Nội dung Thủ tướng Chính phủ trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội

20/11/2014 08:09 AM

Chiều 19/11, trên diễn đàn Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trực tiếp trả lời chất vấn của một số đại biểu. Sau đây là nội dung chất vấn của đại biểu và trả lời chất vấn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé, tỉnh Kiên Giang hỏi: Thủ tướng Chính phủ đã  ban hành Quyết định số 429/QĐ-TTg vào năm 2009 về phê duyệt đề án thành lập vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, hiện nay chưa phát triển theo hướng quy mô đồng bộ, từ đó gây khó khăn cho kết nối sản xuất và tiêu thụ trong khu vực.

Xin Thủ tướng cho biết giải pháp phát triển kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long trên cơ sở liên kết vùng đầu tư trọng điểm, tạo bước đột phá mạnh mẽ hơn, phát huy đúng tiềm năng, thế mạnh của vùng đầu tư trọng điểm này, góp phần đóng góp chung cho sự phát triển kinh tế đất nước. Xin cảm ơn Thủ tướng!

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng:  Thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Tôi xin trân trọng cảm ơn các vị đại biểu Quốc hội đã đặt câu hỏi chất vấn trực tiếp. Tôi xin trình bày tuần tự theo câu hỏi của các vị đại biểu Quốc hội.

Trước hết là chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé về liên kết vùng để phát triển vùng của Đồng bằng sông Cửu Long. Về vấn đề này tôi xin trình bày một số ý kiến sau đây.

Trong một vùng có điều kiện kinh tế-xã hội tương đồng nhau thì yêu cầu liên kết, hợp tác để phát triển là rất cần thiết, gần như là một yêu cầu khách quan, tất yếu để phát triển hiệu quả, bền vững. Liên kết vùng, Chính phủ cũng nhận rõ sự cần thiết. Liên kết để khai thác, phát huy, liên kết để phát triển tiềm năng, lợi thế khu vực, liên kết hợp tác để cùng nhau đầu tư có hiệu quả hơn, sử dụng có hiệu quả hơn, khắc phục đầu tư trùng lặp, lãng phí, liên kết để cả vùng cùng nhau ứng phó, đối phó, khắc phục với những khó khăn, thách thức đặt ra mà riêng một tỉnh, một địa phương xử lý sẽ rất khó.

Với tinh thần đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, xây dựng quy chế liên kết các vùng kinh tế của cả nước. Tôi xin nhấn mạnh là xây dựng quy chế. Chúng tôi cũng dừng ở mức quy chế thí điểm hợp tác ở các vùng kinh tế, trong đó có vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, khi chỉ đạo vấn đề này tôi cũng đã nêu 4 nội dung cần liên kết, hợp tác.

Một là 12 tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long phải liên kết, hợp tác để đầu tư có hiệu quả các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội trên cơ sở quy hoạch chung mà Chính phủ đã phê duyệt, trước hết là đầu tư, cả giao thông, thủy lợi, điện, viễn thông, các cơ sở sản xuất… Nhưng việc này là rất khó. Như tôi cũng muốn các đồng chí cùng nhau hợp tác xây dựng nhà máy rác, nhà máy rác nhỏ quá thì công suất không hiệu quả. Nhưng rất khó, tỉnh nào cũng muốn làm hết, cho tỉnh này không cho tỉnh  khác cũng rất khó. Phần sau tôi sẽ trình bày rõ thêm. Tóm lại, nội dung hợp tác thứ nhất là hợp tác các dự án hạ tầng kinh tế-xã hội để sử dụng có hiệu quả hơn, tránh trùng lặp, lãng phí.

Hai là Đồng bằng sông Cửu Long cần có liên kết hợp tác để phát huy lợi thế. Ba lợi thế nhất của Đồng bằng sông Cửu Long là lúa gạo lớn nhất của cả nước, rồi cá tra, cá basa, tôm. Ba sản phẩm lợi thế nhất này tỉnh nào cũng có. Trong 12 tỉnh này thì liên kết, hình thành chuỗi doanh nghiệp từ giống, cho tới gieo trồng cho tới thu hoạch, chế biến, tiêu thụ cần có sự liên kết hình thành vùng, như thế vừa có lợi vừa có hiệu quả, hiệu quả được nâng lên.

