Chính sách mới >> Tài chính 04/02/2012 08:30 AM

04/02/2012 08:30 AM

Lệch "quy luật", nguồn vốn đang chảy về các ngân hàng nhỏ và trung bình là khá lớn. Nguyên nhân liệu có chỉ vì khuyến mãi?


Nguồn vốn thường bị rút ra mạnh khỏi ngân hàng trước Tết, sau đó quay trở lại vào thời điểm sau Tết và các ngân hàng lớn huy động được nhiều hơn. Nhưng năm nay, nguồn vốn chảy về các ngân hàng nhỏ và trung bình là khá lớn. Lách trần lãi suất huy động để hút vốn là nghi vấn được đặt ra.

Ông Trần Anh Tuấn, Tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chia sẻ, trong tháng đầu tiên của năm 2012, nguồn vốn huy động của BIDV bị sụt giảm khoảng 4.000 tỷ đồng.

    Hiện tượng này trên thực tế không chỉ diễn ra ở BIDV. Một lãnh đạo của Vietcombank cho biết, nguồn vốn huy động cũng sụt giảm trong tháng 1/2012 và chủ yếu tập trung ở khối doanh nghiệp. Nhưng theo vị này, nguồn vốn huy động của Ngân hàng sụt giảm trong tháng 1 là việc bình thường, theo quy luật tăng - giảm của thị trường. Điều này không có gì lo lắng, bởi tháng trước đó nguồn vốn huy động tăng cao và tình hình huy động vốn sẽ có sự thay đổi trong tháng 2 này.

    Thực tế, tháng 1 trùng với thời điểm Tết Nguyên đán, nên các doanh nghiệp thường rút tiền để trả lương, thưởng Tết cho cán bộ, nhân viên. Bên cạnh đó, do doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp lớn thường là khách hàng của những ngân hàng lớn như BIDV, Vietcombank..., nên việc các ngân hàng này bị sụt giảm nguồn vốn mạnh hơn cũng là lẽ thường tình. Những ngày sau Tết, lượng vốn lại chảy vào ngân hàng. Và khi trần lãi suất vẫn được áp dụng, theo lý mà nói, lợi thế vẫn thuộc về các ngân hàng lớn. Có nghĩa là dòng vốn sau Tết sẽ lại tập trung vào các ngân hàng lớn. Thế nhưng, trên thực tế, năm nay có khác, nguồn vốn chảy về các ngân hàng nhỏ và trung bình là khá lớn.


    Khuyến mại hút tiền...


    Trao đổi với ĐTCK, lãnh đạo một ngân hàng quy mô trung bình cho biết, ngay từ trước Tết Nguyên đán, trong khi nhiều ngân hàng lo lắng về lượng tiền bị rút thì tại ngân hàng ông, nguồn vốn huy động không những không hao hụt, mà còn chảy vào khá lớn. Nguồn vốn chảy về chủ yếu từ khối doanh nghiệp và từ khu vực dân cư, tăng đáng kể so với tháng trước đó. Sau Tết, mặc dù mới bắt đầu đi làm lại vài ngày sau kỳ nghỉ dài, chưa có tổng kết cụ thể, nhưng vị lãnh đạo này ước tính, lượng tiền chảy vào ngân hàng khá ổn định.

    Ở một ngân hàng khác, vị tổng giám đốc cho biết: “Trong 3 ngày đầu tuần, mỗi ngày nguồn vốn huy động đạt khoảng 20 tỷ đồng, chủ yếu là từ khu vực dân cư”.

    Theo hai vị lãnh đạo ngân hàng nêu trên, do tình hình kinh tế được dự đoán còn nhiều khó khăn, cộng với tâm lý “tháng Giêng là tháng ăn chơi”, nên thời gian này nhiều doanh nghiệp chưa đẩy mạnh hoạt động sản xuất - kinh doanh và nguồn vốn nhàn rỗi được gửi vào ngân hàng. Bên cạnh đó, thời điểm sau Tết, người dân gửi lại vào ngân hàng những khoản tiền không chi tiêu hết trong dịp Tết. Chính vì vậy, các ngân hàng đã đề ra nhiều giải pháp để “vợt” dòng vốn này.

