Doanh nghiệp nông nghiệp “ngấm đòn” tỷ giá

17/04/2015 11:45 AM

Từ đầu năm đến nay, do sự sụt giảm mạnh của một số đồng tiền các nước khiến các doanh nghiệp ngành nông nghiệp cũng lao đao..


Tính đến giữa tháng 3-2015, tổng xuất khẩu thủy sản cả nước đạt 1,061 tỉ đô la Mỹ, giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: LÊ HOÀNG VŨ

Giảm, giảm và giảm

Kể từ tháng 5-2014, khi Nga bị cấm vận kinh tế, tình hình xuất khẩu dưa chuột muối và cà chua bi của Công ty TNHH Hội Vũ (Hà Nam) sang thị trường Nga giảm thảm hại. Ông Khuất Duy Hùng, thành viên Hội đồng quản trị của công ty, cho hay mặc dù công ty đã chủ động giảm 10-15% giá sản phẩm cho đối tác Nga nhưng tình hình tiêu thụ sản phẩm bên đó vẫn rất chậm. “Đối tác phía Nga cho hay, đồng rúp mất giá khiến giá sản phẩm cứ ba ngày phải tăng giá một lần, thậm chí có lúc phải đóng cửa hàng để ổn định giá cả”, ông Hùng kể.

Năm 2014, biết tình hình xuất khẩu sang Nga sẽ gặp khó khăn nhưng do đã ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với nông dân từ trước nên công ty vẫn phải mua dưa chuột và cà chua bi để muối dự trữ. “Làm vậy, tồn kho rất lớn, chất lượng dưa giảm nhưng không biết làm gì khác”, ông Hùng than. Hiện nay, công ty vẫn còn tồn tới hơn 170 container dưa chuột, cà chua bi chưa xuất khẩu được.

Tồn kho lớn, tiêu thụ chậm, khách hàng chậm thanh toán trong khi các chi phí trong nước như cước vận chuyển, nhân công... liên tục tăng khiến ông Hùng nhiều lúc thấy “kiệt sức”. Là một công ty nhỏ và vừa nhưng ước tính thiệt hại do đồng rúp giảm giá vừa rồi cũng khiến công ty mất hơn 10 tỉ đồng.

Ngân hàng Nhà nước nên cân nhắc neo đồng tiền Việt Nam trong một giỏ tiền tệ chứ không phải với một đồng đô la Mỹ như hiện nay.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trước đây, trồng dưa chuột bao tử, cà chua bi đem lại thu nhập khá cho người nông dân so với những loại cây thông thường. Ước tính, mỗi sào (360 mét vuông) nông dân có lãi khoảng 10 triệu đồng/vụ. Năm nay, doanh nghiệp khó khăn kéo theo việc thu mua nông sản chậm lại, giá giảm, có lúc chỉ còn 1.000 đồng/ki lô gam. Nhiều nơi, nông dân đã bỏ trồng dưa để trồng cây khác.

Ông Nguyễn Hữu Tài, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Chè Việt Nam, kiêm Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, cho hay Nga là thị trường tiêu thụ chè lớn của Việt Nam, chiếm khoảng 8-10% kim ngạch xuất khẩu hàng năm. Những tháng gần đây, phía đối tác gặp khó khăn lớn trong khâu thanh toán. Bình thường, chỉ ba tháng là họ thanh toán hết hợp đồng xuất khẩu nhưng giờ có khi đến chín tháng vẫn chưa trả. “Các doanh nghiệp trong hiệp hội đang phải chịu áp lực lớn về lãi suất và tiền phạt từ phía ngân hàng vì không xoay đủ tiền khi khoản nợ đáo hạn”, ông Tài kể.

Không chỉ thị trường Nga, các doanh nghiệp xuất khẩu sang châu Âu cũng đang phải gồng mình chịu đựng chờ qua thời điểm khó khăn hiện nay.

Ông Thái Bá Nam, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản miền Trung (Seaprodex Đà Nẵng), cho hay tình hình xuất khẩu thủy sản, đặc biệt là tôm, chưa bao giờ khó khăn như thời điểm này. Giá xuất khẩu giảm tới gần 30%. “Đặc biệt, cả tháng nay công ty chưa ký được đơn hàng mới nào”, ông Nam nói.

Xuất khẩu thủy sản giảm mạnh có hai nguyên nhân chính. Thứ nhất, liên quan đến chuyện tỷ giá. Cuối năm 2014, đồng euro và đồng yen mất giá tới hơn 20% khiến giá thủy sản Việt Nam sang những thị trường này đắt hơn so với trước đó. Mặt khác, trong khi đồng tiền của Việt Nam vẫn neo giá so với đô la Mỹ thì đồng tiền của các đối thủ cạnh tranh như Ấn Độ, Thái Lan lại được thả nổi. Đồng tiền của Ấn Độ đã mất khoảng 10% giá trị so với đô la Mỹ trong năm 2014. Như vậy, nghiễm nhiên giá thủy sản Việt Nam cao hơn tương đối so với giá thủy sản cùng loại tại các thị trường này.

Thứ hai, theo các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, năm nay, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia được mùa thủy sản, giá rớt mạnh kéo giá thủy sản của Việt Nam rớt theo.

Ông Thái Bá Nam cho hay, hiện nay, giá nguyên liệu tôm thẻ chân trắng bình quân đã giảm về mức 80.000 đồng/ki lô gam (loại 100 con) trong khi giá thành đã từ 80.000-85.000 đồng.