Nội dung thứ ba là ở Đồng bằng sông Cửu Long là liên kết hợp tác để sử dụng bền vững và ứng phó hiệu quả. Vừa sử dụng bền vững những nguồn nước của Đồng bằng sông Cửu Long, vừa ứng phó hiệu quả với lũ của Đồng bằng sông Cửu Long, không một tỉnh nào làm được mà làm sẽ không có hiệu quả. Tỉnh này thì đắp đê, tỉnh này thì mở cống. Nên chúng ta cần phải liên kết hợp tác để khắc phục những khó khăn, thách thức của Đồng bằng sông Cửu Long đặt ra. Đấy là mặt bằng giáo dục. Lúa gạo, tôm cá nhiều nhưng mặt bằng giáo dục, nhiều lĩnh vực, nhiều chỉ số thấp so với cả nước, hợp tác để khắc phục cái này. Hợp tác để khắc phục việc đội ngũ cán bộ KHCN và ứng dụng KHCN vào sản xuất còn rất hạn chế cho 3 sản phẩm chủ lực này. Rồi hợp tác để phát triển hạ tầng, khắc phục hạ tầng yếu kém.

Thứ tư là hợp tác để bảo đảm quốc phòng, an ninh trong vùng.

Thưa các vị đại biểu,

Sự cần thiết liên kết hợp tác cũng rõ, nội dung cần hợp tác cũng đã rõ và lãnh đạo các tỉnh đều đồng tình với Chính phủ. Nhưng với thể chế chính trị của chúng ta hiện nay, phương thức lãnh đạo, quản lý điều hành hiện nay, theo Hiến pháp, theo luật pháp hiện nay thì dựa trên căn cứ luật pháp gì, cơ chế chính sách gì, tổ chức thế nào để liên kết hợp tác rất là khó khăn. Chúng tôi cũng dự thảo đi dự thảo lại nhiều lần, lấy ý kiến. Đồng chí Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cũng xem dự thảo nhiều lần nhưng mà thấy ban hành chắc khó khả thi. Chuyển đến tôi,  tôi cũng thấy là nếu ban hành thì cũng khó làm được, cho nên thực sự cũng đang lúng túng. Tóm lại việc liên kết vùng, hợp tác vùng để phát triển nhanh, bền vững là cần thiết, có yêu cầu, có nội dung hợp tác nhưng mà cơ chế, tổ chức như thế nào để thực hiện được điều này thì cần phải thảo luận thêm. Cảm ơn đồng chí đã chất vấn và cũng là nhắc nhở việc này đối với Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ.

Đại biểu Danh Út - Kiên Giang: Đồng bào các dân tộc đánh giá cao và hoan nghênh Chính phủ đã tổ chức thực hiện tốt chính sách dân tộc như Hiến pháp quy định. Tuy nhiên, chính sách chưa được đồng bộ, còn nhiều khó khăn. Xin hỏi Thủ tướng một câu như sau: Hiện nay trong đồng bào dân tộc thiểu số có hơn 300.000 hộ còn thiếu đất sản xuất, đất ở nhưng đất đai của các nông lâm trường quản lý khá nhiều, có tình trạng sử dụng kém hiệu quả, lãng phí và chưa sử dụng. Xin đề nghị Chính phủ giảm bớt đất của các nông lâm trường để giao lại chính quyền địa phương cấp cho đồng bào, cả giao khoán, bảo vệ rừng. Xin ý kiến của Thủ tướng về chủ trương và giải pháp. Xin cảm ơn.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Về chất vấn của Đại biểu Danh Út, tôi xin báo cáo thế này:

Vì cả nước ta còn khoảng 300.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số không có đất sản xuất, đây cũng là điều trăn trở, day dứt của Chính phủ. Khi được phân công trực tiếp là Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, tôi cũng hết sức cố gắng tìm cách giải quyết vấn đề này. Mặc dù chúng ta cũng đã giải quyết được rất nhiều rồi, nhưng vẫn còn một số lượng lớn như thế. Bây giờ để giải quyết 300.000 hộ không có đất sản xuất thì phải làm nhiều biện pháp. Trước hết, đồng bào dân tộc thiểu số của chúng ta thường sống gắn bó với rừng. Như đã trình bày trong phần báo cáo, giải pháp đặt ra là yêu cầu xây dựng cơ chế chính sách đặc thù để giảm nghèo nhanh hơn với đồng bào dân tộc thiểu số.

