Thời gian qua, để giảm áp lực về nhận xét HS, nhiều giáo
viên đi khắc những con
dấu để thay lời phê nhưng cũng có nơi cấm giáo viên làm như vậy. Về vấn
đề này, ông Phạm Ngọc Định khuyến cáo, Bộ không cấm giáo viên đóng dấu thay lời
phê nhưng không nên lạm dụng. Vì như vậy sẽ khiến giáo viên máy móc, lời phê
khô cứng, làm sai lệch ý nghĩa trong việc giáo dục HS.
Như Báo Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, từ ngày 15-10, các trường tiểu học trên cả nước chính thức thực hiện đánh giá học sinh (HS) bằng nhận xét thay cho điểm số theo thông tư 30 do Bộ GD&ĐT vừa ban hành. Tuy nhiên, sau gần hai tuần thực hiện, nhiều giáo viên, phụ huynh vẫn còn rất băn khoăn, lo ngại về những điểm mới của thông tư này. Với áp lực công việc mà giáo viên sẽ phải làm, dư luận không khỏi lo ngại rằng cách đánh giá này liệu có đạt được hiệu quả như Bộ GD&ĐT đề ra.
Theo ông Định, nhận xét không có nghĩa là khen HS, cũng không có nghĩa là bắt buộc giáo viên phải viết vào bài của HS mà giáo viên có thể dùng lời nói đối với những bài làm tốt để tránh áp lực công việc. Tùy vào từng nội dung bài học, giáo viên sẽ nhận xét cụ thể quá trình học tập của HS, HS học được hay chưa học được đến đâu.
Lâu nay chúng ta chỉ đánh giá HS bằng kết quả cuối cùng là đạt bao nhiêu thì với phương pháp này, giáo viên không chỉ ghi nhận kết quả cuối cùng của HS mà còn đánh giá được quá trình nỗ lực của HS để đạt được kết quả đó và vận dụng kết quả đó như thế nào. Đồng thời, giáo viên phải đưa ra được giải pháp giúp đỡ cho những em còn hạn chế trong học tập hoặc sẽ học tốt hơn nữa. Từ đó sẽ làm thay đổi nhận thức học vì điểm của phụ huynh HS.
Tại đây, TS Vũ Thu Hương, giảng viên Khoa giáo dục tiểu học của trường ĐH Sư Phạm Hà Nội cũng thẳng thắn, với phương pháp này, ít nhiều sẽ khiến giáo viên quá tải với việc nhận xét, không có thời gian dành cho gia đình hoặc đầu tư vào bài giảng nữa. Như thế, việc đánh giá khó có hiệu quả như Bộ đề ra. Hơn nữa, Bộ nói rằng không bắt buộc giáo viên phải ghi lời nhận xét vào bài làm mà chỉ dùng lời nói là được. Tuy nhiên, liệu các địa phương, các trường có thông cảm điều đó với giáo viên không, hay lại đặt ra quy định kiểm tra việc đánh giá đó.
Đề cập về vấn đề này ông Định cho rằng, tiêu chuẩn của một giáo viên tiểu học phải dạy là 23 tiết/tuần, mỗi tiết là 35 phút, một tuần không quá 40 giờ. Việc giáo viên có cường độ lao động cao chủ yếu ở TP lớn như Hà Nội, TP.HCM vì họ phải dạy thêm để đáp ứng nhu cầu của phụ huynh và có thêm thu nhập thôi chứ không phải định mức của nhà nước.
Hơn nữa, giáo viên dạy thì phải đánh giá HS là đương nhiên nhưng với những địa phương đông dân cư, áp lựa sĩ số cao thì có thể đề xuất với cơ quan quản lý để có giải pháp cụ thể như thêm trợ giảng, …
Phạm Anh