Hàng trăm lao động đến đăng ký hưởng BHTN mỗi ngày (Ảnh chụp ngày 12/11 tại Phòng BHTN - Trung tâm Giới thiệu Việc làm Hà Nội). Ảnh: Quỳnh Nga.
Cuối năm, lao động bơ vơ
Tại bộ phận một cửa tiếp nhận hồ sơ đăng ký Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội (HEIC), có hàng trăm người đến đăng ký thất nghiệp mỗi ngày. Theo quan sát của PV Tiền Phong, gần 100 ghế chờ trong phòng luôn chật kín chỗ. NLĐ đến đăng ký hưởng BHTN đủ mọi lứa tuổi, ngành nghề và hầu hết từng làm việc ở các Cty tư nhân.
Vẻ mặt thẫn thờ, anh Lê Hồng Đức, 35 tuổi (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) ngồi chờ nhân viên làm thủ tục thanh toán tiền trợ cấp thất nghiệp (TCTN) tháng 10/2014. Anh Đức cho biết: “Tôi từng làm nhân viên kỹ thuật của siêu thị BigC Thăng Long (Cầu Giấy, Hà Nội) với lương cơ bản hằng tháng 4 triệu đồng. Từ ngày 1/6 năm nay, Cty thu hẹp sản xuất, cắt giảm một nửa nhân viên nên bị thất nghiệp, sống bằng mức trợ cấp hơn 2 triệu đồng/tháng”. Theo anh Đức, tuy đã có kinh nghiệm nhưng tìm việc làm mới rất khó khăn vì vào cuối năm, các Cty không tuyển mới.
Anh Hoàng Trung Dũng, 32 tuổi (quê ở Sơn La) từng làm việc tại Cty Cổ phần Dược phẩm Việt Nam, có quyết định nghỉ việc từ ngày 25/10 do thuộc diện cắt giảm 10% nhân viên theo kế hoạch. Ròng rã gửi hồ sơ nhưng không có phản hồi nên anh Dũng tìm đến HEIC để đăng ký hưởng TCTN. “Cả tháng trời mòn mỏi đi tìm việc làm mới nhưng không được. Đến đâu, người ta cũng bảo Cty đang cắt giảm nhân viên. Vì thất nghiệp nên mọi sinh hoạt trong gia đình từ tiền thuê nhà, tiền học cho con đều trông chờ vào lương của vợ”, anh Dũng ngậm ngùi.
Sau khi làm xong hồ sơ, chị Phạm Thị Thúy, 27 tuổi, quê Thái Bình tất bật chạy về để kịp giờ làm thêm. Chị Thúy từng làm ở Cty Dược Khoa (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) và bị thất nghiệp từ tháng 9/2014 đến nay. Trong thời gian tìm việc, chị Thúy đành đi làm giúp việc kiếm tiền chi trả sinh hoạt hằng ngày cho gia đình.
Làm việc với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Toàn Phong - Giám đốc HEIC cho biết, số NLĐ đăng ký hưởng TCTN trong 10 tháng đầu năm là 27.665 người, tăng 5.837 người so với cùng kỳ năm ngoái. “Cứ đà này, trong quý 4, tình trạng thất nghiệp sẽ còn tăng cao và ước cả năm 2014, số người đăng ký thất nghiệp có thể lên tới 34.000 người”, ông Phong nói.
Trong khi đó, theo bà Phạm Thị Thêu, Phó phòng BHTN (thuộc HEIC), trong 10 tháng đầu năm 2014, đã chi 178,8 tỷ đồng tiền TCTN. Theo đó, từ đầu năm đến nay, trung bình mỗi tháng có hơn 2.000 người đến đăng ký thất nghiệp. Trong đó, có những tháng vượt trên 3.000 người như: Tháng 7 (3.610 người); tháng 8 (3.631 người); tháng 10 (3.157 người).
Ông Phong cho biết, căn cứ vào số liệu thống kê,
các trường hợp đến đăng ký hưởng TCTN đa phần nằm trong các ngành nghề gia
công, chế biến, điện tử, may mặc. Đặc biệt, các doanh nghiệp trong khu công
nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) và doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có
số người đăng ký thất nghiệp lớn.
Bằng cấp cao, thất nghiệp lắm
Thời gian qua, hàng loạt Cty trên địa bàn Hà Nội phải chuyển trụ sở hoặc bắt buộc sa thải lao động do thu hẹp sản xuất kinh doanh. Như Cty Macallan, vì chuyển trụ sở sản xuất nên 500 lao động bị thất nghiệp; Cty Cổ phần Gạch Viglacera do ít việc nên phải sa thải 100 công nhân... Tại các KCN, KCX ở Hà Nội, hàng nghìn công nhân cũng rơi vào cảnh thất nghiệp do bị chủ sử dụng chủ động chấm dứt hợp đồng lao động.
Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, có khoảng 30 đến 40% người đăng ký hưởng TCTN có trình độ đại học, cao đẳng. Điều này chứng tỏ tình trạng thất nghiệp không chỉ diễn ra với lao động phổ thông. Thực tế, đa số lao động mới tốt nghiệp đại học, cao đẳng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Với lao động phổ thông, theo Ban quản lý KCN - KCX Hà Nội, hiện có tới 65-70% NLĐ làm việc tại KCN, KCX chưa qua đào tạo nghề. Trong khi đó, một bộ phận NLĐ lại thường xuyên “nhảy việc” đã khiến cho thị trường lao động bị xáo trộn.
Bà Nguyễn Thị Kim Loan, Trưởng phòng BHTN (thuộc HEIC) cho biết, nguyên nhân thất nghiệp gia tăng là do kinh tế khó khăn. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp bị phá sản, giải thể hoặc phải sắp xếp lại sản xuất kinh doanh nên bắt buộc phải sa thải lao động. “Tỷ lệ NLĐ chủ động xin nghỉ việc rất ít. Đa số lao động đều bị doanh nghiệp chủ động chấm dứt hợp đồng và bị rơi vào cảnh mất việc làm”, bà Loan nói.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Toàn Phong, có một nguyên nhân khác khiến tỷ lệ lao động thất nghiệp gia tăng là quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước làm giảm lượng lớn cán bộ công nhân viên. “So với cùng kỳ năm ngoái, số lượng người đăng ký thất nghiệp tăng lên khoảng 20%”, ông Phong nói.
Theo dự báo của HEIC, những tháng cuối năm, tình trạng thất nghiệp sẽ càng gia tăng.
Ông Nguyễn Toàn Phong, Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội cho biết, số người đăng ký BHTN tại Hà Nội qua các năm không ngừng tăng. Cụ thể, năm 2010 là 4.129 người, năm 2011 là 16.100 người, năm 2012 là 24.616 người, năm 2013 là 26.911 người. Riêng 10 tháng đầu năm 2014, có đến 27.665 người đăng ký hưởng trợ cấp BHTN. |
Phong Cầm-Quỳnh Nga