Chính sách mới >> Tài chính 19/05/2012 08:10 AM

19/05/2012 08:10 AM

T.S Cao Sỹ Kiêm cho rằng, để hỗ trợ DN, bên cạnh hạ lãi suất và tạo điều kiện tiếp cận vốn tín dụng tốt hơn thì chính sách tín dụng cần làm sao tạo được hiệu ứng lan tỏa.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, chính sách tiền tệ (CSTT) thường luôn đi trước các chính sách khác trong điều hành kinh tế vĩ mô (KTVM). Chính vì yếu tố “luôn đi trước” ấy nên nếu các chính sách khác không hỗ trợ hoặc hỗ trợ không kịp thời, đồng bộ thì CSTT vô hình trung dễ trở thành “mũi nhọn bị tấn công”, bị tập trung “soi” nhiều cũng là điều dễ hiểu - TS. Cao Sỹ Kiêm.

Ông có thể cho biết thêm một số nhìn nhận về kết quả điều hành CSTT của NHNN thời gian qua?

Vấn đề điều hành CSTT thời gian qua, theo tôi, đã có nhiều đóng góp tích cực cho ổn định KTVM, kiềm chế lạm phát. Trong đó có thể thấy một số nét nổi bật lên như: Kiềm chế được khối lượng tín dụng đưa ra tốt hơn, đúng địa chỉ hơn, tập trung vào những lĩnh vực nóng bỏng, cốt lõi của nền kinh tế đất nước hiện nay; Duy trì được thị trường ngoại tệ ổn định, tỷ giá được duy trì ở mức hợp lý. Bên cạnh đó, CSTT cũng góp phần làm cho các thị trường gián tiếp khác như bất động sản (BĐS), chứng khoán… có những yếu tố tích cực hơn, chuyển biến rõ nét hơn. Đặc biệt việc sử dụng các công cụ CSTT như lãi suất, thị trường mở… khá linh hoạt, thích ứng với diễn biến của nền kinh tế.

Cùng với đó, chúng ta cũng thấy được sự phối hợp giữa các chính sách tài khóa (CSTK), CSTT và các chính sách khác bước đầu chặt chẽ và có kết quả tốt hơn. Tất cả những yếu tố chuyển biến tích cực đó đã góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định KTVM. Lạm phát 4 tháng qua chỉ 2,6%. Năm nay phấn đấu 8-9% là mục tiêu hoàn toàn có thể đạt được.

Nhưng chắc hẳn vẫn còn những điểm cần điều chỉnh thưa ông?

Đúng vậy. Trước hết, lãi suất còn cao nên hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh (SXKD) chưa tốt. Điều này do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu do lạm phát vẫn cao. Bên cạnh đó, dù chúng ta có chủ trương giảm lãi suất xuống và đã giảm trần lãi suất huy động 2 lần nhưng việc kiểm tra, xử lý vấn đề lách trần lãi suất chưa được thực hiện mạnh mẽ, triệt để. Cho nên nó “đẻ” ra vấn đề là mặc dù lãi suất tiền gửi đã giảm nhưng lãi suất cho vay chưa giảm xuống tương ứng. Do đó, cái đích phục vụ hỗ trợ cho SXKD chưa rõ rệt.

Ngoài ra, mặc dù phối hợp CSTT và CSTK bước đầu đã có kết quả nhưng khách quan mà nói thì cũng chưa thực sự chặt chẽ, đồng bộ, nhịp nhàng.

Theo ông, nguyên nhân của những hạn chế này là do đâu?

Theo tôi do 3 vấn đề chủ yếu: Đầu tiên là công tác nắm tình hình, kiểm soát tình hình và các quyết sách đôi khi còn chưa dứt khoát, quyết liệt. Tiếp đó là công tác giám sát, kiểm tra của ngân hàng chưa thực sự nghiêm. Bên cạnh đó, thực tế cho thấy, CSTT thường luôn đi trước các chính sách khác trong điều hành KTVM thời gian qua.

Chính vì yếu tố “luôn đi trước” ấy nên nếu các chính sách khác không hỗ trợ hoặc hỗ trợ không kịp thời, đồng bộ thì CSTT vô hình trung dễ trở thành “mũi nhọn bị tấn công”, bị tập trung “soi” nhiều cũng là điều dễ hiểu.

