Vẫn “nợ” mô hình đại diện chủ sở hữu nhà nước

27/11/2014 08:27 AM

Được coi là vấn đề rất quan trọng, song mô hình đại diện chủ sở hữu nhà nước vẫn là vấn đề còn bỏ ngỏ tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh vừa được Quốc hội thông qua chiều 26/11.

Trên 85% đại biểu đã tán thành thông qua Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh

Trong các phiên thảo luận về dự án luật này, không ít ý kiến đại biểu đề nghị cần quy định ngay trong luật việc thành lập một cơ quan chuyên trách tương đương cơ quan ngang bộ làm đại diện chủ sở hữu đối với phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp. 

Thừa nhận đây là ý kiến xác đáng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định việc thành lập một cơ quan chuyên trách về quản lý và giám sát toàn bộ vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp sẽ tạo được đột phá, bảo đảm công khai, minh bạch trong đánh giá hiệu quả sử dụng vốn nhà nước của doanh nghiệp, tăng cường trách nhiệm của cá nhân, tổ chức đối với việc đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, Ủy ban vẫn kiên trì giải thích, rằng việc thay đổi mô hình đại diện chủ sở hữu theo hướng thành lập một cơ quan ngang bộ thuộc Chính phủ sẽ tác động đến mô hình, cơ cấu tổ chức và hoạt động của Chính phủ cũng như thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước. 

“Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất mô hình phù hợp, khả thi trong thời gian tới”, báo cáo giải trình cho biết.

Với giải thích này, dự thảo luật vẫn quy định Chính phủ thống nhất thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước trong việc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Việc bỏ ngỏ mô hình đại diện chủ sở hữu, theo một số vị đại biểu, sẽ khiến cho quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước không thể được như mong muốn.

Bên cạnh nội dung trên, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý doanh nghiệp cũng là vấn đề được đại biểu quan tâm góp ý trong quá trình hoàn thiện dự án luật.

Tiếp thu ý kiến đại biểu,  nguyên tắc xác định tiền lương, thù lao của người quản lý doanh nghiệp đã căn cứ vào hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh hằng năm của doanh nghiệp.

Còn thù lao của người quản lý doanh nghiệp không chuyên trách được xác định trên cơ sở công việc và thời gian làm việc nhưng không vượt quá 20% tiền lương của người quản lý doanh nghiệp chuyên trách.

Tiền thưởng của người quản lý doanh nghiệp do cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt trên cơ sở hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, xếp loại doanh nghiệp, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người quản lý doanh nghiệp và được trích từ lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp. 

Điều khoản chuyển tiếp của luật nêu rõ, từ 1/7/2015, tức là ngày luật có hiệu lực thi hành, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có trách nhiệm đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành điều lệ, quy chế tài chính của doanh nghiệp theo quy định của luật này, việc ban hành phải hoàn thành trước ngày 1/1/2016.

Luật cũng quy định, điều lệ, quy chế tài chính của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được ban hành trước ngày luật này có hiệu lực thi hành được tiếp tục thực hiện đến hết ngày 31/12/ 2015.  

Đối với dự án đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, quyết định trước ngày luật này được công bố tiếp tục thực hiện theo dự án được phê duyệt.

Việc xử lý hoạt động quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, quản lý vốn nhà nước tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên phát sinh trước ngày luật này có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo quy định hiện hành đến hết ngày 31/12/2015.    

Nguyễn Lê

Theo Vneconomy

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,442

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]