Người dân sắp được vào theo dõi Quốc hội họp?

27/11/2014 08:47 AM

Chủ nhiệm Ủy ban Thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi cho biết, ông ủng hộ việc để cử tri vào chứng kiến các buổi họp Quốc hội và thực tế, Quốc hội cũng đang hướng đến điều đó.

Theo ông Đào Trọng Thi, khi Quốc hội đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, cử tri có thể vào theo dõi các buổi họp của Quốc hội. Người dân có thể ngồi ở tầng trên để quan sát xuống nơi các đại biểu Quốc hội làm việc. “Quốc hội là diễn đàn công khai nên bất cứ người dân nào cũng có thể vào xem với sự chấp hành quy định về an ninh”, ông Đào Trọng Thi nói.

Có mặt tại hội trường nhấn nút thông qua các quyết sách là thể hiện trách nhiệm của đại biểu

Liên quan đến vấn đề nhiều đại biểu Quốc hội vắng mặt trong các buổi họp của Quốc hội, ông Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Thanh thiếu niên nhi đồng - thông tin, không phải do đại biểu vắng nhiều tại các phiên họp mà phải dùng thẻ thông minh. Thiết bị này đã có trong kế hoạch khi thiết kế, xây dựng nhà Quốc hội mới.

Với thiết bị đó, trong kỳ họp tới việc đại biểu có mặt hay không đều được giám sát tự động. Về công nghệ hiện đại này, ông Thi cho rằng, đây là việc làm tốt vì có thực trạng đại biểu vắng mặt nhưng vẫn được người khác bấm nút biểu quyết hộ.

Đánh giá về việc đại biểu vắng mặt nhưng được người khác nhấn nút hộ, ông Đào Trọng Thi nói: “Trong trường hợp bất khả kháng mà đại biểu không tham dự đầy đủ các cuộc họp thì có thể chấp nhận được, nhưng không nên nhờ người khác bỏ phiếu, nhấn nút hộ vì việc này liên quan đến trách nhiệm của đại biểu khi tham gia vào các quyết định lớn của đất nước”.

Ông Đào Trọng Thi còn cho rằng, việc dùng thẻ thông minh ngoài các công việc thông thường thể hiện sự có mặt của đại biểu ở nghị trường, nó còn ghi nhận quyền của đại biểu trong các quyết sách của đất nước.

Việc bỏ phiếu, nhấn nút thông qua một vấn đề gì đó, ông Đào Trọng Thi nhìn nhận đây là một quyền đặc biệt của các đại biểu, được cử tri ủy quyền. “Bỏ phiếu, nhấn nút ở hội trường là quyền của đại biểu. Cũng phải thấy rằng quyền được có mặt, phát biểu và bỏ phiếu, chứ không phải là nghĩa vụ của đại biểu”, ông Đào Trọng Thi phân tích thêm.

Dẫu vậy, ông Đào Trọng Thi cũng cho rằng không nên quy định ngặt nghèo chuyện đi họp đông đủ trên hội trường, mà điều quan trọng ở đây là chất lượng đóng góp của đại biểu cho Quốc hội. Còn nếu đại biểu cả kỳ không vắng mặt buổi nào nhưng không đóng góp ý kiến gì trên nghị trường thì cũng phải xem xét lại trọng trách mà cử tri giao cho họ.

Điều được ông Đào Trọng Thi đặt ra hiện nay phải nghiên cứu để đại biểu phát huy năng lực, có những đóng góp thực chất để đáp ứng niềm tin của cử tri.

Trước đó, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, từ kỳ họp sau, mỗi đại biểu được phát một thẻ, khi vào họp, đại biểu cắm chiếc thẻ đó vào khe trên mặt bàn ở chỗ ngồi của mình để khởi động được tất cả các hệ thống như điện, máy tính, nút bấm điện tử để biểu quyết trên bàn làm việc. Việc cắm thẻ cũng để điểm danh đại biểu.

Quang Phong

Theo Dân trí

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,240

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]