Chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp

03/02/2015 08:50 AM

Để chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp, cần công khai các bản án oan sai để bản thân những người thực hiện án nhận thức rõ trách nhiệm của mình đối với xã hội.

Hội thảo khu vực phía Nam về “Thực trạng và giải pháp phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp”. Ảnh VGP/Phan Hoàng

Ngày 2/2, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương tổ chức hội thảo khu vực phía Nam về “Thực trạng và giải pháp phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp”.

Tại hội thảo, các đại biểu đã góp ý các đề án về thực trạng và giải pháp phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp của Viện Kiểm sát Nhân dân, Tòa án, Công an, Quân đội, các hoạt động do Bộ Tư pháp quản lý và trong hoạt động hành nghề luật sư.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, việc phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp gặp khó, nguyên nhân là do hệ thống văn bản pháp luật hiện nay vẫn chưa thực sự đồng bộ, các văn bản hướng dẫn pháp luật chưa đầy đủ, dẫn đến việc nhận thức, xử lý và xét xử vụ án theo nhiều hướng khác nhau, dễ dẫn đến tiêu cực.

Bên cạnh đó, các yếu tố khác như thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp; thiếu các quy định bảo vệ người tố cáo hành vi tiêu cực,… cũng đang làm công tác quan trọng này thêm phần khó khăn.

Theo ông Trần Huy Hùng - Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh Đồng Nai, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp, cần xây dựng và hoàn thiện các thể chế pháp lý, các luật về tố tụng liên quan đến công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; ban hành văn bản quy định chặt chẽ trong từng ngành về quy chế, quy trình nghiệp vụ; quy định về thanh tra, kiểm tra.

Ông Nguyễn Thống Nhất - Viện trưởng VKSND Thành phố Cần Thơ cũng cho rằng, cần tập trung nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức trong ngành tư pháp qua việc học tập, triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, vinh danh cũng như có mức đãi ngộ phù hợp đối với những cán bộ có nhiều đóng góp cho ngành Tư pháp nước nhà.

Còn theo luật sư Nguyễn Đình Thơ - Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa, bên cạnh việc tạo chuyển biến trong việc xây dựng văn bản pháp luật, tôn vinh giá trị nghề tư pháp trong xã hội, phải tăng cường quy chế kiểm tra kiểm soát trong nội bộ từng ngành và kiểm tra từ bên ngoài, thông qua sự giám sát của các cơ quan dân cử, giám sát xã hội của Mặt trận Tổ quốc và giám sát của các cơ quan ngôn luận.

Để chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp một cách có hiệu quả, cần sớm công khai các bản án oan sai để bản thân những người thực hiện án nhận thức rõ trách nhiệm của mình đối với xã hội.

Đồng thời tổ chức điều tra, làm rõ nguyên nhân “đằng sau” những bản án oan, nếu phát hiện tiêu cực phải có biện pháp xử nghiêm để nâng cao tính răn đe của pháp luật.

Phan Hoàng

Theo chinhphu.vn

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,863

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]