Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Bùi Tư
Đó là chia sẻ của ông Trần Thanh Nam, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Moca tại Hội thảo chuyên đề "Kinh tế số thúc đẩy thực thi chính sách để tạo đà nắm bắt cách mạng 4.0”, do Hội doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức ngày 26/7, tại Hà Nội. Buổi hội thảo nằm trong chuỗi sự kiện chuẩn bị cho Diễn đàn kinh tế tư nhân lần 2 sẽ được tổ chức vào ngày 31/7 tới đây.
Tại buổi hội thảo, các doanh nhân, chuyên gia, nhà quản lý đã thảo luận về những vướng mắc để phát triển kinh tế số khi thực thi theo Nghị quyết 36a/NQ-CP, Nghị định 102/2014/NĐ-CP; những khó khăn của các DN startup công nghệ, thành phố thông minh và nhân lực công nghệ thông tin.
Còn nhiều vướng mắc trong cơ chế chính sách
Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch nhóm công tác kinh tế số VDPF cho biết, năm 2016, nền kinh tế số của toàn thế giới có trị giá 3 nghìn tỷ USD. Tại Anh, nền kinh tế số chiếm 10% GDP. Nền kinh tế số của ASEAN là 150 tỷ USD, đóng góp 6% GDP, dự báo tới 2020 nền kinh tế số có tốc độ tăng trưởng 9% mỗi năm.
Tại Việt Nam, mảng thương mại điện tử năm 2016 đạt 900 triệu USD, tăng 50%. Việt Nam là một trong số ít quốc gia có tốc độ người sử dụng Internet thông qua điện thoại thông minh lớn. Đây là điều kiện quan trọng để phát triển kinh tế số. Quy mô quảng cáo trực tuyến của nước ta tăng nhanh, trong đó, năm 2016 đạt 390 triệu USD, dự báo đến năm 2020 sẽ tăng gấp 3 lần. Kinh tế số len lỏi vào khắp đời sống xã hội, trong các lĩnh vực như giao thông, giáo dục, sức khoẻ…
Tuy nhiên, ông Chính cho rằng: “Chúng ta phải đối diện với sự cạnh tranh ngay trong khu vực châu Á. Nhiều quốc gia đã có kế hoạch xây dựng quốc gia thông minh, thành phố thông minh. Thách thức để kinh tế số phát triển là làm sao tạo được môi trường cạnh tranh tự do bình đẳng. Nhưng cơ chế chính sách hiện nay vẫn còn nhiều rào cản với DN”.
Bàn về việc thực thi Nghị quyết 36a, Nghị định 102 và sử dụng ngân sách trong ứng dụng công nghệ thông tin, ông Bùi Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Nhóm công tác Kinh tế số VPSE, Phó Chủ tịch HĐQT FPT kiến nghị: Cần tạo ra sự bình đẳng các thành phần kinh tế khi tiếp cận các dự án công nghệ thông tin sử dụng vốn nhà nước.
Ông Ngọc cho rằng, hiện có một số dự án hạn chế sự tham gia với DN tư nhân và có sự trợ giá không lành mạnh từ một số DN nhà nước. Theo đó, ông Ngọc cũng đề xuất nên thay Nghị định 102 bằng một Nghị định khác theo đặc thù của ngành công nghệ thông tin, vì việc triển khai hiện gặp nhiều bất cập, khi nghị định này yêu cầu quá nhiều công việc, công đoạn cho việc lập dự án.
“Việc lập dự án trung bình kéo dài 2 năm, nhiều dự án sau 3 năm vẫn chưa xong việc chuẩn bị, vì vậy ngân sách không tiêu hết”, ông Ngọc nói.
Doanh nghiệp khởi nghiệp gặp khó cả về vốn và nhân lực
Tại buổi hội thảo, đại diện nhiều DN khởi nghiệp đã chia sẻ về những khó khăn trong việc thu hút vốn đầu tư, nhân sự công nghệ thông tin…. Ông Trần Thanh Nam, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Moca cho biết: "Ở Việt Nam DN startup không thể phát hành trái phiếu vì chưa có Luật. Để nhận vốn đầu tư chúng tôi phải lách".
“Để thu hút vốn, chúng tôi có 90% xác suất là nhận vốn nước ngoài, chỉ 10% là vốn từ Việt Nam. Nhưng khi nhận vốn đầu tư nước ngoài, phải xin ý kiến Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương. Vì vậy, về chính sách đầu tư, nên xử lý gỡ vướng cơ chế thủ tục để có thể nhận khoản vay chuyển đối, trái phiếu chuyển đổi cho các DN startup”, ông Nam nêu ý kiến.
Ông Nam cũng đưa ra các đề xuất nhằm tháo gỡ vướng mắc về nguồn nhân lực cho các DN startup, như ngoài việc ưu đãi về thuế DN, Nhà nước cần có chính sách giảm thuế thu nhập cá nhân cho người lao động làm cho việc cho DN startup...
Cũng về vấn đề nhân lực cho ngành công nghệ thông tin, ông Phạm Văn Hải, Trường Đại học Bách Khoa cho rằng, nguồn nhân lực cho công nghệ thông tin đang rất thiếu. Nhưng một nghịch lý là số lượng nhân lực đào tạo ra trong các trường đại học thì rất lớn, nhưng số lượng dùng thực chỉ chiếm 15%. Ông cho rằng, cần thay đổi cách đào tạo tại các trường đại học.
“Đào tạo không thể theo truyền thống như ngày xưa nữa, mà sinh viên công nghệ thông tin có thể 2 năm ngồi trong trường đại học, còn 2 năm còn lại ngồi làm việc ở DN. Trong thời đại cách mạng 4.0, chúng tôi chú ý đào tạo theo xu hướng này, nhưng để làm được ngay thì cần nhiều việc phải làm, trong đó rất cần sự phối hợp của DN", ông Hải nói./.
Bùi Tư
Theo Thời báo Tài chính Việt Nam Online