Vậy từ nay đến cuối năm, CSTT cần tập trung vào các vấn đề gì?

Trước mắt, cần triển khai bằng được Nghị quyết của Chính phủ về hạ lãi suất xuống mức phù hợp. Trên cơ sở trần lãi suất tiền gửi 12%/năm và trần cho vay 15%/năm với 4 lĩnh vực ưu tiên, phải có tiêu chí rõ ràng, đồng thời hướng dẫn, kiểm soát để cho các doanh nghiệp (DN) thuộc các lĩnh vực này được vay đúng theo lãi suất ấy. Còn các đối tượng vay theo lãi suất thỏa thuận thì cũng phải kiểm soát được mức thỏa thuận bao nhiêu là hợp lý để không tạo ra sự chênh lệch đến mức vô lý. Cùng với đó, cần nắm được cơ cấu nợ - có của các ngân hàng, từ đó đưa tín dụng vào đúng địa chỉ hơn.

Tiếp theo, cần tiếp tục quản lý thị trường ngoại tệ dù tỷ giá hiện nay tương đối ổn định. Đặc biệt, cần chú ý khảo sát thật kỹ các đối tượng doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu có tái tạo ngoại tệ. Thứ nữa, cần triển khai mạnh mẽ và có hiệu quả nghị định về vàng... thông qua các hướng dẫn rõ ràng, cụ thể, kịp thời.

Kế đến, CSTT phải góp phần giải quyết thị trường hàng tiêu dùng và thị trường bất động sản (BĐS). Đối với thị trường BĐS, vẫn phải kiên quyết không hỗ trợ những anh đầu cơ, chỉ hỗ trợ cho cung cầu thực sự của người dân để giải quyết phần nào những vấn đề bức xúc trước mắt đang làm thị trường này đóng băng. Thị trường tiêu dùng cũng vậy, ta nên kích cầu để thúc đẩy sức mua tăng lên thông qua cho vay tiêu dùng, tạo điều kiện cho hàng hóa được lưu thông thông suốt.

Để hỗ trợ DN, bên cạnh hạ lãi suất và tạo điều kiện tiếp cận vốn tín dụng tốt hơn thì chính sách tín dụng cần làm sao tạo được hiệu ứng lan tỏa. Trong các DN, sản phẩm đầu ra của anh này có thể là nguyên liệu đầu vào của anh kia. Vì vậy, các ngân hàng cần cố gắng kết nối các DN này lại với nhau, để giúp cho hệ thống SXKD trong nền kinh tế được liên tục, thông thoáng, trôi chảy.

Bên cạnh đó, các quyết sách của NHNN phải dần đi vào yếu tố thị trường, rút ngắn và thu hẹp dần các biện pháp hành chính. Đặc biệt, trong giai đoạn từ nay đến cuối năm, NHNN cần tiếp tục linh hoạt trong điều hành chính sách. Tình hình diễn biến rất nhanh, nếu lạm phát tiếp tục giảm nhanh thì lãi suất cũng phải giảm theo cho phù hợp.

Còn về trung và dài hạn thì sao, thưa ông?

Tất nhiên, cùng lúc đó chúng ta vẫn luôn cần tiếp tục các giải pháp, chính sách lâu dài. Trong đó, vấn đề lớn và quan trọng nhất là cấu trúc lại hệ thống ngân hàng. Năm nay, cần tập trung giải quyết bằng được các ngân hàng yếu kém. Tiếp đó là thực hiện các vấn đề còn lại theo đúng lộ trình mà Đề án đề ra. Song song với đó, ngành Ngân hàng cũng phải đóng góp tích cực cho quá trình chuyển đổi mô hình, cơ cấu kinh tế của Việt Nam, đặc biệt là hướng nguồn tín dụng vào các kênh hiệu quả nhất. Khi quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế thành công sẽ tác động trở lại tích cực đối với hệ thống ngân hàng, tạo điều kiện để hệ thống hoạt động hiệu quả hơn.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theothoibaonganhang.vn

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,781

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]