Thông tin sáp nhập được chính Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Trần Bắc Hà công bố ngày 14/4, sau thời gian thị trường đồn đoán. Ngân hàng Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long cách đây một tuần đã công bố trong tài liệu trình đại hội cổ đông nhưng rồi lại nhanh chóng gỡ bỏ.
Sau sáp nhập, vốn điều lệ của BIDV sẽ đạt 31.511 tỷ đồng.
Với tỷ lệ hoán đổi 1:1 (một cổ phiếu MHB đổi ngang giá với một cổ phiếu BIDV), ngân hàng sau sáp nhập có quy mô 31.511 tỷ đồng, trong đó vốn điều của BIDV 28.112 tỷ đồng và MHB là gần 3.400 tỷ đồng. Tổng tài sản của ngân hàng sau sáp nhập là hơn 695.000 tỷ đồng, trong đó phần của MHB khoảng 45.000 tỷ đồng.
Theo ông Hà, cả hai nhà băng đều do Nhà nước nắm phần vốn chi phối (trên 90%) nên sáp nhập có thể coi là dịch chuyển vốn trong khu vực quốc doanh mà không phải tính toán cao thấp, cùng với đó là phải bảo vệ lợi ích cao nhất của các cổ đông.
BIDV hiện có thế mạnh ở các thành phố lớn và khu công nghiệp. Còn MHB có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tại thời điểm 31/12/2014, tổng dư nợ BIDV đạt 445.693 tỷ đồng, trong đó tới 58% thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, xây dựng, bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ôtô xe máy; còn nông, lâm nghiệp và thủy sản mới chiếm 5,4%. Ngược lại, cho vay lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn của MHB chiếm gần 70% tổng dư nợ 30.605 tỷ đồng.
"Sáp nhập sẽ giúp tăng cường năng lực của BIDV trong mảng nông nghiệp nông thôn", Chủ tịch BIDV nhận định. Nhà băng này đang lên kế hoạch tập trung cho vay chăn nuôi, phát triển cây công nghiệp, rau củ quả ứng dụng công nghệ cao. Ngoài ra, MHB là ngân hàng chuyên về bán lẻ, điều này sẽ tạo ra giá trị cộng hưởng cho BIDV, vốn chuyên cho vay những món lớn.
Sự kết hợp này cũng diễn ra trong bối cảnh BIDV đang tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài để bán 25% vốn, tuy vậy, ông Hà cam kết việc sáp nhập này sẽ không ảnh hưởng tới các cổ đông, chất lượng tài sản không suy giảm.
"Lịch sử đã chứng minh BIDV là nhà băng giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực xử lý các cuộc chia tách", ông Hà nói. Ông cũng khẳng định trong quá trình hội nhập, Việt Nam cần những ngân hàng lớn, có sức ảnh hưởng để dẫn dắt nền kinh tế, do đó việc BIDV nhận sáp nhập MHB là cần thiết.
BIDV thành lập năm 1957 với tên gọi ban đầu là Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam, trực thuộc Bộ Tài chính, đến 1990 về với Ngân hàng Nhà nước và đổi thành tên gọi hiện tại. Năm 1994 - 1995, ngân hàng được giao nhiệm vụ chia sẻ vốn tài sản, cán bộ với Tổng cục Đầu tư và Phát triển (Bộ Tài chính), sau đó hai năm, cuộc khủng hoảng tài chính khu vực xảy ra, BIDV lại tham gia vào ban kiểm soát xử lý nợ ngân hàng Nam Đô để bảo đảm hệ thống ngân hàng không bị đổ vỡ và không gây tác động dây chuyền đến kinh tế xã hội TP HCM .
Trong giai đoạn một của quá trình tái cơ cấu, ông lớn này cũng lại tham gia hỗ trợ cho quá trình hợp nhất ba nhà băng là SCB, Tín Nghĩa và Đệ Nhất, hỗ trợ thanh khoản khoảng 2.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Dầu khí toàn cầu (GPBank).
Ông Trần Bắc Hà kỳ vọng với kinh nghiệm sáp nhập, chia tách nói trên, sau quá trình sáp nhập MHB, giá cổ phiếu BIDV sẽ tốt hơn. Chốt phiên giao dịch ngày 14/4, mỗi cổ phiếu BID có giá 19.000 đồng, MHB được mua trên sàn OTC với giá 12.000 đồng.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận định giá cổ phiếu của BIDV sẽ không bị ảnh hưởng nhiều sau thương vụ M&A bởi quy mô vốn của MHB nhỏ. Bên cạnh đó, giá cổ phiếu thấp chưa chắc đã phản ánh được giá trị ngân hàng mà phụ thuộc vào chiến lược đầu tư, phát triển sau đó.
Theo báo cáo của một công ty chứng khoán có thị phần trong top 10 trên cả hai sàn, nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng trưởng trên 12% kể từ đầu năm đến nay và trở thành trụ đỡ quan trọng cho thị trường khi trọng số của toàn nhóm đã tăng từ 16% lên mức 23%. Trong đó, top 3 cổ phiếu ngân hàng BID, CTG và VCB lần lượt tăng 49,6%; 30,4% và 12,9%, vượt trội so với chỉ số chung Vn-Index (tăng 1,6%).
Hiện tại, một số nhà băng đã bắt đầu công bố kết quả kinh doanh quý I/2015. Dẫn đầu hiện tại là BIDV với lợi nhuận trước thuế đạt 1.835 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 24,5% kế hoạch năm. Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) cũng cho biết lãi 134 tỷ đồng trong quý, tăng 12% so với cùng kỳ.
"Với triển vọng tăng trưởng kết quả kinh doanh, bán cổ phần cho đối tác chiến lược và M&A các ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ sẽ khiến quy mô của ngành ngân hàng trên niêm yết lớn dần", báo cáo này cho biết.
Các quỹ đầu tư lớn nhất tại Việt Nam mới dành khoảng 3% danh mục của họ để sở hữu cổ phiếu ngân hàng do các năm trước các quỹ bi quan với triển vọng ngành, nhưng khi triển vọng thay đổi và cổ phiếu ngành ngân hàng tăng giá, nhiều quỹ dù không chuẩn bị trước nhưng có thể sẽ dành sự quan tâm cho cổ phiếu ngân hàng, đặc biệt là nhóm vốn hóa lớn.
Phương Linh