    Chẳng hạn, VPBank có chương trình khuyến mãi “Tân niên vạn lộc”, bắt đầu từ ngày 18/1/2012 đến hết ngày 30/3/2012, hơn 530.000 phần thưởng có giá trị của thẻ cào sẽ được trao ngay cho khách hàng tại quầy giao dịch. Đồng thời, khách hàng nhận được mã số để tham gia chương trình quay số theo kỳ của chương trình, trong đó kỳ hạn gửi tối thiểu là 1 tháng và số tiền gửi tối thiểu là 5 triệu đồng hoặc 250 USD hoặc 167 EUR. Trong những ngày đầu tiên đi làm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, khách hàng gửi tiết kiệm tại VPBank sẽ được nhận gấp đôi số lượng thẻ cào và mã số dự thưởng nếu tham gia chương trình trong Tuần lễ vàng từ ngày 30/1/2012 đến hết ngày 4/2/2012.

    GP.Bank thì gửi tặng “Lì xì lộc xuân” từ ngày 30/1/2012 đến ngày 2/2/2012. Cụ thể, mỗi ngày tại mỗi chi nhánh/phòng giao dịch/quỹ tiết kiệm trên toàn quốc, GP.Bank sẽ dành tặng Lì xì lộc xuân may mắn cho 20 khách hàng đầu tiên gửi tiết kiệm bằng VND và USD, mở tài khoản mới, thẻ ATM, nhận tiền kiều hối.

     

    Hay lách trần lãi suất?


    Không thể phủ nhận sự nhạy bén trong kinh doanh của các ngân hàng TMCP, song cũng không loại trừ một số ngân hàng nhỏ vẫn âm thầm lách quy định trần lãi suất 14%/năm để thu hút khách hàng.

    Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia ngân hàng, cuộc chạy đua vốn huy động lên đến cao điểm vào vài ngày trước Tết Nguyên đán, khi mà các ngân hàng đôn đáo thu hút tiền gửi của khách hàng và các doanh nghiệp để bảo đảm thanh khoản. Những ngày cuối năm luôn là thời điểm khách hàng cả doanh nghiệp và cá nhân rút tiền để chi thưởng, thanh toán chi phí hoạt động, trả nợ, chí phí cá nhân cho dịp lễ, tết. Vì thế, các ngân hàng dễ lâm vào tình trạng mất thanh khoản tạm thời. Để bù đắp thanh khoản, các ngân hàng không ngần ngại mời chào khách hàng với lãi suất tiền gửi hấp dẫn, vượt quy định trần 14%/năm của NHNN.

    “Sau Tết, tình hình thanh khoản và tình hình cạnh tranh cho tiền gửi đã tạm lắng dịu, nhưng đâu đó lãi suất vẫn chưa hạ xuống mức quy định của NHNN. Hiện tượng phá rào lãi suất để cứu thanh khoản vào những ngày cuối năm vừa qua lại đưa chúng ta trở về với câu hỏi: với lạm phát đang giảm đáng kể so với năm ngoái, liệu việc giảm lãi suất trong thời gian tới có thực hiện được không, khi mà ngay cả với lãi suất cao thì một số ngân hàng đã đứng trước sự khó khăn về thanh khoản vào những ngày cuối năm?”, ông Hiếu nói.

    Đồng tình với ý kiến này, nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh lạm phát thì chính vấn đề thanh khoản của các ngân hàng đang là trở lực lớn nhất trong lộ trình hạ lãi suất. Trả lời báo chí thời gian gần đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình thừa nhận, thanh khoản đang là vấn đề lớn và nóng bỏng đối với hệ thống ngân hàng. NHNN đang tập trung xử lý thanh khoản của các tổ chức tín dụng và nếu xử lý tốt được vấn đề này sẽ tạo nền tảng vững chắc hơn, cùng với sự giảm của lạm phát tạo ra tiền đề cho việc giảm lãi suất trong năm 2012.

    Thống đốc NHNN khẳng định, nếu lạm phát được kiềm chế ở mức 8 - 8,5% năm 2012 thì có khả năng giảm mặt bằng lãi suất huy động xuống quanh mức 10%/năm.


Theo Hồng Dung
ĐTCK

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,363

Chính sách mới

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]