Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu tăng cường tuyên truyền cho nhân dân và toàn xã hội hiểu về mục đích, ý nghĩa, lợi ích của kỳ thi THPT quốc gia, những khó khăn có thể gặp phải và hướng xử lý. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
* Việc chuẩn bị tổ chức kỳ thi THPT quốc gia phải lường hết các khó khăn và có phương án xử lý, không để bị động, không được chủ quan với mục tiêu đảm bảo tổ chức kỳ thi tốt nhất. Đây là yêu cầu chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sau khi nghe lãnh đạo Bộ GD&ĐT báo cáo về công tác chuẩn bị kỳ thi THPT quốc gia năm 2015.
Thủ tướng cho rằng công tác chuẩn bị đổi mới thi cử đã đáp ứng các yêu cầu cơ bản, tạo sự đồng thuận cao trong phương án tổ chức. Trong đó, mục tiêu cao nhất là tạo điều kiện thuận lợi tối đa, giảm tốn kém cho xã hội, từng bước hội nhập với cách thức tổ chức học và thi của các nước tiên tiến trên thế giới. Tuy nhiên, đổi mới nhưng vẫn phải đảm bảo quyền cũng như nguyện vọng học tập và thi cử của mọi học sinh trong cả nước.
* Trong buổi làm việc giữa Chính phủ với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh yêu cầu phối hợp giải quyết tốt hơn tình trạng nợ đọng tiền lương của người lao động, nợ bảo hiểm của người lao động...; những quyền và lợi ích chính đáng của người lao động phải được bảo vệ tốt hơn.
Thủ tướng cũng đề nghị Chính phủ và Tổng liên đoàn Lao động tiếp tục tăng cường phối hợp hơn nữa trong công tác xây dựng pháp luật, chính sách có liên quan đến công nhân, viên chức, người lao động, phối hợp trong công tác truyên truyền, giáo dục pháp luật, ý thức lao động, phối hợp tốt hơn trong xử lý các kiến nghị, các vấn đề bức xúc của người lao động.
*Phát biểu tại buổi làm việc với Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào hoạt động sản xuất kinh doanh; phấn đấu xây dựng Viettel trở thành tập đoàn viễn thông hàng đầu của đất nước, khu vực và cạnh tranh quốc tế.
“Viettel phải đặc biệt quan tâm tập trung vào ngành nghề chính, đó là viễn thông, công nghệ thông tin, sản xuất thiết bị viễn thông, các thiết bị công nghệ cao… và thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ quốc phòng được quân đội giao. Muốn mạnh, muốn phát triển bền vững phải tập trung vào những lĩnh vực, ngành nghề chính”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ.
* Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tỉnh Lạng Sơn phải coi công tác phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của địa phương.
Đi thị sát và làm việc với tỉnh Lạng Sơn về công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, phòng chống tội phạm, cải cách hành chính trên địa bàn, Phó Thủ tướng yêu cầu kết hợp chặt chẽ các lực lượng chức năng trong tuần tra, kiểm soát, nắm chắc địa bàn; xác định cụ thể trách nhiệm của từng lực lượng chức năng trong phối hợp công tác; tăng cường công tác tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân không tham gia, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại.
* Trước tình trạng hạn hán, thiếu nước đang xảy ra nghiêm trọng ở Nam Trung bộ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã trực tiếp đi thị sát, kiểm tra và chỉ đạo các biện pháp tổng lực chống hạn trên một số điểm nóng của Ninh Thuận và Khánh Hòa.
Đánh giá tình hình hạn hán đang rất nghiêm trọng, khô hạn kỷ lục trong 10 năm trở lại đây đang gây thiệt hại lớn cho nông nghiệp, chăn nuôi và sinh hoạt người dân, Phó Thủ tướng chỉ đạo những biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa, bao gồm nạo vét, đào thêm ao, giếng, vận tải cấp nước, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn nước, thay đổi cơ cấu cây trồng, di chuyển vật nuôi, phòng chống dịch bệnh, cháy rừng.
