Đại diện 18 hộ dân đang họp bàn khởi kiện UBND huyện ra toà |
Ngoài ra, việc bố trí tái định cư không tương xứng, phù hợp như cam kết nơi ở mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Đất canh tác không đảm bảo như yêu cầu của người dân.
Ông Phan Văn Bửu (trú thôn 6, xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My) cho biết, hộ gia đình ông cũng như 17 hộ còn lại kiên quyết không di dời ra khỏi lòng hồ và quyết bám trụ để bảo vệ tài sản. Mặc dù nước lòng hồ đã dâng nhấn chìm nhà.
'Nước lòng hồ thuỷ điện Sông Tranh 2 đã nhấn chìm nhà ở và đất canh tác của chúng tôi. Thế nhưng chủ đầu tư và huyện cứ khăng khăng nói do thiên nhiên' - ông Bửu cho hay.
Được biết, công trình thủy điện Sông Tranh 2 khi triển khai xây dựng có 1.046 hộ dân của 2 huyện Nam Trà My và Bắc Trà My bị ảnh hưởng, phải di dời.
Qua 6 năm đầu tư xây dựng, chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án thủy điện 3) đã thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho dân bị ảnh hưởng trên 317 tỷ đồng cho trên 1 ngàn hộ.
Trong quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (bổ sung) cho 38 hộ bị thiệt hại tại công trình thủy điện Sông Tranh 2 nằm trên huyện Nam Trà My (hơn 860 triệu đồng) có thông tin rằng, hộ dân nào không đồng ý nhận tiền có thể kiện ra tòa án.
Vì thế, 18 hộ dân không chấp nhận tiền đền bù đã khởi kiện ra toà để đòi quyền lợi chính đáng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Lê Ngọc Kích cho biết, người dân có quyền khởi kiện ra toà dân sự khi họ cho rằng quyền lợi của họ chưa thoả đáng. Việc còn lại là chờ sự phán xét của toà án sau khi thụ lý.
Trong cơn bão số 5 vừa qua, lũ lụt xuất hiện, nước hồ chứa thuỷ điện dâng cao đã nhấn chìm nhà ở của 18 hộ dân này, chính quyền địa phương đã buộc phải cưỡng chế đưa họ đến nơi an toàn.
Vũ Trung