Theo dự báo của World Bank, thâm hụt tài khóa của Việt Nam sẽ bắt đầu giảm nhằm giảm nguy cơ tăng nợ công. Chuyên gia World Bank nhận xét, trong khi mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô được duy trì về cơ bản thì tình trạng nợ công tăng nhanh trong khi dự trữ ngoại tệ thấp (và đang có xu thế giảm) là tình trạng đáng quan ngại với Việt Nam.
Cụ thể, thâm hụt tài khóa của Việt Nam ở mức 6,5% trong năm 2015 là kết quả của giảm thu và tăng chi đầu tư cơ bản và chi thường xuyên. Yếu tố này đã làm áp lực tài khóa tăng lên. Ước tính nợ công và nợ do nhà nước bảo lãnh (theo quy định của Bộ Tài chính) đã đạt mức 62,5% GDP năm 2015, trong khi năm 2014 con số này là 59,6%.
“Do vậy, các khoản nợ này có thể sẽ nhanh chóng chạm mức nợ trần do luật quy định là 65%” – chuyên gia World Bank lo ngại. Do vậy, Chính phủ cần đưa ra các biện pháp thích hợp để thực hiện củng cố tình hình tài khóa trung hạn (về phía thu hoặc chi).
Tỉ lệ nợ trên GDP của Việt Nam trong năm 2016 theo nhận định của World Bank sẽ ở mức 63,8% trước khi tăng lên 64,4% vào năm 2017. Thâm hụt tài khóa sẽ thu hẹp còn 5,9% GDP so với mức 6,5% năm 2015.
Chuyên gia Kinh tế trưởng của World Bank tại Việt Nam - ông Sandeep Mahajan
Trao đổi với báo giới, ông Sandeep cho biết, không có thước đo chung về nợ công đối với tất cả các quốc gia. Mức độ bền vững của nợ công được đánh giá tùy thuộc vào tiềm lực tài chính, sức mạnh kinh tế của từng nước. Chẳng hạn như Nhật Bản, kể cả khi nợ công đã vượt trên 200% thì tình hình tài chính của nước này vẫn rất ổn, trong khi đó có những quốc gia, nợ công chỉ cần lên đến 50% GDP là đã rất nguy hiểm.
Vấn đề của Việt Nam, theo ông Sandeep, đó là nợ ngắn hạn trong nước tới hạn trả chiếm tỉ trọng lớn và tạo áp lực cả trong ngắn hạn lẫn trung hạn đối với ngân sách Việt Nam. Khẳng định, với tỉ lệ nợ công 62% GDP, Việt Nam đủ sức trả và "khả năng trả của Chính phủ với những khoản nợ đến hạn là 100%", chuyên gia World Bank cho biết, tổ chức này không quan ngại về sự bền vững nợ công Việt Nam mà chỉ quan ngại về ngân sách.
Theo đó, khi áp lực trả nợ gốc và lãi tăng lên, không gian cho chính sách tài khóa của Việt Nam sẽ bị thu hẹp và ảnh hưởng đến các khoản chi cho đầu tư phát triển, chi cho phúc lợi xã hội, giáo dục, y tế...
"Chúng tôi không khuyến nghị Chính phủ phải lập tức đưa thâm hụt cán cân ngân sách về 0% ngay trong nay mai nhưng rõ ràng là cần có kế hoạch giảm tỉ lệ bội chi trong trung hạn". Theo đó, ở bối cảnh hiện tại, Việt Nam cần thận trọng hơn trong chính sách tài khóa khi tiêu dùng và đầu tư đã phục hồi.
Đại diện World Bank cũng lưu ý rằng, năm 2017 dự kiến Việt Nam sẽ tốt nghiệp IDA (nguồn ODA ưu đãi). Khi Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, những điều khoản trong vay vốn cũng thay đổi với xu hướng hướng đến lãi suất thị trường. Theo ông Sandeep, năm 2015, Việt Nam được phân bổ 3,7 tỷ USD vốn IDA, con số này trong năm tới sẽ giảm về 0 - đây là một sự chuyển đổii lớn trong cơ cấu vốn vay và buộc Việt Nam phải chuyển đổi theo.
Cũng trong sáng nay, vào phút chót, World Bank đã thay đổi dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2016. Từ mức dự báo 6,5%, World Bank đã hạ triển vọng tăng trưởng năm 2016 của Việt Nam xuống còn 6,2%. Nguyên nhân chính chủ yếu đến từ những tác động của lĩnh vực nông nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung do tác động của thiên tai (hạn hán ở Tây Nguyên, xâm nhập mặn ở Đồng bằng Sông Cửu Long...) và do tăng trưởng xuất khẩu sụt giảm mạnh.
Đồng thời, World Bank dự báo, lạm phát năm 2016 cũng chậm lại do tình hình toàn cầu không mấy sáng sủa, giá năng lượng và thực phẩm toàn cầu giảm. Dự báo lạm phát tại Việt Nam năm 2016 sẽ là 3,5% so với mức thấp 0,6% của năm 2015.
Bích Diệp
Theo Dân trí