Tin tức tốt nhất và duy nhất mà TTCK tiếp nhận được trong tuần qua là tại buổi trả lời chất vấn trước Quốc hội, lần đầu tiên Thủ tướng chính phủ đã đề cập đến cụm từ "gói giải pháp ổn định vĩ mô", trong đó có biện pháp phục hồi TTCK và thị trường bất động sản (BĐS).
Theo cách hiểu chung của giới điều hành và cả giới đầu tư, có thể không có sự khác biệt nhiều giữa từ "biện pháp" và "giải pháp" (dĩ nhiên "giải pháp" có ý nghĩa và quy mô to lớn hơn là "biện pháp").
Cũng cần nhắc lại là từ cuối tháng 5 năm nay, Chính phủ đã từng đề cập đến khả năng ổn định tình hình cho TTCK. Nhưng từ đó đến nay, 6 tháng đã trôi qua với đà tuột dốc đến gần 40% của chỉ số HNX. Điều đó cho thấy dường như chính sách luôn đi chậm hơn thực tế, mà cụ thể là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã quá chậm chạp trong việc đề xuất cho Chính phủ những biện pháp khả thi nhằm hồi sức lập tức cho thị trường.
Câu hỏi được các nhà đầu tư quan tâm hiện nay có lẽ không ngoài những giải pháp, hoặc biện pháp nào nằm trong gói ổn định kinh tế vĩ mô, mà thực chất là gói kích cầu, có thể được Chính phủ ban hành trong thời gian tới.
Nếu những giải pháp trong gói kích cầu có liên quan đến TTCK cũng chỉ là nội dung của kế hoạch hành động năm 2012 của UBCKNN, liệu có thể hy vọng vào một lực kích thích nào đó nhằm vực dậy thị trường?
Thực tế kế hoạch của UBCKNN, kết quả tiếp theo từ chỉ đạo của Bộ Tài chính, đã không nhận được phản hồi tích cực của thị trường từ hai tuần qua. Không những không hồi phục, thị trường vẫn tiếp tục sắc đỏ, với HNX liên tục lập đáy mới trong lịch sử tồn tại của chỉ số này.
Tất nhiên, chúng ta có thể dự đoán được phần nào những giải pháp mà gói kích cầu nêu ra. Chẳng hạn như việc giảm thuế 50% cho thu nhập cá nhân của nhà đầu tư chứng khoán đến hết năm 2012 - một chủ trương mà đã được Quốc hội thông qua từ đầu tháng 8/2011 và nhà đầu tư cũng đã quá biết. Cũng có thể sẽ xuất hiện chỉ đạo cho ngân hàng thương mại "nới lỏng tín dụng" đối với việc cho vay chứng khoán, mà bằng chứng là từ tháng 9/2011, Ngân hàng BIDV đã trở thành tổ chức đầu tiên xác nhận có thể cho vay đầu tư chứng khoán với mức lãi suất 19%/năm.
Nhưng điều ngán ngại là từ tháng 9 đến nay, sau động thái của BIDV, đã chưa có một hành động tiếp ứng nào diễn ra từ các ngân hàng khác. Cũng từ tháng 9 đến nay, dòng tiền trong chứng khoán đã được xác nhận rút ra nhiều hơn là nạp vào. Hiện tượng vài ba công ty chứng khoán như SME bị mất thanh khoản đã phản ánh những dấu hiệu ban đầu cho một cơn khủng hoảng mới của khối môi giới cổ phiếu.
Trong khi đó, vào tháng 11/2011 lại có xác nhận về ít nhất vài ngân hàng như An Bình, Ocean đã mở cửa lại đối với cho vay mua nhà, tuy vẫn với lãi suất khá cao. Sau một văn bản của Ngân hàng nhà nước vào giữa tháng 11 về loại trừ 4 nhóm đối tượng BĐS khỏi khu vực phi sản xuất, nhà đầu tư đã thấy rõ là quy định này chẳng hề tạo ra tác động hỗ trợ nào cho TTCK.
Mối quan hệ giữa hai TTCK và thị trường BĐS tiếp tục bị mất cân đối khi mới đây Thủ tướng đã ký một quyết định giảm 50% tiền thuê đất cho một số doanh nghiệp. Phải chăng BĐS đang được "ưu ái" hơn chứng khoán?
