Ngày 20/11, Quốc hội chính thức thông qua Luật Căn cước công dân với đa số đại biểu tán thành. Trước khi đại biểu thông qua Luật Căn cước công dân, ông Nguyễn Kim Khoa - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Quốc hội đã báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước công dân.
Kết quả biểu quyết thông qua Luật Căn cước công dân
Cụ thể, ông Khoa cho biết, một số ý kiến đề nghị bổ sung thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư như tên gọi khác, nhóm máu, tình trạng hôn nhân, một số thông tin về anh, chị, em…; có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định về thông tin giới tính, quê quán…; có ý kiến đề nghị phân loại thông tin theo từng nhóm.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung quy định về thông tin nhóm máu tại điểm m khoản 1 Điều 9 của dự thảo Luật theo hướng không phải là thông tin bắt buộc mà theo yêu cầu của công dân. Đối với các thông tin khác đại biểu Quốc hội đề nghị, như đã giải trình tại Báo cáo số 756, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, những thông tin được thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là những thông tin cơ bản về công dân được sử dụng thống nhất trong các cơ sở dữ liệu chuyên ngành nhằm phục vụ nhân dân.
Những thông tin như tên gọi khác, anh, chị em ruột… sẽ được thu thập, cập nhật trong các cơ sở dữ liệu chuyên ngành phù hợp với yêu cầu quản lý của từng ngành, lĩnh vực. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chỉ bổ sung quy định thông tin về nhóm máu như dự thảo Luật trình Quốc hội.
Trước ý kiến đề nghị giao Chính phủ quy định cụ thể cấu trúc số định danh cá nhân; ý kiến khác đề nghị quy định một số nguyên tắc xác lập số định danh cá nhân hoặc sử dụng số chứng minh nhân dân hiện nay làm số định danh cá nhân, ông Khoa cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, việc xác lập số định danh cá nhân phải bảo đảm tính khoa học, tính khả thi, căn cứ vào yêu cầu quản lý và phù hợp thực tiễn. Do đó, việc giao Chính phủ quy định về vấn đề này là phù hợp.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh sửa Điều 12 giao Chính phủ quy định cụ thể về cấu trúc số định danh cá nhân như dự thảo Luật trình Quốc hội.
Với ý kiến đề nghị sử dụng tên gọi Chứng minh nhân dân thay cho thẻ Căn cước công dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, tên gọi thẻ Căn cước công dân phù hợp với tên gọi của Luật, phù hợp nội dung các thông tin trên thẻ và giá trị sử dụng của thẻ là để chứng minh thông tin căn cước của công dân.
Đồng thời để thực hiện mục tiêu hiện đại hóa giấy tờ công dân tiến tới sử dụng thẻ công dân điện tử theo Đề án 896 của Chính phủ và phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế, hiện nay hầu hết các nước trên thế giới đều sử dụng tên gọi này. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ tên gọi thẻ Căn cước công dân như dự thảo Luật trình Quốc hội.
Về tuổi cấp thẻ căn cước công dân, ông Khoa cho biết, vấn đề này, có hai loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị quy định cấp thẻ Căn cước công dân cho người từ 14 tuổi trở lên. Loại ý kiến thứ hai nhất trí với quy định cấp thẻ Căn cước công dân cho người dưới 14 tuổi như dự thảo Luật.
Ngày 1/11, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Đoàn thư ký kỳ họp gửi Phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội về quy định tuổi được cấp thẻ Căn cước công dân. Kết quả phiếu xin ý kiến cho thấy, có 61% đại biểu Quốc hội nhất trí với loại ý kiến thứ nhất; 27% đại biểu Quốc hội nhất trí với loại ý kiến thứ hai; 12% đại biểu Quốc hội có ý kiến khác.
Tiếp thu đa số ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý dự thảo Luật quy định cấp thẻ Căn cước công dân cho người từ 14 tuổi trở lên và chỉ đạo rà soát, chỉnh lý các quy định liên quan cho phù hợp.
Nội dung thể hiện trên thẻ Căn cước công dân, ông Khoa cho biết, có ý kiến đề nghị chỉnh lý Điều này để phù hợp với quy định về việc cấp thẻ Căn cước công dân từ 14 tuổi trở lên; bổ sung quy định về sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh trên thẻ; chỉnh lý một số thông tin trên thẻ Căn cước công dân. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý nội dung Điều 18 như dự thảo Luật trình Quốc hội.
Đối với hạn sử dụng của thẻ Căn cước công dân, theo ông Khoa một số ý kiến đề nghị quy định trường hợp công dân mới được cấp hoặc đổi thẻ Căn cước công dân mà gần đến tuổi đổi thẻ theo quy định thì không phải đổi lại thẻ hoặc quy định chỉ cập nhật thông tin, không phải đổi thẻ theo độ tuổi.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý tên Điều 21 như dự thảo Luật cho phù hợp và quy định theo hướng trường hợp công dân được cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân trong thời gian 2 năm trước tuổi quy định phải đổi thẻ thì được tiếp tục sử dụng đến tuổi đổi thẻ tiếp theo như dự thảo Luật trình Quốc hội.
Quang Phong