Chính sách mới >> Tài chính 10/08/2017 14:25 PM

Phó thủ tướng: Thị trường chứng khoán mất khoảng 2 tỉ USD vì tin đồn

10/08/2017 14:25 PM

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết ngày hôm qua 9-8, thị trường đã mất khoảng 2 tỉ USD và trong lịch sử đã có những kiểu tin đồn như vậy, đồng thời kêu gọi nhà đầu tư bình tĩnh trước tin đồn.

Phát biểu tại Lễ ra mắt và khai trương thị trường chứng khoán phái sinh sáng nay 10-8, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết trong ngày 9-8, thị trường đã mất khoảng 2 tỉ UDS vì tin đồn thất thiệt, không có căn cứ.

Vương Đình Huệ

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Ảnh: Tổ quốc

Phó Thủ tướng chia sẻ hôm qua, ông cũng rất băn khoăn khi các cổ phiếu của ngân hàng giảm giá rất mạnh, nhất là cổ phiếu của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV). Nhắc lại việc cho biết trước đây đã từng có những tin đồn thất thiệt như vậy, không loại trừ các hành vi tung tin để trục lợi, Phó Thủ tướng kêu gọi các thành viên thị trường, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư hãy tin tưởng vào điều hành của Chính phủ, tin tưởng vào sự điều hành của Bộ Tài chính và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), đừng tin vào tin đồn không có căn cứ.

Trước đó, vào khoảng 10 giờ ngày 9-8, chứng khoán bất ngờ đỏ lửa với sự mất giá rất nhanh của nhóm cổ phiếu ngân hàng, dẫn đầu là BIDV khi thông tin ông Trần Bắc Hà, nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV có liên quan đến vụ án ông Trầm Bê, Phạm Công Danh gây ra sai phạm tại Ngân hàng Phương Nam và Ngân hàng Xây dựng loang rộng trên mạng xã hội. Mã chứng khoán BID của BIDV đã giảm sàn xuống mức 20.400 đồng/cổ phiếu, đến cuối phiên giao dịch buổi sáng hồi phục nhẹ lên mức 28.000 đồng/cổ phiếu, kéo VN-Index giảm 10 điểm. Đến cuối ngày, giá cổ phiếu BIDV lại trở về mức giảm sàn. Nhiều cổ phiếu ngân hàng lớn cũng giảm sâu là nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán đỏ lửa trong ngày 9-8.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết đến nay, quy mô thị trường trái phiếu và cổ phiếu của Việt Nam đã đạt trên 80% GDP. Trong đó thị trường cổ phiếu là 57%, thị trường trái phiếu chính phủ là 24%. Theo kế hoạch, Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, tổng quy mô thị trường sẽ tương đương 110% GDP, tương đương tổng dư nợ tín dụng của toàn bộ nền kinh tế tại thời điểm đó.

Để đạt được mục tiêu đó, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính, UBCKNN và các bên liên quan cần triển khai nhiều giải pháp. Đó là tiếp tục chủ trương hoàn thiện các thể chế, cơ chế chính sách về chứng khoán và TTCK ngày càng phù hợp với thực tiễn Việt Nam và các thông lệ chuẩn mực tốt nhất của quốc tế. Trong đó, cần tập trung xây dựng chiến lược phát triển TTCK tầm nhìn đến năm 2030, trình Chính phủ phương án cụ thể hợp nhất 2 sở giao dịch chứng khoán theo nguyên tắc "một Sở, hai sàn". Khẩn trương xây dựng trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi bổ sung Luật Chứng khoán, trong đó cần ưu tiên xây dựng các cơ sở pháp lý cho thị trường nói chung và TTCK phái sinh có điều kiện hoạt động.

Tăng cường quản lý, hoàn thiện mô hình giám sát và công bố thông tin trên TTCK nói chung và TTCK phái sinh nói riêng, đảm bảo khả năng phòng ngừa rủi ro cho hệ thống tài chính, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường chứng khoán.

Tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, phục vụ giao dịch và thanh toán bù trừ để đảm bảo an toàn, ổn định thị trường, có khả năng kết nối đồng bộ với các hệ thống giao dịch và giám sát thị trường. Ưu tiên đào tạo và xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cao ở các cấp độ, từ cơ quan quản lý, công ty chứng khoán, thành viên bù trừ, nhân viên nghiệp vụ. Tăng cường công tác truyền thông, phổ biến và đào tạo để công chúng đầu tư và tham gia tích cực vào thị trường chứng khoán phái sinh.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng đề nghị phải có các giải pháp chủ động hội nhập TTCK và thị trường tài chính quốc tế, nâng cao khả năng cạnh tranh, tiếp cận với các chuẩn mực chung có thông lệ quốc tế tốt nhất, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa TTCK Việt Nam so với các quốc gia khác trong khu vực.

T. Hà

Theo Người lao động

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,330

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]