Khách quan mà xét, hình như mọi việc đang diễn ra thuận lợi hơn cho thị trường BĐS. Khi "biến cố" xảy ra tại hai dự án Petro Landmark và An Tiến, nhiều nhà đầu tư chứng khoán đã mang tâm tưởng chờ đợi một chiến dịch lao dốc mạnh của giá BĐS, hầu mong các chủ đầu tư nhà đất cũng phải thấm "cảnh ngộ" của doanh nghiệp chứng khoán.
Tuy vậy lại đã không hề có sóng giảm tiếp theo nào của địa ốc. Điều trớ trêu là trong khi mặt bằng giá căn hộ và đất nền vẫn gần như tiếp tục bò ngang với thanh khoản gần như bằng không, thì chỉ số chứng khoán lại vẫn tiếp tục trôi theo kiểu Hy Lạp.
Không còn xuất hiện quá nhiều bài viết về sự bĩ cực của thị trường BĐS trên mặt báo chí, mà thay vào đó là hàng loạt tiêu đề thời sự hơn về tình thế cùng cực của TTCK trong những ngày gần đây. Một lần nữa, giới phân tích phải nhìn lại hiện tượng thanh khoản giảm sút dần trên cả hai sàn, đặc biệt là sàn HNX.
Điểm số có lẽ không còn quá quan trọng, vì trước hay sau thì chỉ số HNX cũng sẽ lập đáy mới. Nhưng kinh khủng nhất là chuyện mua được mà bán không được, như nhiều nhà đầu tư đã công khai thừa nhận. Nếu thị giá của cổ phiếu VKP tại sàn HOSE chi còn 600-700 đồng thì cũng có 40-50 cổ phiếu khác đang trong tình trạng dần cạn kiệt thanh khoản. Với những cổ phiếu này, dù mức giá đã trở thành không tưởng, nhà đầu tư cũng run tay không dám quăng tiền vào.
"Chưa bao giờ TTCK lại tồi tệ như hiện nay!" - người ta lại phải thốt lên cái điều đã từng thốt lên không biết bao nhiêu lần từ đầu năm đến nay. Tình hình hiện thời vừa giống với giai đoạn cuối năm 2008 về nỗi ám ảnh lao dốc và mất giá, nhưng lại khác khá nhiều khi đầu năm 2009 khối lượng và giá trị giao dịch vẫn không sa sút như hiện nay. Tình hình như thế phản ánh hệ quả gì? Chẳng lẽ TTCK lại bị bỏ rơi hoàn toàn, mà hiện tượng kiệt quệ thanh khoản là một minh chứng sống động nhất?
Hoàn toàn chưa có gì để lạc quan về thị trường trong ngắn hạn, khi vào tuần trước vẫn tái diễn cảnh những mã cổ phiếu có vốn hóa siêu lớn như BVH, MSN, VIC được làm giá và thậm chí còn tăng điểm trong bối cảnh toàn bộ thị trường sụt điểm. Hiện tượng này chỉ có thể cho thấy đà sụt giảm còn tiếp tục kéo dài, với một bàn tay vô hình nào đó nhất quyết bắt thị trường phải đi xuống.
Dù sao, gói kích cầu của Chính phủ có thể được ban hành sắp tới vẫn sẽ là một phép thử nữa đối với TTCK. Từ giữa năm nay, TTCK đã trải qua không ít phép thử về chỉ số lạm phát, lãi suất huy động, dự thảo nghị định về quản lý kinh doanh vàng, việc minh bạch hóa kế hoạch năm 2012 của UBCKNN. Nhưng lần này sẽ thế nào?
Cứ cho là gói kích cầu của Chính phủ sẽ được ban hành vào tháng 12/2011, nhà đầu tư sẽ có điều kiện để xem xét phản ứng của TTCK. Nếu đến cuối năm nay mà thị trường này vẫn không có dấu hiệu hồi sinh, thì một cơ hội lớn như gói kích cầu sẽ còn rất lâu nữa mới trở lại trong phạm trù kỳ vọng phục hồi của chứng khoán.
DiaOcOnline.vn - Theo VEF