Bây giờ chúng ta đã giảm nghèo từ trên 50% xuống còn 34% (tôi nói số tròn) nhưng mà 34% cũng còn rất lớn, trong đó có 300.000 hộ này. Bây giờ, đồng bào gắn với rừng thì phải được giao rừng. Tôi cũng đã trình bày trong báo cáo rất cụ thể về việc này và Chính phủ kỳ họp vừa rồi cũng đã thảo luận một lần dự thảo nghị định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về chính sách đặc thù này. Giao rừng rồi khoán rừng, bảo vệ rừng, trồng rừng, gắn với đó là giảm nghèo, là phát triển thì tôi cũng đã trình bày trong báo cáo vừa rồi. Chính phủ sẽ cố gắng thảo luận để ban hành sớm. Khi thảo luận thì vấn đề khó nhất là ngân sách- tiền  ở đâu để thực hiện, chúng tôi đang rà soát, tính toán.

Cùng với đó là các chính sách khác như tôi đã trình bày, kể cả chính sách về ngành nghề, về tiếp cận các dịch vụ xã hội. Tinh thần là Chính phủ cảm thấy vấn đề này rất quan trọng, rất cần thiết và tập trung giải quyết cũng đã đạt được nhiều kết quả. Nhưng nhiệm vụ còn rất khó khăn cần, phải tập trung thực hiện thiết thực, hiệu quả hơn để làm sao 300.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số không có đất sản xuất phải có đất sản xuất và có ngành nghề sản xuất.

Đại biểu Đỗ Văn Đương- TPHCM: Tôi xin hỏi Thủ tướng một câu về kinh tế biển. Biển bạc nước ta giàu tài nguyên, mênh mông hàng triệu km2, gấp 3 lần diện tích đất liền. 500 năm về trước Trạng Trình đã căn dặn chúng ta “Biển Đông ngàn dặm dang tay giữ” và Nghị quyết Trung ương 4 khoá  XI, Đảng ta đã có Nghị quyết về Chiến lược biển Việt Nam.

Xin được hỏi Thủ tướng, trong những năm gần đây, chúng ta đã có những bước đầu tư đáng kể gì để phát triển kinh tế biển đảo? Tôi cũng nhận thức rằng để dang tay giữ Biển Đông ngàn dặm, thời gian tới cần bớt đầu tư công trong bờ để dành nguồn lực tăng cường đầu tư cho phát triển kinh tế biển. Theo đó, cũng nên thành lập Bộ Kinh tế biển trên cơ sở tách một phần chức năng của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để có một Bộ chuyên tâm tham mưu cho Chính phủ quản lý Nhà nước và phát triển kinh tế biển đảo. Xin hỏi ý kiến của Thủ tướng về vấn đề này như thế nào?

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Đối với đất nước ta, biển quan trọng như thế nào thì tất cả chúng ta đều biết. Đảng ta cũng đã có một Nghị quyết chuyên về chiến lược biển đồng bộ. Chính phủ cũng đã có chương trình hành động, có kế hoạch, cũng đã triển khai thực hiện, đã đầu tư phát triển, vừa phát triển kinh tế vừa bảo đảm chủ quyền quốc gia trên biển. Chúng ta đã đạt được nhiều kết quả, đạt được nhiều thành tích.

Tuy nhiên so với yêu cầu, so với mong muốn thì chưa được, cần phải nỗ lực hơn, cần phải làm tốt hơn nữa, trong đó có đầu tư để phát triển kinh tế biển, bảo vệ chủ quyền. Chính phủ đã, đang và sẽ tiếp tục làm việc này.

