Nhân viên đăng kiểm Nghệ An khám phương tiện miễn phí cho xe tải cắt thành, thùng đến kiểm định lại - Ảnh: Văn Thanh
Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Đinh La Thăng, từ ngày 10/4/2015, Cục Đăng kiểm VN đã triển khai miễn phí đăng kiểm và bù tải trọng bằng với trọng lượng của phần thành, thùng bị cắt đi... đối với xe tải nhập khẩu trước Thông tư 32 tự giác cắt thùng. Tuy nhiên, sau 10 ngày triển khai, số lượng xe đến thực hiện kiểm định để được hưởng lợi vẫn còn rất thấp.
Trung tâm đăng kiểm vẫn “vắng khách”
Ngày 22/4, PV Báo Giao thông có mặt tại Trung tâm đăng kiểm (TTĐK) xe cơ giới đường bộ Nghệ An, tuy nhiên, suốt từ sáng tới chiều, PV không ghi nhận được bất cứ trường hợp xe tải nhập khẩu trước thời điểm Thông tư 32 có hiệu lực (từ 1/10/2012) đến làm thủ tục đăng kiểm lại. Ông Nguyễn Quý Khánh, Giám đốc TTĐK 37-01S cho biết, Nghệ An hiện có 1 nghìn xe tải tự đổ nhập khẩu trước Thông tư 32, tuy nhiên, số xe đã cắt thùng đến làm thủ tục kiểm định lại chỉ đếm trên đầu ngón tay.
16h ngày 23/4, xe tải của Công ty TNHH Thành Trung BKS 37C- 007.86, 37C - 007.87 tới trung tâm. Đây là hai trường hợp mới khám lưu hành tháng 3, nhưng được chủ xe đưa đến tái kiểm định sau khi biết Bộ GTVT có chủ trương mới. Tại đây, các đăng kiểm viên phát hiện thùng xe sau khi đã cắt vẫn vượt kích thước tối đa 0,6m nên yêu cầu chủ phương tiện đưa xe về cắt thùng theo đúng quy định. Ông Phan Văn Minh, PGĐ Trung tâm cho biết, sau khi chủ phương tiện cắt thùng về đúng kích thước đã hướng dẫn, Trung tâm sẽ khám, tính toán lại tự trọng phương tiện và cấp sổ, tem kiểm định mới miễn phí. Mỗi xe sẽ được bù tải từ 1 - 1,5 tấn, khối lượng hàng hóa chuyên chở từ 7,5 tấn lên thành 8,5 - 9 tấn.
Ông Nguyễn Văn Trung, Giám đốc Công ty Thành Trung tỏ ra hài lòng, bởi quy định mới gỡ khó cho doanh nghiệp (DN), vì trước đây xe nhập khẩu thùng lớn kéo theo tự trọng cao. Sau khi cắt thùng vẫn không được bù trừ tải trọng, khiến lượng hàng hóa được chở thấp hơn thực tế, gây khó khăn cho DN.
Được biết, năm 2011, ông Trung đã vay ngân hàng mua hai xe Howo trị giá 2,2 tỷ đồng. Khi đó, Howo nhập khẩu nguyên chiếc được xem là lựa chọn hàng đầu vì ngoài khả năng di chuyển địa hình đèo dốc, xe có thùng “khủng” giúp cho việc chuyên chở hàng khối lượng lớn. Tuy nhiên, đến tháng 4/2014 thực hiện chủ trương kiểm soát tải trọng, xe Howo hầu như không dám hoạt động vì “cứ ra đường là bị kiểm tra, xếp đá bằng thùng vẫn quá tải”.
Tháng 8/2014, thực hiện chủ trương của UBND tỉnh Nghệ An, cùng với 52 đơn vị, Thành Trung tiên phong cắt thùng còn 60cm. Tuy nhiên, DN lại phải đối diện với nghịch lý “cắt thùng không được giảm tự trọng, lượng hàng hóa được chở luôn thấp hơn những xe mua sau Thông tư 32 có thùng cùng thể tích. Điều này tạo ra sự bất bình đẳng về giá cước vận tải ở cùng một chủng loại xe”, ông Nguyễn Văn Trung nói.
Sau hơn 10 ngày triển khai quy định mới, hai TTĐK xe cơ giới của Quảng Bình và Hà Tĩnh đều xác nhận chưa có bất cứ chủ phương tiện nào đưa xe đến làm thủ tục đăng kiểm lại cho xe đã cắt thùng. Ông Phạm Công Lãnh, Giám đốc TTĐK xe cơ giới 73-01S Quảng Bình cho biết: “Hiện đơn vị đã đề xuất Sở GTVT Quảng Bình làm công văn thông báo gửi tới tất cả các DN, chủ phương tiện sở hữu xe nhập khẩu trước Thông tư 32 để chủ xe, chủ DN biết chủ trương mới, đưa xe đến làm thủ tục kiểm định để được bù tải trọng và cấp sổ kiểm định mới”.
