Nhóm nghiên cứu cho rằng điều hành lãi suất là vấn đề bất cập nhất hiện nay. Việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN còn mang dấu ấn hành chính. Điều này được minh chứng rõ nhất thông qua các xử lý thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát trong những tháng đầu năm 2008, những tháng cuối năm 2010 và 2011.
Năm 2008, để thắt chặt tiền tệ chống lạm phát, thống đốc NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại (NHTM) thực hiện lãi suất huy động vốn phải thực dương (cao hơn mức lạm phát dự kiến), nhưng yêu cầu này thiếu nhất quán là quy định mức lãi suất huy động vốn không được vượt quá 12%/năm, trong khi mức lạm phát thực tế chỉ qua ba tháng đầu năm 2008 đã lên tới 9,2%.
Không những thế, Hiệp hội Ngân hàng VN vận động các NHTM đồng thuận lãi suất huy động cao nhất 11%/năm. Điều này khiến các NHTM nhỏ rơi vào tình trạng không huy động được vốn từ dân cư mà chuyển qua vay vốn của NHTM lớn trên thị trường liên ngân hàng với lãi suất lên đến 18-24%/năm.
“Có thể nói, đây là một thất bại trong chính sách tiền tệ của NHNN. Những tháng cuối năm 2010 và 2011, NHNN quy định mức lãi suất huy động VND tối đa không quá 14%/năm, mức lãi suất trần này từ lâu đã không phù hợp với thực tế khi tỉ lệ lạm phát tăng liên tục trong các tháng đầu năm 2011” - tiến sĩ Dương khẳng định.
Nhóm nghiên cứu cho rằng để giải quyết vấn đề lạm phát cao và lạm phát thực tế cách biệt so với chỉ tiêu Quốc hội đặt ra, chính sách tiền tệ phải được thực hiện để đảm bảo tính hiện thực lạm phát mục tiêu. Xây dựng Luật ngân hàng trung ương thay thế Luật NHNN, đảm bảo vai trò độc lập của NHNN.
Tuy nhiên tại hội thảo, đại diện NHNN cho rằng lạm phát ở VN cao và thường không sát với chỉ tiêu Quốc hội là do các nguyên nhân: độ mở cửa của nền kinh tế nước ta lớn, sản xuất phụ thuộc vào nhập khẩu, hiệu quả đầu tư thấp, công tác quản lý giá, hệ thống bán lẻ không như các nước...