Doanh nghiệp bị động

Hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đều cho hay họ không sử dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá và chính sách bảo hiểm xuất khẩu. Để đối phó với sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu cũng như biến động tỷ giá, đa phần doanh nghiệp đều chọn giải pháp tiết giảm chi phí, giảm giá cho khách hàng đồng thời... chờ cho qua thời kỳ khó khăn.

Ông Thái Bá Nam cho hay công ty ông không biết làm gì khác vì đây là biến động kinh tế vĩ mô, ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp. “Công ty vẫn phải tiếp tục mua nguyên liệu, cố gắng giữ việc cho công nhân, tiết kiệm chi phí sản xuất chờ đợi thị trường qua tháng 5 xem có ấm lên không”, ông Nam hy vọng.

Còn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Nga, họ mong muốn có một cơ quan nhà nước đứng ra tổ chức thực hiện việc thanh toán bằng đồng nội tệ của nhau, giảm phụ thuộc vào việc thanh toán qua đồng đô la Mỹ. Tức doanh nghiệp Nga liên kết với doanh nghiệp Nga, doanh nghiệp Việt liên kết với doanh nghiệp Việt theo hình thức hàng đổi hàng. Theo đó, bên phía Việt Nam trả tiền Việt cho nhau còn phía bên Nga trả tiền rúp cho nhau.

Theo ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, trong kinh doanh có những yếu tố khách quan nên doanh nghiệp không thể kiểm soát hết được. Nhưng bên cạnh đó, doanh nghiệp trong nước cũng ít để ý, ít theo dõi và ít quan tâm tới việc quản lý rủi ro. Đợt biến động tỷ giá này cũng là bài học để doanh nghiệp nghĩ đến việc quản lý rủi ro tốt hơn.

Về điều hành nhà nước, theo ông Lực, cần có một đánh giá tổng thể về lợi hại của nền kinh tế khi điều chỉnh tỷ giá, như với xuất khẩu, nợ công, lạm phát, thị trường vàng... “Rõ ràng, điều chỉnh tỷ giá phải linh hoạt hơn nữa, cần xem cam kết 2% kia (biên độ điều chỉnh tỷ giá trong năm 2015) là trong điều kiện bình thường, còn khi thị trường biến động thì phải có phương án cân nhắc phù hợp”, ông Lực nói. Ngoài ra, theo ông, Ngân hàng Nhà nước nên cân nhắc neo đồng tiền Việt Nam trong một giỏ tiền tệ chứ không phải với một đồng đô la Mỹ như hiện nay.

Xuất khẩu bị thua ở nước ngoài

Dù chưa có số liệu tổng kết chính thức, nhưng theo ước tính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành trong quí 1-2015 đạt khoảng 1,27 tỉ đô la Mỹ, giảm khoảng 20,6% so với cùng kỳ năm ngoái (1,651 tỉ đô la Mỹ).

Còn số liệu thống kê sơ bộ của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết tính đến giữa tháng 3-2015, tổng xuất khẩu thủy sản cả nước đạt 1,061 tỉ đô la Mỹ, giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái. “Như vậy, ước tổng xuất khẩu quí 1 năm nay sẽ đạt 1,27 tỉ đô la Mỹ, giảm 23% so với quí 1-2014”, theo thông tin của VASEP.

Tuy có sự khác biệt về con số xuất khẩu thủy sản cả nước trong quí 1-2015 giữa VASEP với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhưng kim ngạch giảm mạnh là điều chắc chắn.

Lý giải nguyên nhân xuất khẩu giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp thừa nhận yếu tố tỷ giá là nguyên nhân quan trọng không thể không nhắc đến, bên cạnh một số yếu tố khác.

Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Gò Đàng (GODACO) Tiền Giang, cho rằng EU là thị trường nhập khẩu chính mặt hàng cá tra (năm 2014 chiếm 19,5% thị phần xuất khẩu cá tra Việt Nam - NV), nhưng trong quí 1-2015 đồng euro lại mất giá so với đồng đô la Mỹ, trong khi đó, loại tiền thanh toán được sử dụng lại là đồng đô la Mỹ, cho nên EU giảm mua.

“Trước đây, 1 euro tương đương 1,3-1,4 đô la Mỹ, nhưng nay cũng 1 euro nhưng chỉ bằng 1,05 đô la Mỹ thôi, tức đồng euro mất giá khoảng 15-20% nên họ e dè nhập khẩu”, ông Đạo lý giải thêm.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Ánh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Ngọc Xuân (Tiền Giang), cho rằng nhu cầu nhập khẩu mặt hàng cá tra trong quí 1-2015 ở nhiều thị trường, trong đó có cả EU vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, do biến động tỷ giá của đồng euro so với đô la Mỹ - đồng tiền thanh toán chính trong các hợp đồng mua bán - cho nên phía EU “ép” giá doanh nghiệp, bắt phải hạ giá bán xuống 10-15% mới đồng ý mua. “Trong khi đó, các nhà cung cấp trong nước thì cạnh tranh không lành mạnh, người ta chào mua với mức giá không tốt cũng bán nên họ lấy những trường hợp này để so sánh và đòi giảm giá dẫn đến kim ngạch xuất khẩu giảm”, bà Ánh giải thích.

Ông Chu Văn An, Phó tổng giám đốc tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Hậu Giang), cho biết ngoài tác động của tỷ giá, thì việc một số nước như: Ấn Độ, Thái Lan..., đang trúng mùa thu hoạch tôm, sản lượng tăng mạnh do kiểm soát tốt hơn dịch bệnh hoại tử gan tụy cấp (EMS), trong khi giá thành sản xuất của Việt Nam lại cao hơn so với các nước, cho nên doanh nghiệp xuất khẩu bán ra không được.

Trung Chánh

Thùy Dung

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,537

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]