Cán bộ Đăng kiểm hướng dẫn lái xe những vị trí cần phải cắt lại cho đúng quy định
Doanh nghiệp lợi trăm bề
Ngoài việc không mất phí kiểm định, DN tự cắt thùng xe nhập khẩu trước Thông tư 32 còn được hưởng rất nhiều lợi ích. Cụ thể, với những xe có thùng lớn nhập khẩu trước Thông tư 32, nếu chở quá tải, ngoài việc bị xử phạt hành chính từ 16 đến 42 triệu đồng/xe tùy vào mức độ vi phạm và bị phạt thêm 60 triệu đồng lỗi vi phạm kích thước thùng, phương tiện còn phải cắt thùng, cải tạo lại về đúng kích thước quy định. Tính toán đơn giản, chi phí cho một xe vi phạm vừa bị buộc cắt bỏ kích thước vượt quy định, vừa phải cải tạo lại chiều dài thân xe, khoảng cách các trục để đảm bảo điều kiện an toàn phương tiện, sau đó đăng ký, đăng kiểm lại phương tiện giống như một xe mới xuất xưởng, con số chi phí này lên đến cả trăm triệu đồng/xe. đó là chưa kể chi phí khấu hao xe trong thời gian xe ngừng hoạt động để xử lý sai phạm.
Trong khi đó nếu DN chủ động cắt thùng, ngoài việc được miễn phí đăng kiểm còn được tăng tải, nên khi bốc xếp hàng hóa với thể tích thùng đúng, sẽ không phải e ngại việc xếp hàng “quá tay” làm xe vượt tải.
Ngoài ra, việc cắt thùng xe là qui định bắt buộc trước sau gì doanh nghiệp cũng phải làm, không thể trốn tránh. Bởi trong văn bản hướng dẫn của Bộ GTVT, việc phát hiện, xử lý xe quá tải sẽ không chỉ dừng lại ở việc lực lượng chức năng kiểm tra, bắt quả tang khi xe lưu thông trên đường, mà nó còn được thực hiện qua hoạt động thanh tra ngay tại DN.
Phó Cục trưởng Cục QLĐB II Trần Quang Thanh cho biết, với quy định mới, qua các biện pháp nghiệp vụ, chỉ cần lực lượng thanh tra phát hiện phương tiện từng chở hàng quá tải sẽ lập tức bị xử lý với những lỗi như nêu ở trên. Việc này tạo sự công bằng với tất cả DN vận tải, phòng ngừa triệt để các thủ đoạn trốn tránh việc kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng.
Doanh nghiệp hưởng lợi kép Ông Trần Kỳ Hình, Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN cho biết, sau khi Bộ GTVT có văn bản đồng ý triển khai giải pháp hỗ trợ chủ xe tự nguyện cắt giảm thùng xe có thể tích không phù hợp với Thông tư 42/2014/TT-BGTVT, Cục đã có văn bản hướng dẫn triển khai tại tất cả các đơn vị đăng kiểm ô tô trên toàn quốc. “Do mới thực hiện được vài ngày nên các đơn vị chưa có số liệu thống kê số lượng xe đã tự nguyện cắt thùng. Chủ xe tự nguyện cắt thùng không phải làm hồ sơ cải tạo, được tăng thêm khối lượng hàng chở bằng với trọng lượng phần thành xe cắt đi, được miễn phí đăng kiểm. Giải pháp này tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho chủ xe, DN”, ông Hình nói. Cũng theo ông Hình, với trường hợp xe không tự nguyện thực hiện, khi tái phạm chở quá tải sẽ bị lực lượng chức năng cưỡng chế cắt thùng xe (theo quy định tại Nghị định số 107, không được bù trừ tải trọng) và phải thực hiện theo các thủ tục hiện hành trước khi được cấp lại Chứng nhận đăng kiểm. Theo Cục Đăng kiểm VN, toàn quốc hiện có gần 32 nghìn xe tải tự đổ có trọng tải trên 10 tấn được nhập trước thời điểm 1/10/2012 (thời điểm Thông tư 32 có hiệu lực), có thể tích thùng xe lớn, điển hình là xe nhãn hiệu “hổ vổ” (Howo) do Trung Quốc sản xuất, với chiều cao thùng 2-3m. Do thùng xe lớn nên các chủ xe thường chất hàng “kịch thùng”, gây vượt quá tổng trọng tải cho phép tham gia giao thông, làm hư hại cầu, đường. Thời gian qua, khi cả nước đồng loạt siết kiểm soát tải trọng phương tiện, đối tượng này cũng dễ “dính” vi phạm nhất. Nhằm kiểm soát loại phương tiện này, nghị định xử lý VPHC của Chính phủ quy định, trường hợp xe bị phát hiện tái phạm chở quá tải sẽ bị cưỡng chế cắt giảm thể tích thùng xe để phù hợp với tiêu chuẩn chung đã được quy định tại Thông tư 42/2014/TT-BGTVT. Huy Lộc |
Văn Thanh