Trồng mắc ca sẽ không gặp rủi ro trong 100 năm tới

25/03/2015 14:51 PM

Cho dù diện tích mắc ca có tăng gấp 30 lần hiện nay thì giá trị của hạt mắc ca vẫn không thay đổi.

Trồng cây mắc ca - một loại cây lấy hạt có giá trị kinh tế cao, được một số doanh nghiệp gọi là “cây tỉ đô”, đang là chủ đề được nông dân ở Tây Nguyên rất quan tâm. Một số người đã mạnh dạn đầu tư, dù chi phí cây giống ở đang ở mức 85.000 đồng/cây, đắt gấp 4 lần hồ tiêu và gấp khoảng 10 lần so với cà phê. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều người bối rối trước những thông tin trái chiều về giá trị thực sự và tương lai của loại sản phẩm này.

Để có thêm thông tin giúp nông dân xác định được hướng đi đúng, phóng viên VOV đã phỏng vấn ông Hoàng Tùng, Giám đốc Công ty CP Vinamacca - doanh nghiệp có vườn cây đầu dòng lớn tại Đắk Lắk – với nhiều mô hình thực tế và đã ký hợp đồng sản xuất, bao tiêu sản phẩm mắc ca với gần 1.000 hộ dân trên địa bàn tỉnh.

PV: Ông nghĩ sao về giá trị kinh tế của cây mắc ca ở Tây Nguyên, tại những vùng mà công ty đã triển khai? Đến giờ này đã có thể tính được lợi nhuận và lợi ích của nó chưa?

Ông Hoàng Tùng: Hiện tại việc triển khai trồng mắc ca mới là bước đầu, chưa thể khẳng định chính xác hiệu quả ở mức nào. Nhưng chắc chắn, hiệu suất trên đồng vốn là gấp 3 -5 lần so với đầu tư cho cà phê, bởi năng suất của mắc ca đã được khẳng định sẽ tăng dần theo độ tuổi.

Hạt mắc ca được đánh giá là tốt nhất trong tất cả các loại hạt của thế giới. (Ảnh: KT)

Với mô hình đang triển khai tại công ty, sau khi thử nghiệm một loại chế phẩm kích thích ra hoa đậu trái trên 16 cây. Kết quả cho thấy đã có những cây đạt 9kg, cây thấp nhất là 4kg trái/cây, tính trung bình là khoảng 6,5kg/cây, vượt xa với năng suất của Australia, năng suất trung bình năm thứ ba chỉ đạt khoảng 0,5kg/cây.

Thực tế ở Đắk Lắk hiện nay, năng suất trung bình của mắc ca khoảng 2kg/cây, kể cả những vườn có chăm sóc và những vườn mắc ca sinh trưởng tự nhiên. Đối với bà con trồng ở quy mô nhỏ, đến năm thứ tư đã có thể thu hồi vốn. Đặc biệt là những hộ trồng xen mắc ca với cà phê trước đây 3 - 4 năm, hiện tại đã có thể nói là có lãi, bởi giá hạt mắc ca trong tỉnh đang cao hơn rất nhiều so với giá thế giới.

PV: Không tính đến giá trị ảo do nhu cầu về cây giống, hiện đã có vườn mắc ca nào cho giá trị kinh tế thật sự hay chưa, thưa ông?

Ông Hoàng Tùng: Nếu nói về giá trị thật sự, vườn mắc ca của anh Thu ở Phú Lộc, Krông Năng, Đắk Lắk là một điển hình. Vườn này chỉ có hơn 100 cây mắc ca ghép, còn lại là cây thực sinh. Sau khi chặt cây thực sinh, vườn mắc ca đã cho năng suất rất tốt, khoảng 18kg hạt/cây.

Nếu tính giá bán mắc ca như ở Australia là 4,5 USD/kg, tương đương 90.000 đồng thì giá trị đã rất cao. Trên diện tích 5 sào, hiện gia đình đã thu khoảng 300 triệu đồng, cao hơn rất nhiều so với cà phê. Đây là hiệu quả kinh tế thật sự.

PV: Hiện có nhiều doanh nghiệp muốn trồng đến hàng chục nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn ha mắc ca. Liệu có rủi ro nào cho nông dân khi theo đuổi chương trình này cho đến khi lượng cung, cầu đã bão hòa?

Ô Hoàng Tùng: Nếu đánh giá nhu cầu về mắc ca đang lớn gấp 3 – 4 lần sản lượng cung là điều hoàn toàn sai. Giá trị dinh dưỡng của hạt mắc ca được đánh giá là tốt nhất trong tất cả các loại hạt của thế giới. Trong số 10 loại hạt tốt nhất thế giới hiện nay, sản lượng của hạt mắc ca chỉ chiếm 1,5%.

Ông chủ tịch hiệp hội mắc ca Australia cho rằng cho dù diện tích mắc ca có tăng gấp 30 lần như hiện nay thì giá trị của hạt mắc ca không thay đổi, nó không thể thấp hơn các loại hạt khác. Cho nên chúng tôi tin tưởng trồng mắc ca sẽ không gặp rủi ro trong 100 năm tới.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Theo Đình Tuấn (VOV)

Theo Người Lao Động

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,008

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]