Căn cứ vào khả năng ngân sách quốc gia, căn cứ vào điều kiện nợ công như Đại biểu vừa nêu thì cũng đã có cả một kế hoạch đầu tư để phát triển kinh tế biển và bảo đảm quốc phòng an ninh, đảm bảo chủ quyền quốc gia trên biển.

Còn về việc đồng chí nêu là bớt đầu tư trên bộ để đầu tư trên biển thì cái này cũng khó rạch ròi. Có khi đầu tư trên bộ nhưng lại cho biển chứ không phải đầu tư trên biển là cho biển.

Việc này chúng ta cũng phải thực hiện một cách có chiến lược, có quy hoạch, có kế hoạch, để tinh thần chung là khai thác tốt nhất, hiệu quả cao nhất kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển

Còn về ý kiến nêu ra cần thành lập Bộ Biển, tôi ghi nhận ý kiến này. Ý kiến này cũng nhiều người nêu với tôi; nói biển ta cả triệu km2, đất liền ta có 320.000 km2 thì nên có Bộ  Biển. Nhưng mà thưa với Đại biểu cũng như các đồng chí, bây giờ tất cả các nhiệm vụ, tất cả lĩnh vực kinh tế biển, bảo đảm an ninh quốc phòng trên biển, chủ quyền quốc gia trên biển, bảo vệ tài nguyên trên biển thì một bộ chắc là khó làm được.

Khai thác thuỷ sản, khai thác dầu khí, vận tải biển, du lịch biển, bảo đảm quốc phòng trên biển thì không thể giao cho một bộ được.

Hiện nay quản lý của Chính phủ là thế này: Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý Nhà nước về tài nguyên biển, còn từng lĩnh vực giao cho từng bộ, như khai thác thuỷ sản là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trước đây là Bộ Thuỷ sản. Và bây giờ giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhưng vẫn còn có Tổng cục Thuỷ sản để chuyên về quản lý Nhà nước, giúp Chính phủ quản lý Nhà nước trên lĩnh vực này. Hay là vận tải biển là Bộ Giao thông vận tải… không thể giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường được.

Khai thác dầu khí trên biển phải là Bộ Công Thương. Hay là du lịch trên đảo, trên biển là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chứ không thể giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường. Cho nên, các lĩnh vực kinh tế biển khó có thể chia cắt rạch ròi hay tổng hợp lại giao cho một bộ.

Nhiệm kỳ này còn hơn năm nữa thôi nhưng tôi cũng đang chỉ đạo tổng kết đánh giá chức năng nhiệm vụ làm sao các lực lượng đều có phân công: Bộ chủ trì quản lý và Bộ phối hợp để đảm bảo các lĩnh vực đều có quản lý. Quản lý cũng khó rạch ròi, cái này có liên quan đến cái kia nên chúng ta cần có sự phối hợp, có cơ quan chủ trì.

Còn ý kiến Đại biểu nêu là thành lập Bộ Biển thì chúng tôi sẽ ghi nhận và nghiên cứu tiếp cho nhiệm kỳ sau.

Đại biểu Thân Đức Nam – Đà Nẵng: Tôi vừa nghe báo cáo của Thủ tướng. Trong bản báo cáo có vấn đề xử lý nợ xấu. Tôi muốn đề nghị Thủ tướng làm rõ hơn vấn đề nợ xấu của ngân hàng. Ai cũng biết nợ xấu của ngân hàng thương mại là hiện tượng bình thường trong vấn đề tín dụng của ngân hàng. Chính vì vậy mà luật pháp quy định trích dự phòng rủi ro trước khi chia cổ tức.

Tuy nhiên, nợ xấu đã vượt khả năng tự giải quyết của ngân hàng thương mại, đe dọa mất thanh khoản, dễ đổ vỡ hệ thống, làm tắc nghẽn sự hấp thụ vốn của nền kinh tế, làm nền kinh tế trì trệ thì nợ xấu trở thành vấn đề của kinh tế vĩ mô. Ở các nước, Chính phủ phải can thiệp, xử lý chứ không thể chỉ có trách nhiệm của ngân hàng thương mại.

