ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) - Ảnh: Ngọc Thắng
ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) cho rằng hiện nay các bộ, ngành vẫn là cơ quan soạn thảo pháp luật (lập quy) chủ yếu. “Tuy nhiên, quy trình soạn thảo văn bản hiện hành cho thấy rõ những bất cập về chất lượng văn bản pháp luật (VBPL) khi các bộ, ngành vừa là cơ quan đề xuất, soạn thảo, vừa là cơ quan ban hành văn bản hướng dẫn và tổ chức thực hiện quản lý nhà nước. Do vậy, có một xu hướng tự nhiên nhiều chính sách đã dành thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước, đẩy khó khăn cho các đối tượng chịu sự điều chỉnh của văn bản, nhưng không có một cơ chế nào hạn chế hệ quả của việc này”, ông Lộc nói.
Cần được thể chế hóa
ĐB Lộc đề nghị, dự thảo luật cần có quy định giới hạn thẩm quyền ban hành VBPL của các bộ, ngành, địa phương để bảo đảm tập trung thực thi đầy đủ quyền lập pháp của QH và quyền ban hành văn bản hướng dẫn luật của Chính phủ.
Song song với việc giới hạn thẩm quyền các bộ, ngành, theo các ĐB, cần thúc đẩy sự tham gia của người dân, DN vào việc xây dựng chính sách.
“Hệ thống VBPL từ cấp tỉnh trở lên đã khá chi tiết, không cần cấp dưới quy định chi tiết, cụ thể hóa hơn. Nhất là việc bỏ quyền này của cấp xã, huyện sẽ tinh gọn được một số lượng lớn VBPL, giảm đáng kể công việc phải thống kê, báo cáo, rà soát, kiểm tra cho cơ quan tư pháp cơ sở, để dành nguồn lực này cho các công việc khác” ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) |
ĐB Nguyễn Thị Huệ (Đắk Lắk) cho rằng dự thảo luật cần có quy trình tiếp nhận sáng kiến pháp luật của các tổ chức, cá nhân đối với các VBPL của tất cả các cơ quan nhà nước. “Hiện nay chỉ có Chính phủ, TAND tối cao, Viện KSND tối cao, Kiểm toán Nhà nước và một số tổ chức có quyền trình QH dự án luật, pháp lệnh. Còn các văn bản loại khác dưới luật thì không quy định về trình tự, thủ tục trình sáng kiến pháp luật, nên các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, người dân không biết phải đề xuất sáng kiến với ai”, ĐB Huệ nói. “Cần phải lấy ý kiến của đại diện các đối tượng đó một cách trực tiếp như gửi văn bản, tránh việc lấy ý kiến trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ, của các bộ như hiện nay rất hình thức và không hiệu quả”, ĐB Huệ nói thêm.
Đồng tình với ĐB Huệ, ĐB Vũ Tiến Lộc nói hiện nay, nhiều cơ quan soạn thảo cung cấp thiếu thông tin cho người dân và doanh nghiệp khi góp ý dự thảo chính sách, chỉ đưa dự thảo đầu mà “giấu” dự thảo cuối, không tiếp thu ý kiến. Ông Lộc đề nghị: “Ngay trong luật này, quyền tham gia của người dân và doanh nghiệp vào quá trình ban hành VBPL cần được thể chế hóa đầy đủ”.
“Không cần cấp dưới cụ thể hóa hơn”
Một số ĐB cho rằng ban soạn thảo không nên bỏ quy định cấp xã, huyện không được ban hành VBPL như dự kiến.
ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) nói: “Thực tế, cấp huyện, xã ít ban hành VBPL nhất, có nhiều nơi, cấp xã chưa ban hành văn bản nào nhưng hiện chúng ta có hơn 700 đơn vị cấp huyện và hơn 11.000 cấp xã, sẽ có nhiều đơn vị có nhu cầu ban hành VBPL nếu không có quyền ban hành, trong nhiều tình huống khẩn thì xử lý công việc thế nào?”.
Tuy nhiên, ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) phản ứng: “Nên bỏ, vì chính quyền cấp huyện, xã là chính quyền cơ sở, chủ yếu triển khai VBPL của cấp trên, rất ít khi ban hành VBPL. Hơn nữa, hệ thống VBPL từ cấp tỉnh trở lên đã khá chi tiết, không cần cấp dưới quy định chi tiết, cụ thể hóa hơn. Nhất là việc bỏ quyền này của cấp xã, huyện sẽ tinh gọn được một số lượng lớn VBPL, giảm đáng kể công việc phải thống kê, báo cáo, rà soát, kiểm tra cho cơ quan tư pháp cơ sở, để dành nguồn lực này cho các công việc khác”.
ĐB Nguyễn Doãn Khánh (Phú Thọ) cũng ủng hộ: “Không nên quy định cấp huyện, cấp xã có thẩm quyền ban hành văn bản, vì đây là cấp không được phân cấp ra chính sách nên không có nhu cầu thể chế hóa chính sách thành pháp luật”. “Thực tế nhóm này cũng không có thẩm quyền ban hành các quy phạm pháp luật mới. Cho nên, việc ban hành văn bản trên thực tế là sao chép một cách không đầy đủ các quy phạm pháp luật từ các văn bản T.Ư và cơ quan cấp trên. Dẫn đến việc chồng chéo nhiều lượng văn bản chúng ta không kiểm soát được, tình trạng vi hiến, vi phạm pháp luật thì khá phổ biến”, ông Khánh lập luận.
Khai thác tài nguyên biển gắn với an ninh quốc phòng Chiều 27.11, QH đã thảo luận về dự án luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. ĐB Nguyễn Hoài Phương (Tây Ninh) đề nghị bổ sung các nguyên tắc, căn cứ mang tính an ninh quốc phòng để sử dụng khai thác vùng bờ. “Đảm bảo quốc phòng an ninh phải đưa vào nguyên tắc quản lý tài nguyên môi trường và chiến lược phát triển bền vững tài nguyên môi trường biển đảo”, ĐB Phương nói. Trong khi đó, ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) nhận xét dự án luật nói về tài nguyên môi trường, biển đảo nhưng “phần về đảo chưa rõ”. “Trong luật quy định về đảo, quần đảo, hải đảo chưa rõ, chưa thuyết phục và chưa tương xứng thực trạng về các đảo thuộc chủ quyền của chúng ta”, ông Hoàng nói. ĐB Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận) cho rằng: “Dự án luật mới chỉ nêu tài nguyên vùng bờ và vùng hải đảo trong khi chưa nêu tài nguyên vùng biển, là nơi dồi dào tài nguyên và cũng ảnh hưởng nhiều tới vấn đề an ninh quốc phòng”. “Cần phải có chương riêng về tài nguyên biển. Tài nguyên vùng bờ tương đối chi tiết trong khi tài nguyên hải đảo nêu lại chung chung. Chiến lược khai thác hải đảo thiếu nội dung về an ninh, quốc phòng, cần bổ sung các căn cứ khi lập chiến lược khai thác tài nguyên vùng hải đảo”, ông Niễn nói. |
Hà Nguyễn