Bộ trưởng Steve Webb nói rằng, ông không lo nếu người dân lấy tiền hưu trí để mua xe Lamborghini dù sau đó họ phải sống bằng trợ cấp của nhà nước. Ảnh: GUARDIAN |
Ông Andy và bà Sheila tiêu biểu cho hàng trăm ngàn người Anh ở độ tuổi trên 50 ủng hộ sự thay đổi trong chính sách lương hưu có hiệu lực từ ngày 6-4-2015 mà Bộ trưởng Tài chính Anh, ông George Osborne, cho là “một cuộc cách mạng vĩnh cửu”, một “sự thay đổi lớn nhất trong 100 năm qua”, kể từ khi hệ thống hưu bổng của nước này ra đời năm 1906. Điểm mấu chốt của sự thay đổi này là những người trên 55 tuổi có quyền rút tiền bất cứ lúc nào họ muốn, rút bao nhiêu tùy ý, từ các quỹ bảo hiểm hưu trí.
Sự thay đổi này nhằm giải quyết những “bất cập” của các quỹ hưu bổng mà nổi bật là tiền lương hưu quá thấp.
Theo tính toán của Công ty Tài chính Hargreaves Lansdown, một người về hưu ở tuổi 65, đã đóng góp vào quỹ hưu bổng khoảng 100.000 bảng Anh trong cuộc đời làm việc nhưng mỗi tháng chỉ được nhận lương hưu khoảng 460 bảng - quá thấp. Nhiều người ngay sau khi đủ tuổi về hưu thì cũng “nhắm mắt xuôi tay” mà chưa kịp hưởng, hoặc hưởng rất ít, số tiền đã đóng vào quỹ bảo hiểm. Bộ trưởng phụ trách hưu bổng của Anh, ông Steve Webb, nói với báo chí rằng, cuộc cải cách lần này có nhiều rủi ro nhưng cần thiết để chấm dứt lối hành xử “gia trưởng” khiến người dân bất mãn chế độ hưu bổng hiện hành.
Với “cuộc cách mạng lương hưu” mới này, trong vòng năm năm tới sẽ có khoảng 5 triệu người lao động ở Anh có quyền rút quỹ bảo hiểm “một cục” và đa số họ đều muốn lãnh một lần như vậy, theo Hiệp hội các quỹ hưu bổng quốc gia. Công ty Bảo hiểm Hymans Robertson thì cho rằng, trong bốn tháng đầu tiên thực hiện chính sách lương hưu mới, với khoảng 540.000 người có quyền rút vốn, các quỹ bảo hiểm hưu trí sẽ phải chi ra khoảng 6 tỉ bảng Anh. Số tiền này - được các chuyên gia tài chính đánh giá như một “gói kích cầu” để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - chắc chắn sẽ có tác động mạnh đến thị trường và nền kinh tế Anh nói chung.
Theo báo Guardian, hàng loạt doanh nghiệp, từ công ty du lịch đến công ty địa ốc, đang chuẩn bị đón làn sóng tiêu dùng của những khách hàng rủng rỉnh tiền bạc vừa rút từ các quỹ bảo hiểm. Bob Atkinson của Công ty Du lịch TravelSupermarket nhận định: “Nhiều người bỗng dưng có được khoản tiền lớn, cho họ có cơ hội đi du lịch dài ngày hoặc viếng thăm bạn bè, thân nhân ở nơi xa xôi như Úc”. Du lịch, xe hơi và hàng hiệu đắt tiền được coi là những ngành kinh doanh hưởng lợi từ cơ hội này.
Thị trường bất động sản được dự báo sẽ sôi động khi có nhiều người rút tiền bảo hiểm để mua nhà cho con cái. Một khảo sát gần đây của Ngân hàng Ireland ghi nhận 29% số người nghỉ hưu trong toàn quốc có kế hoạch dùng tiền bảo hiểm hưu trí để mua bất động sản, vừa để cho con cái, vừa là một phương thức đầu tư có khả năng sinh lợi.
Thực tế tỏ ra rất phong phú. Một cuộc khảo sát ý kiến hơn 10.000 người Anh ở độ tuổi trên 50 cho thấy hai phần ba trong số họ nói rằng, nếu được lãnh “một cục” họ sẽ dành số tiền đó để đầu tư tạo thu nhập trong tương lai, khoảng 10% sẽ dùng để trả nợ, 8% sẽ đi du lịch hoặc mua sắm vật dụng cần thiết, một phần tư cho rằng quỹ hưu bổng của họ quá ít và chỉ có 54 người tỏ ý muốn dùng tiền hưu để sắm xe hơi thể thao.
Tuy nhiên, trên báo chí Anh, các chuyên gia đã bắt đầu cảnh báo về những rủi ro mà chính sách lương hưu mới tạo ra. Một mối nguy có thể thấy được là nhiều người sẽ nhanh chóng tiêu hết số tiền “một cục” mới lãnh được, và sau đó là những chuỗi ngày khó khăn thiếu thốn do không còn khoản thu nhập nào khác để trang trải các chi phí cần thiết. Chris Noon của Công ty Hymans Robertson lo ngại: “Điều đó sẽ gây sức ép nặng nề lên hệ thống an sinh xã hội của nhà nước. Tôi không nghĩ mọi người đã sẵn sàng cho sự thay đổi này”. Bộ trưởng Steve Webb còn gây tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội khi nói ông không lo chuyện có những người dùng tiền bảo hiểm hưu trí để mua siêu xe Lamborghini dù sau đó họ sẽ phải sống dựa vào trợ cấp của nhà nước.
Thủ tướng Anh David Cameron thì trấn an: “Nhưng nguyên tắc căn bản là chúng tôi tin người dân sẽ chi tiêu hợp lý những đồng tiền mà họ làm ra”.
Chính phủ Anh có lẽ cũng đã lường trước áp lực lên hệ thống an sinh xã hội khi hàng triệu người cao tuổi không còn lương hưu để sinh sống, cho nên chính sách cho phép rút tiền “một cục” có kèm theo điều khoản về thuế thu nhập: chỉ 25% số tiền quỹ bảo hiểm mà người lao động rút ra là được miễn thuế, phần còn lại phải chịu thuế ở các mức 20%, 40% hoặc 45% - một biện pháp vừa có tác dụng tăng ngân sách cho an sinh xã hội vừa buộc người về hưu phải suy nghĩ chín chắn trước khi quyết định rút tiền “một lần”.
Huỳnh Hoa