Lưu thông thế nào qua trạm thu phí dùng thẻ E-tag?

16/03/2015 14:37 PM

Đến năm 2020, Bộ GTVT sẽ chuyển đổi toàn bộ việc thu phí trên tất cả các làn sang công nghệ mới không dừng...

Ngày 13/3, trạm thu phí không dừng theo công nghệ ETC đầu tiên được chạy thử nghiệm và dự kiến đưa vào hoạt động ngày 30/4 trên QL1 (Quảng Bình). Trước khi áp dụng rộng rãi công nghệ này sẽ vẫn tồn tại hình thức thu phí truyền thống. Câu hỏi đặt ra là việc thu phí đối với các xe chưa có thẻ trong thời gian chưa chuyển đổi hoàn toàn sẽ được thực hiện như thế nào?

Xe qua trạm thu phí không dừng theo công nghệ ETC đang chạy thử nghiệm tại Trạm thu phí QL1 qua Quảng Bình

Tồn tại song song hai hình thức

Theo lộ trình, đến năm 2020 Bộ GTVT sẽ chuyển đổi toàn bộ việc thu phí trên tất cả các làn sang công nghệ mới không dừng trên tất cả các tuyến cao tốc, quốc lộ. Theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, việc triển khai công nghệ thu phí tự động được áp dụng theo công nghệ của Mỹ. Đây là công nghệ được đánh giá hiện đại nhất thế giới và Đài Loan là quốc gia đã áp dụng rất hiệu quả công nghệ này.

“Bộ GTVT đã làm việc với Đài Loan để chuyển giao công nghệ này. Trong tháng 3/2015, ba trạm thí điểm trên QL1 qua Quảng Bình, Nghệ An và QL14 qua Đắk Nông sẽ được đưa vào hoạt động. Sau thời gian thử nghiệm sẽ có những đánh giá tổng thể để hoàn thiện công nghệ. Tiếp sau đó, trong năm 2015, tất cả các trạm BOT trên QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên sẽ áp dụng đồng loạt, ít nhất một trạm sẽ có một đến hai cửa thu phí tự động. Phấn đấu đến năm 2020, sẽ đưa tất cả các cửa vào hoạt động. Việc áp dụng công nghệ này sẽ tiết kiệm được rất nhiều nguồn nhân lực và tính chính xác trong việc thu phí tự động”, Thứ trưởng Trường cho biết.

Dự án thu phí tự động không dừng (ETC) được thực hiện bởi Công ty CP Tasco và Ngân hàng BIDV tổ chức triển khai thử nghiệm và vận hành toàn bộ hệ thống, Viettel là đơn vị cung cấp giải pháp CNTT tổng thể. Theo đó, Viettel chịu trách nhiệm xây dựng và phát triển hạ tầng CNTT và tích hợp các giải pháp giám sát và thu phí tự động không dừng. Đơn vị lắp đặt trạm thu phí trên QL1 qua Quảng Bình là Công ty CP Phần mềm - Tự động hóa - Điều khiển (Cadpro JSC).

Để đảm bảo việc thu phí được thuận tiện và chuyển đổi dần dần công nghệ, việc thu phí hiện tại sẽ được áp dụng song song cả hình thức thu phí tự động lẫn cách thức truyền thống (thu phí một dừng bằng bán vé). Vì thế theo ông Hồ Trọng Vinh, Giám đốc Dự án thu phí tự động của Tasco, chủ đầu tư dự án: “Nhà đầu tư đã tính đến các phương án xe qua trạm cho cả làn thu phí tự động và hỗn hợp. Việc tính toán này để bảo đảm cả những xe chưa có thẻ E-Tag (thẻ định danh, được phát miễn phí sau khi nạp tiền tài khoản) có thể lưu thông bình thường”.

Cụ thể, quá trình thu phí sẽ xảy ra những tình huống sau: Xe con có dán thẻ trên kính và trên đèn, tài khoản còn đủ tiền sẽ đi vào làn thu phí hỗn hợp. Khi đó barie sẽ tự động mở ra. Thời gian lưu thông qua trạm sẽ chỉ mất khoảng 5 giây; Trong trường hợp xe con có thẻ E-Tag dán trên kính nhưng không còn đủ tiền đi vào làn hỗn hợp, barie sẽ không mở và hệ thống tự động chuyển sang chế độ thu phí một dừng bình thường; Trường hợp xe con không có thẻ E-Tag, đi vào làn hỗn hợp, hệ thống cũng sẽ chuyển sang chế độ thu phí một dừng bình thường; Với trường hợp xe tải có dán thẻ trên kính và tài khoản còn đủ tiền, barie cũng sẽ tự động mở.

Cũng theo ông Vinh, tất cả các xe thực hiện việc thu phí tự động qua tài khoản sau khi qua trạm, thực hiện xong việc trả phí, chủ tài khoản được hệ thống tự động nhắn tin qua tài khoản số tiền bị khấu trừ để lái xe kiểm soát được số dư trong tài khoản.

Tránh thất thoát cho nhà đầu tư

Theo ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tasco, việc áp dụng công nghệ thu phí không dừng (ETC) và kiểm soát tải trọng xe trên QL1, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên theo hình thức hợp đồng BOT còn nhằm đảm bảo yêu cầu cung cấp dịch vụ thu phí hiện đại, minh bạch, tránh tiêu cực, thất thoát và hướng tới sự hài lòng cao nhất cho người tham gia giao thông.

Cụ thể, nhà đầu tư tránh được thất thoát, tiêu cực và tiết kiệm được rất nhiều khoản chi phí cho công tác in vé. Các chủ phương tiện tiết kiệm được nhiên liệu, thời gian lưu thông vì không phải dừng lại để trả tiền. Còn các cơ quan quản lý đường bộ không chỉ giảm được chi phí sửa chữa cầu đường mà còn tiết kiệm chi phí cho các trạm cân lưu động và nhân lực cho các trạm thu phí thủ công.

Cả hai hệ thống thu phí và kiểm soát tải trọng được tích hợp đồng bộ với nhau và được kiểm soát bởi một trung tâm điều hành do Bộ GTVT quản lý. Hơn nữa, việc sử dụng hệ thống cân động còn góp phần tiết kiệm ngân sách do giảm bớt lực lượng cán bộ hoạt động thường xuyên bất kể ngày đêm tại các trạm cân và mang lại hiệu quả cao hơn trong quá trình kiểm soát tải trọng xe.

Theo đại diện Công ty CP Tasco, thời gian đầu, tại các trạm thu phí sẽ vẫn duy trì việc thu phí một dừng thủ công, kèm theo đó là cabin và thanh chắn barier. Đến khi người dân đã quen với công nghệ thu phí tự động, Tasco sẽ tháo bỏ cabin tại các trạm, thậm chí tháo bỏ thanh chắn barie. Khi đó, tốc độ tối đa của một xe khi qua trạm có thể đạt tới 80 km/h.

Tiến Mạnh

Theo Báo Giao Thông

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,636

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]