“Gần đây có một số luật ban hành ra không khả thi, gây rất nhiều phiền toái cho các quan hệ xã hội. Mới đây nhất là người dân phản ứng với Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014”. Đại biểu (ĐB) Quốc hội Đỗ Văn Đương nói như thế tại Hội nghị ĐB Quốc hội chuyên trách thảo luận về dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 15-4.
Luật thì nhiều nhưng chất lượng có vấn đề
Về vấn đề này, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) nhấn mạnh ở ta có luật chưa thi hành đã hết hiệu lực vì không phù hợp. Điều này làm rối loạn xã hội. Xây dựng luật của ta giống như lấy phụ tùng từ xe của Liên Xô, Đức rồi lắp ráp vào thành xe “made in Việt Nam” nhưng không chạy được. Ta đã “phá” nhiều bộ luật mà chúng ta đã dày công xây dựng.
“Khi làm luật này, chúng ta phải trả lời câu hỏi: Vừa qua một số quy định trong luật và văn bản dưới luật vì sao vừa đưa ra đã gặp phải sự phản ứng của dư luận, tính khả thi không cao. Cử tri khen số lượng văn bản quy phạm pháp luật của ta nhiều nhưng chất lượng một số văn bản có vấn đề” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nói.
Đại biểu Quốc hội Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, tại buổi góp ý dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ. Ảnh: AT
Lấy ý kiến còn hình thức
Để khắc phục tình trạng trên, theo bà Nga, việc lấy ý kiến của đối tượng chịu tác động trực tiếp của dự án luật là rất quan trọng. Bà Nga cho rằng rất nhiều bản đánh giá tác động chính sách không đầy đủ, một số trường hợp làm hình thức. Vì vậy, những chính sách này khi ban hành rất khó đi vào thực tế.
“Việc lấy ý kiến của đối tượng chịu tác động trực tiếp cần quy định bắt buộc. Ví dụ, ở Luật Tạm giữ, tạm giam đối tượng chịu tác động trực tiếp là cơ quan giam giữ, cần phải có văn bản của những người đang làm công tác giam giữ, để họ cho biết những chính sách đó họ thi hành được không. Cùng với đó, phải lấy ý kiến đối tượng bị giam giữ, khi hỏi cung có cần phải ghi âm không, có cần phải ghi hình không và các quyền khác của họ” - bà Nga dẫn chứng.
Theo ông Nguyễn Công Hồng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, báo cáo đánh giá tác động của văn bản sẽ ban hành rất quan trọng. Tuy nhiên, trên thực tế nếu như không có quy định về quy trình, phương pháp, phạm vi, nội dung của báo cáo đánh giá tác động thì rất dễ dẫn đến bệnh hình thức, khó đảm bảo tính khách quan và toàn diện đối với văn bản.
Để nâng cao trách nhiệm của cơ quan trình văn bản và cơ quan thẩm tra đối với văn bản, dự thảo luật quy định cơ quan thẩm tra không thẩm tra dự thảo văn bản quy phạm pháp luật khi chưa đầy đủ các tài liệu trong hồ sơ. Ông Hồng đề xuất: “Cần quy định cơ quan thẩm tra có quyền từ chối thẩm tra dự thảo khi cơ quan trình không làm đúng tiến độ. Ngày mai họp thẩm tra về văn bản mà hôm nay mới có văn bản trình thì rất khó làm việc, không có thời gian để cơ quan thẩm tra nghiên cứu”.
Tại buổi góp ý dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ cùng ngày, liên quan đến vấn đề cấp phó, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng) nói: “Luật quy định như vậy nhưng người ta có thể sáng tạo ra “hàm cấp phó”, một chức danh không được quy định trong luật”. Theo ĐB Trần Du Lịch, phải làm sao cho công vụ ở trung ương và địa phương được minh bạch, mỗi người có một việc của mình, không chồng chéo. Ví dụ xảy ra ngộ độc thực phẩm ở một địa phương thì trách nhiệm thuộc ai? Bộ trưởng Bộ Y tế hay chủ tịch tỉnh? |
HOÀNG VÂN