>> Bài 1: Liên tiếp những vụ án kinh hãi
Những phiên tòa đau lòng
Ngày 16.9, TAND TP Hà Nội mở phiên xử và tuyên phạt Cao Phương Duy (25 tuổi, ở phường Trúc Bạch, quận Ba Đình) 7 năm về tội “Giết người”. Nạn nhân là chị Đỗ Phương L (20 tuổi), vợ của Duy. Dù là bị can của vụ trọng án nhưng Duy được cho tại ngoại vì có bệnh chấn động não.
Bị cáo Đặng Tuấn Dũng với tiền sử tâm thần đã lên kế hoạch giết những người thân của mình. |
Bị cáo được người nhà dẫn đến tòa. Đứng trước tòa, bị cáo Duy khuôn mặt thất thần, hai tay dựa xuống vành móng ngựa để trả lời những câu hỏi của HĐXX.
Việc gây án diễn ra bất thường, ngày 12.2.2011, Duy chở vợ bằng xe taxi đi mua sắm, trong lúc chọn đồ 2 người đã to tiếng. Duy tiếp tục chở vợ đi, khi đến khu vực hồ Hoàn Kiếm, Duy nói với vợ: "Vợ yêu anh thì chết cùng anh nhé". Nói rồi Duy lấy dao bấm ra đâm chí mạng vào người vợ, khiến nạn nhân gục ngã. Còn Duy cũng tự cầm dao đâm vào mình rồi nhảy xuống hồ Hoàn Kiếm tự tử. Cả hai người sau đó may mắn được cứu thoát.
Ngồi trong phòng xử án, bị cáo Đặng Tuấn Dũng (SN 1984 - ở Bồ Đề, Long Biên, HN) mắt vẫn láo liếc, thỉnh thoảng lại cúi xuống nhặt những hạt bẩn dính dưới nền nhà bỏ vào mồm.
Khi trả lời những câu hỏi của HĐXX, bị cáo nói câu tỉnh, câu lẩn thẩn đan xen. Với tội “Giết người”, nạn nhân là cô ruột của bị cáo, bà Đặng Thị Chung (SN 1952, cùng trú tại địa chỉ trên), Dũng bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt 10 năm tù (xử ngày 11.7.2011)
Người có bệnh tâm cần phải được đưa đến bệnh viện điều trị. |
Tại phiên tòa này, bà Đ.T.H em ruột của bị hại và cũng là cô ruột của bị cáo đã tỏ thái độ bất bình khi cho rằng mức án quá nhẹ đối với bị cáo. Là người thân trong nhà, bà H cũng rất đau lòng khi đứng trước tòa tố cáo những hành vi điên dại mang tính côn đồ, hung hãn của người cháu mà trong hồ sơ vụ án không đề cập.
Điều bà H lo lắng, một ngày nào đó Dũng quay trở về sống giữa cộng đồng lại trở thành mối nguy hiểm cho người thân. Đáp lại sự bất bình của bà H, đại diện Viện KSND TP Hà Nội lý giải, nếu với bệnh tâm thần nặng bị cáo đã được miễn trách nhiệm hình sự trước hành vi của mình. Trường hợp của Dũng tuy bệnh nhưng vẫn còn có nhận thức, do đó mới phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên khung hình phạt được áp dụng theo quy định của pháp luật.
Ai quản người tâm thần?
Người tâm thần phạm tội, ở góc độ nào đó vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Thế nhưng với những phiên tòa và những bản án được tuyên có đủ sức phòng ngừa, tránh nguy cơ cho xã hội.
Người tâm thần sống giữa cộng đồng luôn tiềm ẩn nỗi lo. |
TS, BS. Ngô Thanh Hồi – Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương cho biết, hiện Nhà nước vẫn chưa có quy định và chế tài bắt buộc người thân, người giám hộ của người bị tâm thần đi điều trị tại các cơ sở y tế. Việc bắt buộc chữa bệnh chỉ mới được áp dụng khi người tâm thần vi phạm pháp luật.
Đây chính là lý do khiến xã hội luôn tiềm ẩn nguy hiểm với loại tội phạm liên quan đến người tâm thần mà trước hết với người thân của họ. Vào giữa tháng 5.2011, người dân Thủ đô hãi hùng trước thông tin một đối tượng ở ngách 37 ngõ Thổ Quan, Đống Đa, HN lên cơn tâm thần đã cầm dao chém mấy chục nhát vào người vợ đang mang thai 6 tháng.
TS, BS. Ngô Thanh Hồi cho biết, nguy cơ lớn nhất thuộc về nhóm bệnh tâm thần loạn thần, đặc biệt là loạn thần nội sinh. Cơ chế hình thành, phát bệnh đối với nhóm bệnh này chủ yếu do di truyền, số ít do tự phát với những biểu hiện phổ biến là tâm thần hoang tưởng và tâm thần phân liệt. Thời điểm phát bệnh loạn thần nội sinh thường ở vào độ tuổi trước 30.
Những người mắc căn bệnh này về cơ bản vẫn nhận thức và điều khiển được hành vi. Tuy nhiên ở những thời điểm nhất định, họ mất khả năng này. Bên cạnh đó các yếu tố về xúc cảm, tác động thời tiết hay phim ảnh, sự kiện xã hội… người mắc bệnh rất dễ có hành động bất thường và gây ra những hậu quả khó lường.
TS .BS Hồi cũng cho biết, việc phát hiện người mắc chứng bệnh loạn thần nội sinh không khó. Bởi trước khi bị bùng phát người bệnh thường có những biểu hiện bất thường trong cử chỉ, lời nói, hành động. Người thân là người gần gũi, phát hiện ra sự bất thường đó cần đưa người bệnh đến bệnh viện điều trị.
Thế nhưng theo nhiều bác sỹ làm việc trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần thì hiện nay việc nắm bắt thông tin của người dân đối với sức khỏe tâm thần, vẫn còn hết sức hạn chế. Nhiều người nhận thức về bệnh tâm thần còn rất lệch lạc, chưa đầy đủ.
Nhiều trường hợp khi biết người thân của mình có dấu hiệu của bệnh lại dấu, e ngại điều tiếng, dư luận. Hoặc khi người bệnh có dấu hiệu nặng mới đi điều trị, sau đó thường xin về nhà điều trị tiếp. Nhưng ở môi trường gia đình sự tâm quan không được sát sao và thường xuyên khiến người bệnh tăng thêm bệnh dẫn đến những hành động bất thường, có thể thành tội ác.
Ngọc Lương