Tôi cũng đánh giá rất cao về nỗ lực xử lý nợ của Ngân hàng Nhà nước đã có kết quả. Nhưng nếu chúng ta thiếu sự hỗ trợ của Chính phủ can thiệp vào, tôi nghĩ rằng phải có được sự đồng bộ của Chính phủ, đặc biệt là về giải pháp và nguồn lực vật chất thì xử lý nợ xấu sẽ làm giảm đi và kéo đến nền kinh tế khỏi trì trệ.

Tôi cũng xin đề nghị Thủ tướng cho biết rõ Chính phủ có chủ trương gì để giải quyết vấn đề này? Xin cảm ơn Thủ tướng, cảm ơn Quốc hội.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:  Về nợ xấu của tổ chức tín dụng tôi đã trình bày trong báo cáo. Tôi cũng  đã cố gắng trình bày cho rõ thực trạng nợ xấu của nước ta đến hôm nay là thế nào? Nguyên nhân của nó là thế nào? Chủ trương giải pháp của chúng ta, vừa qua chúng ta triển khai thế nào? Kết quả đến hôm nay là thế nào? Sắp tới làm những việc gì? Tôi đã hết sức cố gắng trình bày. Tôi thấy là cũng đã rõ.

Chỉ có một điều tôi nói rõ với đại biểu Nam là chúng ta không có ngân sách và cũng không sử dụng ngân sách để làm cái việc này. Không có thì có khó khăn hơn. Nhưng chúng ta vẫn giải quyết được theo cách của chúng ta mà tôi đã trình bày.

Đến năm 2015, Chính phủ nêu rõ là phấn đấu nợ xấu trong hệ thống tín dụng ở nước ta trở về ở mức khoảng 3%, là mức thông thường trong kinh tế thị trường, nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Tôi nghĩ có lẽ như thế là phù hợp hơn với điều kiện thực tiễn của nước ta. Chứ bây giờ Quốc hội bấm nút ngân sách rồi, không có khoản tiền nào cho việc này nữa. Chúng tôi sắp tới sẽ chỉ đạo những giải pháp mà chúng tôi đã nêu, đã trình bày với Quốc hội, làm sao cho có hiệu quả, tốt hơn, nhanh hơn, nhưng vững chắc hơn.

Đại biểu Trịnh Ngọc Phương-Tây Ninh: Qua phiên trả lời chất vấn của các Bộ trưởng GTVT, Nội vụ, LĐTB&XH… và một số bộ, ngành có liên quan, nổi lên một số vấn đề như hạ tầng giao thông còn bất cập, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp cơ khí, cơ chế đầu tư công nghiệp, nguồn nhân lực nhất là lao động chất lượng cao, sự sáng tạo trong khoa học công nghệ…

Trong báo cáo giải trình và trả lời chất vấn đã đưa ra nhiều giải pháp nhưng với thực trạng như trên, theo Thủ tướng, những giải pháp mà Thủ tướng nêu ra, giải pháp nào là quan trọng, mang tính quyết định? Nhiệm vụ cần đặt ra trước mắt vào năm 2015, để đảm bảo đến năm 2020 nước ta trở thành nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo đúng Nghị quyết Trung ương khóa XI đề ra?

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:  Về ý kiến của Đại biểu Trịnh Ngọc Phương, chất vấn rất rộng. Để đưa nước ta sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ  XI thì chúng ta phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đặc biệt phải thực hiện tốt 3 đột phá chiến lược. Đột phá chiến lược về thể chế, ở đây là thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN nhằm huy động cao nhất, hiệu quả nhất các nguồn lực của đất nước ta, kể cả nội lực và ngoại lực, để phát triển nhanh, bền vững. Cơ chế thị trường này cũng phân bổ nguồn lực, thu hút nguồn lực, sử dụng nguồn lực. Đây là một đột phá.

Đột phá thứ 2 các đồng chí cũng biết rồi, nhân tố quyết định là con người. Tôi cố gắng trình bày lại vì sao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động của chúng ta còn thấp. Chính là trong 3 yếu tố, có yếu tố con người. Cho nên Đại hội lần thứ XI của Đảng đưa ra đột phá thứ 2 rất quan trọng, quyết định, là đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng, đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Và con người đó phải được đào tạo, có trình độ, chất lượng đào tạo cao. Chúng tôi cũng đã trình bày, Trung ương cũng đã dành một phiên họp, có một Nghị quyết riêng về vấn đề này. Đó là đột phá thứ 2.

