứng tốp nhiều nhất so với các nước ASEAN còn lại. Thời gian thương mại qua biên giới nếu giảm được một ngày thì nước ta sẽ tiết kiệm được số tiền khủng 1,6 tỉ USD.

Việt Nam có thể đơn giản hóa thủ tục để giảm số ngày làm thủ tục xuất nhập khẩu xuống chỉ còn 13-14 ngày.

_________________________________________

DN nhập khẩu mặt hàng rượu vang phải kiểm định từng lô hàng. Sau năm lần kiểm tra nếu đạt yêu cầu nhập khẩu, DN được áp dụng phương thức chỉ kiểm tra hồ sơ (miễn kiểm tra, kiểm nghiệm mẫu). Thế nhưng khi DN làm thủ tục để được hưởng quy định này (tức là lần nhập khẩu thứ sáu, lô hàng rượu vang của DN sẽ được miễn kiểm tra) thì lại phải làm hồ sơ gửi lên cơ quan kiểm định xác nhận. Chưa hết, sau đó hồ sơ phải gửi ra Cục ATVSTP (Bộ Y tế) ở Hà Nội xác nhận, DN phải chờ dài cổ.

Giám đốc Công ty Minh Phước Logistics

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,995

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]