Trên tinh thần “Dù thiếu, nhưng tuyệt đối không để dân đói, dân khát”, Phó Thủ tướng đồng ý hỗ trợ 40 tỷ đồng để thực hiện các biện pháp cứu đói, cấp nước cùng 30 tấn ngô giống, 300 tấn gạo cho người dân ở các khu vực đặc biệt khó khăn.
* Chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia về cải cách chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng, cải cách tiền lương theo đúng nghĩa chưa đạt, lương cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu tối thiểu của cuộc sống. Cải cách đơn vị sự nghiệp còn chậm. Từ đó tạo nguồn cải cách tiền lương chưa có gì đột phá.
Để tạo nguồn lực cho cải cách tiền lương ở khu vực doanh nghiệp, Phó Thủ tướng đề nghị dứt khoát làm theo một lộ trình tăng lương, tiếp tục rà soát các quy định về tiền lương trong doanh nghiệp để bổ sung cho hợp lý. Ngoài ra các Bộ, ngành kiểm soát việc tuyển lao động của doanh nghiệp Nhà nước để tránh phình biên chế. Đối với khối đơn vị sự nghiệp phải quyết liệt việc đổi mới, tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính cân đối ngân sách trong giai đoạn 2016-2020 để nghiên cứu nguồn điều chỉnh tiền lương.
* Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Tổ chức cấp quốc gia kỷ niệm các ngày lễ lớn trong 2 năm 2014-2015 nhấn mạnh yêu cầu về sự trang trọng nhưng phải tiết kiệm trong công tác tổ chức các ngày lễ lớn của năm 2015, trước hết là Lễ Kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
* Các cơ quan Bộ ngành, chính quyền các cấp tích cực, chủ động hơn nữa trong xây dựng môi trường làm việc và văn hóa ứng xử, giao tiếp lịch sự với nhân dân, gắn với cải cách hành chính cho đội ngũ cán bộ, công chức ở cả trong lẫn ngoài công sở - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu ra trong cuộc họp Ban Chỉ đạo TƯ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu lựa chọn những tiêu chí trọng tâm, chung nhất để đánh giá phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” để phát động thi đua, truyền thông, kiểm tra thực hiện cũng như xác định những chủ đề cụ thể về xây dựng đời sống văn hóa trong từng năm, từng thời kỳ cụ thể thời gian tới.
* Tại cuộc làm việc thường niên giữa 3 cơ quan Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương và Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, ngoại giao Nghị viện, ngoại giao nhân dân đã góp phần triển khai công tác đối ngoại của đất nước một cách chủ động, tích cực, hoàn thành tốt các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Quốc hội giao phó, đóng góp tích cực vào thành tựu chung của đất nước năm 2014.
Phó Thủ tướng đề nghị các cơ quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ, chủ động và tích cực hơn nữa trong năm 2015, năm có ý nghĩa quyết định trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XI, chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ XII. Trong đó có việc đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện với trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế; tiếp tục bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền đất nước đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển; tiếp tục đưa quan hệ với các đối tác quan trọng đi vào chiều sâu, ổn định và thực chất hơn nữa; đẩy mạnh công tác đối ngoại đa phương một cách chủ động, tích cực. Đặc biệt, 3 cơ quan cần phối hợp tổ chức thành công Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới IPU 132 vào cuối tháng 3 này, coi đây là nhiệm vụ đối ngoại trọng tâm hàng đầu trong năm 2015.
* Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có chuyến công tác tại Tây Nguyên, thăm và làm việc tại các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắc, Gia Lai, Kon Tum về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng và đối ngoại của các địa phương.
Phó Thủ tướng đã có các cuộc trao đổi, chỉ đạo về một số biện pháp, trong đó có những việc đặc thù của Tây Nguyên như vấn đề di cư tự do, kết hôn không giá thú, việc mở và nâng cấp các cửa khẩu thông thương với Campuchia và Lào, giao lưu thương mại, xây dựng hạ tầng biên giới, thúc đẩy giao lưu kinh tế, văn hóa, phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo khu vực biên giới./.
Nguyên Linh (tổng hợp)