Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tư pháp nghiên cứu, trình Thủ tướng
Chính phủ Quyết định cho phép tiếp tục thực hiện Chương trình 585 theo hướng rà
soát, thu hẹp các hoạt động dàn trải, không hiệu quả; hướng trọng tâm đến việc
hỗ trợ trực tiếp, thiết thực nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp, hỗ trợ
doanh nghiệp tiếp cận, thực hiện các cam kết trong hội nhập quốc tế.
Đồng thời xây dựng Danh mục nội dung các hoạt động tiếp tục triển
khai trên cơ sở kế thừa các dự án đang thực hiện có hiệu quả trong giai đoạn
2010-2014, bảo đảm không chồng chéo với các chương trình, dự án khác.
Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, giai đoạn 2010-2014, hoạt động hỗ trợ
pháp lý cho doanh nghiệp được triển khai trên toàn quốc, trong đó tập trung thí
điểm tại 7 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Quảng Bình, Đắk
Lắk, Cần Thơ, Đồng Nai và một số tỉnh.
Sau 4 năm, việc triển khai các hoạt động của Chương trình 585 đồng
bộ, hiệu quả, qua đó góp phần tạo chuyển biến tích cực về nhận thức pháp lý,
thói quen tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp.
Chương trình 585 đã điều tra, khảo sát thực trạng và nhu cầu hỗ
trợ pháp lý của doanh nghiệp tại các Bộ, ngành, tổ chức đại diện cho doanh
nghiệp, các địa phương và trực tiếp tại doanh nghiệp; bước đầu thiết lập mạng
lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp tại các địa phương có điều kiện kinh tế
- xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Tuy nhiên, việc triển khai một số hoạt động của Chương trình 585
còn chậm tiến độ, hiệu quả chưa cao; các hoạt động còn dài trải, chưa có trọng
tâm; công tác phối hợp liên ngành trong triển khai thực hiện các hoạt động chưa
hiệu quả.
Phan Hiển