Theo Alliance Bernstein, với việc liên tục làm bất ngờ thị trường với những đợt cắt giảm mạnh tay, đột ngột, Ngân hàng Nhà nước (SBV) đang quyết tâm thúc đẩy kinh tế “với cái giá phải trả là những nghi ngại gia tăng trong giới đầu từ về khả năng cân bằng cán cân thanh toán và đồng nội tệ”.
Nối tiếp mức cắt giảm 1% vào giữa tháng Ba, chỉ một tháng sau đó SBV tiếp tục đưa ra chính sách cắt giảm tương tự. Lãi suất tái cấp vốn giảm từ 14% xuống 13% và lãi suất chiết khấu giảm xuống 11% từ mức 12%. Trước đó, thống đốc Nguyễn Văn Bình đã hàm ý chỉ giảm lãi suất một cách thận trọng – 1% cho mỗi quý.
Động thái này được đưa ra sau khi chính phủ công bố tăng trưởng kinh tế quý I/2012 chỉ đạt 4%, so với 6,1% trong quý trước đó.
Trong một thông báo, Alliance Bernstein viết: “Theo quan điểm của chúng tôi, những nhà hoạch định chính sách Việt Nam đã bỏ lỡ một cơ hội hiếm có từ môi trường kinh tế vĩ mô thuận lợi để tái thiết lòng tin của thị trường vào Đồng và đẩy dự trữ ngoại hối lên một mức an toàn hơn.”
Alliance Bernstein cảnh báo những cải thiện gần đây trong cân bằng cán cân thương mại là do sản lượng nhập khẩu đối với hàng hóa vốn đã giảm mạnh, mà nguyên nhân chính là các doanh nghiệp đã dừng đầu tư trong nước chứ không phải bắt nguồn từ những nguyên nhân tích cực. Tuy vậy, lãi suất xuống thấp có thể đảo ngược tình hình.
Về mặt tích cực, nới lỏng chính sách tiền tệ có thể giảm nguy cơ đổ vỡ hệ thống ngân hàng, giảm tỷ lệ nợ xấu.
Tuy nhiên, theo Alliance Bernstein, động thái này cũng gia tăng áp lực lên nền kinh tế, tạo rủi ro về một cái vòng luẩn quẩn với mô hình “bong bóng phình to rồi lại nổ” tại Việt Nam.
Theo TTVN/FT