Nguồn tin từ một ngân hàng tham gia cuộc họp cho biết, xem xét để kích thích tăng trưởng cho vay là một trong những nội dung được bàn tại cuộc họp sáng 5/4 giữa Ngân hàng Nhà nước với nhóm G12 (12 ngân hàng thương mại lớn). Vị này thông tin, có một số ý kiến cho rằng nên áp dụng cố định mức chênh giữa lãi suất cho vay với huy động là 3,5% một năm, song nhiều quan điểm chưa chưa đồng ý.
Các ngân hàng cũng có thể sẽ cân nhắc giảm lãi suất cho vay, vì hiện tại, thanh khoản đang khá dồi dào mà không cho vay ra được, nguồn tin nói trên chia sẻ. Do đó, việc giảm lãi suất huy động về 12% một năm, như tin đồn xuất hiện cuối năm 2011, dù chưa rõ ràng, song cũng có khả năng xảy ra.
Tuy nhiên, nguồn tin này bác bỏ thông tin cho rằng những ngân hàng nằm trong nhóm tăng trưởng tín dụng thấp, nhưng lại thừa vốn có khả năng được Ngân hàng Nhà nước "nhấc" lên nhóm cao hơn để dễ cho vay hơn. Vị này chia sẻ, vấn đề nói trên không được bàn bạc trong buổi họp sáng 5/4.
Một lãnh đạo ngân hàng cổ phần tại Hà Nội cũng bày tỏ, trong 2 tháng đầu năm, cho vay tại ngân hàng ông hầu như không tăng trưởng. "Để chọn giữa cho vay thị trường 2 với lãi suất 10-11% một năm và cho vay thị trường 1 với lãi suất phổ biến 14% đến trên 20%, ngân hàng rõ ràng sẽ chọn phương án thứ hai, nhưng khó. Không hẳn vì lãi suất cao nên doanh nghiệp khó tiếp cận ngân hàng, mà do bản thân doanh nghiệp không hấp thụ được nguồn vốn", ông chia sẻ. Ông cũng nói thêm, lãi suất tất cả các lĩnh vực nên giảm về khoảng trung bình 17 - 17,5% một năm là hợp lý.
Mặt khác, theo ông, các doanh nghiệp khỏe mạnh- nhóm khách hàng nhiều nhà băng thích cho vay, cũng chỉ chấp nhận lãi suất khoảng 15% một năm. Còn những đơn vị sẵn sàng chấp nhận lãi cao trên dưới 20%, thì không đủ tín nhiệm và sức khỏe để ngân hàng giải ngân. Lãnh đạo nói trên thẳng thắn chia sẻ, thời gian vừa rồi, không chỉ giữ chân khách hàng gửi tiền, các nhà băng cũng đua nhau giành khách hàng tốt để cho vay, mong tín dụng phát triển.
Chia sẻ với báo chí cách đây chưa lâu, Phó chủ tịch HĐQT LienVietPostBank Nguyễn Đức Hưởng cũng cho biết, hiện nay, nguồn thu chủ yếu của hầu như tất cả các ngân hàng tại Việt Nam vẫn là từ tín dụng, trong đó có một phần cho vay trực tiếp. Đây là hoạt động ngân hàng kiểu cổ điển. Còn ngân hàng hiện đại sẽ có nguồn thu từ dịch vụ, tư vấn... sau mới đến tín dụng.
Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần khác thì cho rằng, thời gian tới, áp lực giảm lãi suất sẽ tiếp tục lan từ ngân hàng lớn đến nhà băng nhỏ do thanh khoản hệ thống đang thừa. Bà nói: "Thay vì săn khách gửi tiền, các ngân hàng sẽ đi tìm khách vay. Tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm âm xuất phát từ việc nhiều cá nhân, đơn vị trả nợ, song không tiếp tục vay lại". Lãnh dạo này cũng chia sẻ thêm, bản thân ngân hàng bà cũng tung ra một gói tín dụng ưu đãi từ một vài tháng nay, nhưng giải ngân khá chậm.
Sau khi Ngân hàng Nhà nước họp với các ngân hàng nhóm G12 tại Hà Nội sáng 5/4, đến chiều, Ngân hàng Công thương VN (Vietinbank) phát đi thông báo tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Theo đó, lãi suất cho vay thu mua tạm trữ lúa gạo vụ Đông xuân chỉ còn 12% một năm. Riêng đối với lĩnh vực xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa..., lãi suất cho vay của nhà băng này ở mức từ 14-15% một năm.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước, trong 2 tháng đầu năm, tín dụng có dấu hiệu tăng trưởng âm so với cuối năm 2011. Tháng 2, tín dụng ước giảm 0,53% so với tháng 1 và giảm 2,51% so với cuối năm 2011. Cho vay bằng VND và USD lần lượt giảm 0,37% và 1,11%. Còn tháng 1, so với cuối 2011, tín dụng bằng đồng Việt Nam cũng giảm 0,21%, USD giảm 2,39%. Mức giảm nói chung là 0,79%.