>> Số ngày nghỉ của người lao động Việt Nam còn thấp hơn mức bình quân trong khu vực
>> Tiền lương được quan tâm đặc biệt
Người lao động tự chọn thời gian nghỉ linh hoạt
Chính phủ trình bày, việc tăng thời gian nghỉ thai sản lên 6 tháng là để bảo đảm sức khỏe của lao động nữ và trẻ sơ sinh, phù hợp với khuyến nghị "nuôi con từ 0 - 6 tháng tuổi hoàn toàn bằng sữa mẹ" của Tổ chức sức khoẻ thế giới (WHO) và Quỹ nhi đồng Liên Hiệp quốc UNICEF.
Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo luật cho rằng việc việc xác định thời gian nghỉ thai sản phải căn cứ vào nhiều yếu tố như: thể chất của lao động nữ Việt Nam, khả năng thanh toán của Quỹ bảo hiểm xã hội, cung cầu lao động… Chính phủ ủng hộ quan điểm tăng thời gian nghỉ lên 6 tháng nhưng phải có lộ trình, bảo đảm không tạo rào cản cho lao động nữ tham gia thị trường lao động, tính toán đến khả năng chi trả của Quỹ bảo hiểm xã hội.
Chính phủ đề xuất tăng thời gian nghỉ thai sản từ 4 tháng theo quy định hiện hành lên 5 tháng đối với lao động nữ làm việc trong điều kiện bình thường; tăng thời gian nghỉ chế độ thai sản từ 5 tháng lên 6 tháng đối với lao động nữ làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho biết, trong điều kiện hiện nay, nếu thời gian nghỉ thai sản là 6 tháng, theo tính toán của cơ quan Bảo hiểm xã hội thì Quỹ bảo hiểm xã hội hoàn toàn có thể cân đối được.
Bà Mai cũng phân tích, chính sách này, nêu mục đích chính hướng tới trẻ em thì không nên phân biệt thời gian nghỉ 5 hay 6 tháng đối vời lao động nữ ở các khu vực khác nhau, nên thống nhất chung mức “cao”.
Cơ quan thẩm tra đề xuất nên quy định linh hoạt, đưa ra mức sàn tối thiểu 4 tháng và cho phép thời gian nghỉ thai sản tối đa là 6 tháng. Trên cơ sở đó, tùy điều kiện cụ thể, lao động nữ có quyền lựa chọn, quyết định thời gian nghỉ 4 - 6 tháng cuộc sống của mình.
Ủng hộ quan điểm này, UB Thường vụ QH thống nhất điều chỉnh dự thảo luật, quy định thời gian nghỉ 6 tháng và người lao động có thể đi làm sớm sau 4 tháng.
Về vấn đề làm thêm giờ, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Trần Thị Hải Chuyền đề nghị theo hướng tăng thời giờ làm thêm tối đa cho người lao động. Mức khống chế tối đa là không quá 50% số giờ làm việc chính thức trong một ngày và không quá 30 giờ/tháng, tương đương 360 giờ/năm (cao hơn mức 200 giờ trong một năm như quy định hiện hành).
Cơ quan soạn thảo “bác” quan điểm bảo vệ quy định cũ, quy định giới hạn thời lượng làm thêm để tạo việc làm cho nhiều người lao động đang thiếu việc, tránh việc lợi dụng của người sử dụng lao động liên tục huy động làm thêm giờ để không tuyển thêm lao động và giảm bớt chi phí cho người sử dụng lao động do tiền làm thêm giờ không phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế...
Bộ LĐ-TB&XH lập luận, việc tăng thời giờ làm thêm tối đa tạo điều kiện cho người lao động có thêm thu nhập trong điều kiện thực tế do thu nhập còn thấp, người lao động Việt Nam có nhu cầu làm thêm để tăng thêm. Theo số liệu Tổng LĐLĐ Việt Nam cung cấp, mức lương người lao động thực nhận hiện nay ở các doanh nghiệp chỉ đáp ứng khoảng 60-70% nhu cầu sống tối thiểu.
Mặt khác, tiền lương trong thời gian làm thêm giờ được quy định cao hơn bình thường, đỏi hỏi người sử dụng lao động phải hết sức cân nhắc về mặt chi phí giữa việc yêu cầu người lao động làm thêm giờ và việc tuyển dụng lao động mới.
Nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại việc tăng thời giờ làm thêm sẽ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp lợi dụng giờ làm thêm để cắt giảm tiền lương trong thực tế, giảm bớt chi phí đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, khai thác triệt để sức lao động, dẫn đến hậu quả người lao động sẽ cạn kiệt sức lao động sớm hơn so với độ tuổi lao động hiện hành.
UB các vấn đề xã hội ủng hộ việc tăng số thời giờ làm thêm như dự thảo luật nhưng có giới hạn chỉ cho phép làm thêm giờ trong một số ngành, nghề cụ thể, theo độ tuổi nhất định và phải quy định tiền lương làm thêm giờ cao hơn mức hiện hành.
P.Thảo