Đột phá thứ 3 chúng ta xác định là đột phá để xây dựng đồng bộ kết cấu, hạ tầng kinh tế-xã hội hiện đại. Hạ tầng quyết định phát triển, thúc đẩy tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Tóm lại, thưa với Đại biểu là để đưa nước ta sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, không có cách nào khác là tiếp tục quán triệt sâu sắc, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết Đại hội  XI của Đảng, đặc biệt thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược. Chúng ta có thực hiện được mục tiêu này không, đòi hỏi nỗ lực của chúng ta.

Đại biểu Thích Thanh Quyết -Quảng Ninh: Kinh tế nước ta đã qua giai đoạn nghỉ ngơi, đang trên đà phát triển bền vững, cử tri, nhân dân cả nước rất yên tâm, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ. Đồng bào các dân tộc và các tôn giáo cả nước sẽ quyết tâm cùng Chính phủ xây dựng cuộc sống, đồng hành cùng dân tộc, sống phúc âm trong lòng dân tộc. Nhưng cả dân tộc hoặc nói ra hoặc không nói ra, mọi người dân Việt Nam đều thấu hiểu, thấm thía cái giá của hòa bình, ổn định. Từ khi Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của nước ta, sự kiên quyết đồng tâm của toàn Đảng, toàn dân là một tín hiệu rất tốt trong vượng khí của nước nhà, song cử tri muốn nghe từ “kim khẩu” của Thủ tướng.  Xin Thủ tướng cho biết, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta đối với vấn đề về Biển Đông và Trung Quốc, bằng cách ngắn gọn nhất, dễ nghe, dễ hiểu nhất, xúc tích và đầy đủ nhất?

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Ý kiến đại biểu Thích Thanh Quyết, tôi hết sức lắng nghe. Đại biểu hỏi,  tôi hiểu như thế này: Chủ trương của Đảng và Nhà nước ta sau khi Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển của nước ta là thế nào?

Đối với Trung Quốc hay đối với tất cả các nước trên thế giới, chúng ta thực hiện đường lối đối ngoại kiên trì, nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Nếu tôi nhớ không nhầm thì ngay Hiến pháp mới Quốc hội vừa thông qua năm 2013, toàn bộ đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta được nêu trong Điều 12. Đó là đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác phát triển, đa phương hóa, chủ động, tích cực, hội nhập, hợp tác quốc tế  trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng cùng có lợi, tuân thủ Hiến chương Liên Hợp Quốc, thực hiện các cam kết, các công ước quốc tế mà chúng ta là thành viên và gìn giữ lợi ích quốc gia, dân tộc, hợp tác bình đẳng cùng có lợi, đóng góp tích cực cho hòa bình, hữu nghị, tiến bộ trên thế giới.

Trên cơ sở chung đó, đối với chúng ta, Trung Quốc là láng giềng, dù nắng mưa, bão lũ, chúng ta vẫn là láng giềng, mãi mãi là láng giềng, gìn giữ hòa bình, hợp tác cùng phát triển để thực hiện một cách thực chất phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt, đem lại lợi ích cho cả hai nước. Chúng ta mong muốn hai bên đều chân thành hợp tác, chúng ta mong muốn hòa bình, hữu nghị, hợp tác, hai bên cùng có lợi, cùng thịnh vượng, giải quyết thỏa đáng mọi bất đồng.

Đại biểu có nêu Thủ tướng nói ngắn nhất, đầy đủ nhất nhưng mà dễ nhớ, dễ hiểu về quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc từ khi Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam. Vấn đề khó nhưng tôi xin khái quát 6 chữ, đó là: “Vừa hợp tác, vừa đấu tranh”. Chúng ta vừa hợp tác vừa đấu tranh, theo tôi nghĩ không  chỉ với Trung Quốc mà với tất cả các nước. Chúng ta vừa hợp tác vừa đấu tranh để có hòa bình, ổn định, có hữu nghị, tin cậy lẫn nhau, cùng có lợi, cùng phát triển, cùng thịnh vượng, bảo vệ độc lập chủ quyền thiêng liêng của đất nước, bảo vệ lợi ích chính đáng của chúng ta trên cơ sở đường lối đối ngoại nhất quán của Đảng và Nhà nước ta đã ghi trong Hiến pháp.

