Bức thư được Ủy Ban Ngoại Giao Hạ viện Mỹ
(HFAC) công bố hôm 23-3. 367 hạ nghị sĩ thuộc lưỡng đảng Mỹ quan ngại chính quyền
Tổng thống Obama có thể do gấp gáp về thời gian sẽ ký một “thỏa thuận hạt nhân
vội vàng” với Tehran, dẫn đến việc nới lỏng hạn chế đối với chương trình hạt
nhân của nước này. Các nghị sĩ chỉ trích thỏa thuận sẽ tạo điều kiện cho Iran
chế tạo được một quả bom nguyên tử.
Nhóm 367 hạ nghị sĩ viết trong thư: “Một thỏa thuận hạt nhân toàn diện phải hạn chế cơ sở hạ tầng hạt nhân của Iran để Iran không có cách nào chế tạo một quả bom nguyên tử, và thỏa thuận đó phải lâu dài”. Bên cạnh đó, các nghị sĩ nhấn mạnh quốc hội áp đặt lệnh trừng phạt đối với Iran nên các điều khoản của thỏa thuận do chính quyền Tổng thống Obama đang thương thảo cần được quốc hội thông qua.
367 nghị sĩ Mỹ cảnh báo ông Obama rằng thỏa thuận hạt nhân với Iran cần được quốc hội xem xét và chấp thuận. Ảnh: NBC News
Bức thư làm dấy lên những phản ứng gay gắt từ phía Đảng Dân chủ. Một số nghị sĩ của Đảng này cho rằng sự can thiệp không phù hợp vào các cuộc đàm phán ngoại giao chỉ khiến nó thêm lung lay. Ngay cả một số thành viên Đảng Cộng hòa cũng không đồng tình với bức thư trên.
Cuộc đàm phán giữa Iran và nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc cùng với Đức) được kỳ vọng sẽ tiếp tục ở TP Lausanne - Thụy Sĩ. Hạn chót để các bên đạt được thỏa thuận là vào ngày 31-3 sắp tới.
Trong khi Iran đang tiến gần tới một thỏa thuận với nhóm P5+1 để hạn chế chương trình hạt nhân, các nhà lãnh đạo Ả Rập phải căng mắt dõi theo cách Tehran mở rộng tầm ảnh hưởng từ Iraq tới Lebanon và Syria đến Yemen.
Giới phân tích khu vực Trung Đông nhận thấy thỏa thuận hạt nhân nhằm đổi lấy sự chấm dứt lệnh trừng phạt từ phương Tây của Iran khiến các nước vùng Vịnh lo ngại, đặc biệt là khi họ nhận ra quan hệ Mỹ và Iran đang ngày càng xích lại gần nhau. Sultan al-Qassemi, một nhà bình luận ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), cho biết: “Thỏa thuận hạt nhân với Iran sẽ làm thay đổi cuộc chơi tại khu vực. Tôi nghĩ nó sẽ khuyến khích Tehran theo đuổi chính sách ngoại giao quyết đoán hơn”.
Trong khi đó, Ả Rập Saudi và các đối tác vùng Vịnh “sẽ có các biện pháp cần thiết” để khôi phục ổn định của Yemen trước bờ vực sụp đổ vì nhóm phiến quân Hồi giáo Houthis, vốn chiếm thủ đô Sana'a của nước này hồi năm ngoái.
Theo Ngoại trưởng Ả Rập Saudi, Hoàng tử Saud al-Faisal, Iran chính là nước đứng sau ủng hộ phiến quân Houthis gây bất ổn tại Yemen. Riyadh đã đồng ý làm trung gian, dưới sự ủng hộ của Liên Hiệp Quốc để lập lại trật tự tại quốc gia này.
P.Nghĩa (Theo CNN, Reuters, Bloomberg, Telegraph)