Tôi nhắc lại “Vừa hợp tác, vừa đấu tranh” có lẽ là dễ nhớ nhất nhưng không biết có đầy đủ không.

Đại biểu Lê Nam - Thanh Hóa: Tôi xin gửi đến Thủ tướng một câu hỏi: Ngay khi giàn khoan Hải Dương 981 chưa rút, Trung Quốc đã thực hiện mạnh mẽ xây dựng các đảo, xây dựng sân bay, biến đảo đá chìm thành lãnh thổ trên các đảo Gạc Ma, Phú Lâm, Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc có được. Đó là kế sách không đánh mà thắng, nhằm độc chiếm Biển Đông. Cử tri cả nước quan tâm đặc biệt đến tình hình trên. Mong muốn Thủ tướng cho biết kế sách của Chính phủ sẽ như thế nào để bảo vệ trọn vẹn chủ quyền, quyền chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc? Xin cảm ơn Thủ tướng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Đồng chí, đồng bào cả nước đều biết đảo Gạc Ma và một số đảo trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam bị Trung Quốc cưỡng chiếm năm 1988. Trong tình thế lúc đó, chúng ta đã cùng với các nước ASEAN ký với Trung Quốc Tuyên bố chung về thái độ ứng xử của các bên liên quan trên Biển Đông, gọi tắt là DOC. Theo đó, các bên giữ nguyên hiện trạng, không làm phức tạp thêm; mọi tranh chấp giải quyết hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế; không dùng vũ lực, không đe dọa dùng vũ lực để giải quyết. Còn việc Trung Quốc bồi lấp biển mà theo như  thông tin báo chí chúng ta cũng đã nêu là ở đảo Chữ Thập bồi đắp lớn nhất, thành đảo lớn nhất ở Quần đảo Trường Sa, khoảng 49 ha, lớn hơn đảo Ba Bình mà lâu nay chúng ta biết là lớn nhất.

Thưa các quý vị đại biểu. Lập trường của chúng ta là phản đối điều này vì điều này đã vi phạm Điều 5 của Tuyên bố DOC, tức là Tuyên bố về thái độ ứng xử của các bên liên quan ở Biển Đông mà Trung Quốc là một bên ký kết với các nước ASEAN. Lập trường này Người phát ngôn Bộ Ngoại giao của chúng ta đã nhiều lần nêu rõ.

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN vừa rồi, thay mặt Chính phủ Việt Nam, tôi đã phát biểu lập trường này ở các Hội nghị. Tôi nhấn mạnh là các hội nghị, gồm Hội nghị Cấp cao 10 nước ASEAN, Hội nghị Cấp cao 10 nước ASEAN với 8 nước, gọi là Cấp cao Đông Á, có Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ, Mỹ, Australia, Hàn Quốc… Rồi tại Hội nghị ASEAN với 3 nước là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Ở Hội nghị ASEAN với từng nước, và ASEAN với Liên Hợp Quốc tôi cũng đã phát biểu lập trường này của Việt Nam. Tôi đã phát biểu lập trường này của Việt Nam trước các hội nghị quốc tế. Đó là chủ trương, thái độ của chúng ta trước việc này. Chúng ta đã công khai bày tỏ rõ ràng lập trường của mình.

Kính thưa Quốc hội,

Thời gian trả lời dành cho tôi đã hết, bây giờ còn Đại biểu Nguyễn Thị Khá, Nguyễn Thị Kim Tuyến, Hồ Thị Cẩm Đào, tôi xin gửi trả lời chất vấn đến các Đại biểu bằng văn bản và như các lần trước, sẽ đăng công khai trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Xin cảm ơn các đồng chí./.

Theo Chinhphu.vn

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,340

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]